Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 92/2015/TT-BTC, ngày 15/06/2015 hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với cá nhân cư trú có hoạt động kinh doanh và hướng dẫn thực hiện một số nội dung sửa đổi, bổ sung về thuế TNCN. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/07/2015 và áp dụng cho kỳ tính thuế TNCN từ năm 2015 trở đi. Tác giả Lê Anh Tuấn có bài "Một số vấn đề bất cập về chính sách thuế thu nhập cá nhân theo Thông tư số 92/2015/TT-BTC" sẽ cho thấy một số điểm mới và cả những vướng mắc trong thực hiện thu thuế TNCN theo Thông tư này, qua đó đưa ra những kiến nghị cần thay đổi.

Việt Nam đã bắt đầu bước sang giai đoạn dân số già, với mức thu nhập xấp xỉ 2.110 USD, nhưng mỗi người dân Việt Nam đã phải gánh hơn 1.300 USD nợ công, tương đương 62,2% thu nhập tính theo GDP đầu người. Câu chuyện nợ công và tính an toàn của nợ công vẫn tiếp tục “nóng” trong cả năm 2016. Tác giả Tạ Đức Thanh với bài "Bảo đảm an toàn nợ công ở Việt Nam: Nhiệm vụ khó khăn!" sẽ cho thấy rõ hơn bức tranh nợ công của Việt Nam hiện nay, những vẫn đề đáng lo ngại và phải có biện pháp gì để giải quyết vấn đề này.

Kể từ khi bắt đầu Đổi mới vào năm 1986 đến nay, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong nền kinh tế. Trên cơ sở số liệu thống kê từ năm 1990 đến 2015, bài viết "Bức tranh kinh tế - xã hội Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế" của tác giả Nguyễn Thị Thanh Huyền sẽ tập trung phân tích tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam qua các giai đoạn hội nhập, đánh giá một số thách thức từ hội nhập thương mại, ngân sách, bất bình đẳng thu nhập. Từ đó, sẽ đề xuất một số khuyến nghị chính sách trong thời gian tới.

Tại Việt Nam, nghiệp vụ tài chính phái sinh diễn ra không tập trung, mà chỉ là nhỏ lẻ giữa ngân hàng và một số đối tượng có nhu cầu. Vì vậy, Việt Nam cần sớm xây dựng một thị trường thuận lợi để phát triển các công cụ phái sinh này, đồng thời đa dạng hóa các kênh huy động vốn trong nền kinh tế để đầu tư phát triển. Nhóm tác giả Bùi Nguyên Khá và Trần Thị Thanh Phương với bài "Phát triển thị trường tài chính phái sinh ở Việt Nam" sẽ cho thấy đâu là những vấn đề cần phải làm để thúc đẩy thị trường này.

Công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo đến nay đã tròn 30 năm. Trên chặng đường đó, Việt Nam đã tham gia 14 hiệp định thương mại tự do song và đa phương, nhờ đó hoạt động kinh tế đối ngoại nói chung, xuất khẩu nói riêng đã có bước tiến ấn tượng và trở thành đòn bẩy phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu cũng đặt ra nhiều vấn đề cần sớm khắc phục. Tác giả Võ Tá Tri với bài "Vấn đề trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam: Không thể xem thường" sẽ điểm lại những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong xuất khẩu, đồng thời sẽ cho thấy những vấn đề cần quan tâm hiện nay để xuất khẩu của Việt Nam thực sự "chất" hơn.

Cùng với các bài viết trên, Tạp chí số này còn có nhiều bài phân tích trong các lĩnh vực du lịch, tài chính, đầu tư... sẽ đem đến cho bạn đọc các thông tin tham khảo hữu ích./.