Năm 2016 đầy khó khăn đã khép lại với tăng trưởng GDP đạt mức 6,21%, CPI bình quân năm 2016 tăng 2,66% so với bình quân năm 2015. Năm 2017 đã mở ra, dự báo nền kinh tế thế giới và trong nước sẽ tiếp tục còn nhiều khó khăn. Trong không khí đầu xuân năm mới, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Kinh tế và Dự báo một vài nhận định khi nhìn lại một năm qua và dự cảm về tình hình kinh tế đất nước năm 2017 qua bài "Nền kinh tế phải sớm chuyển sang trạng thái mới để phát triển ở trình độ cao hơn".

Cũng nhìn lại một năm, công tác đối ngoại của nước ta tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực, có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng hiệu quả, phục vụ đắc lực mục tiêu đối ngoại “bảo đảm lợi ích tối cao của quốc gia - dân tộc”. Qua bài "Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế", Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ cho biết cụ thể hơn công tác ngoại giao trong năm qua và định hướng trong năm 2017.

Để có thể tăng trưởng kinh tế cao, phát triển nhanh và bền vững đòi hỏi phải tái cơ cấu một cách toàn diện, đồng bộ nền kinh tế, lấy hiệu quả kinh tế và năng suất lao động làm thước đo của sự thành công. Tái cơ cấu kinh tế phải đi vào thực chất, chiều sâu và có giải pháp đột phá trên tinh thần đổi mới, sáng tạo mạnh mẽ và quyết liệt, đẩy mạnh áp dụng khoa học, công nghệ cao một cách hiệu quả. Qua bài "Đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững", tác giả Lê Quốc Lý đã có đề xuất một số giải pháp để việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế thành công như mục tiêu đặt ra.

Năm 2016, điều hành chính sách tiền tệ có nhiều điểm sáng, điển hình là sự ổn định lãi suất và ổn định tỷ giá mặc dù biến động trên thị trường tài chính thế giới khá lớn; mặt bằng lãi suất huy động và mặt bằng lãi suất cho vay giảm khoảng 0,5-1%/năm ở một số kỳ hạn... Bước sang năm 2017, công tác điều hành chính sách tiền tệ sẽ tiếp tục theo hướng kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Định hướng cụ thể thế nào sẽ được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết chi tiết thêm trong bài "Điều hành chính sách tiền tệ năm 2017 tiếp tục linh hoạt và thận trọng".

Dưới góc nhìn xã hội, tái cơ cấu nông nghiệp và đổi mới nông thôn đang mang tính cấp bách hơn bao giờ hết vì 70% dân số vẫn đang sinh sống ở nông thôn và 50% lao động vẫn đang làm việc cho nông nghiệp. Trong đó, đất đai và chính sách đất đai đóng vai trò quyết định vì đất đai là tư liệu sản xuất và chính sách đất đai là biện pháp để tạo động lực nhằm sử dụng đất đạt hiệu suất cao. Việc giải quyết căn bản các vướng mắc xung quanh các vấn đề trên được coi là những động lực mới thúc đẩy ngành kinh tế Việt Nam phát triển. Tác giả Đặng Hùng Võ sẽ có phân tích sâu hơn về vấn đề này trong bài "Chính sách đất đai phải tạo động lực mới thúc đẩy ngành nông nghiệp Việt Nam phát triển".

Trước bối cảnh các chính sách trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa nhiều, nhưng chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực doanh nghiệp này. Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa được xây dựng với các chính sách, chương trình đồng bộ nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có chọn lọc, phù hợp với mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế của đất nước đang nhận được nhiều sự kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Bài viết "Xây dựng Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa" của tác giả Nguyễn Hoa Cương sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn sự cần thiết của Luật này và biết thêm những nội dung lớn trong Luật.

Qua hơn 25 năm kể từ khi khu công nghiệp đầu tiên được thành lập năm 1991, các khu công nghiệp đã có bước phát triển đáng kể về cả số lượng, chất lượng, ngày càng có đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Tuy nhiên, mô hình khu công nghiệp cũ đa ngành, chưa phát triển chuyên sâu và quan tâm đến nâng cao hiệu quả hoạt động đang bộc lộ những hạn chế, chưa đáp ứng vai trò là động lực phát triển công nghiệp, kinh tế-xã hội. Tác giả Trần Duy Đông với bài "Về phát triển một số mô hình khu công nghiệp mới tại Việt Nam trong thời gian tới" sẽ cho bạn đọc rõ hơn sự cần thiết phải đổi mới, xây dựng các mô hình công nghiệp mới và các giải pháp thực hiện.

Tạp chí số đặc biệt đón chào Xuân Đinh Dậu còn rất nhiều bài viết hay, hấp dẫn phân tích nhiều khía cạnh kinh tế-xã hội trong năm 2016 và dự báo cho năm 2017 sẽ đem đến cho bạn đọc thông tin tham khảo hữu ích./.