Tự do cạnh tranh là tiền đề cho sự vận hành hiệu quả của nền kinh tế thị trường, là điều kiện tiên quyết để các nền kinh tế hoạt động tối ưu, thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và là động lực phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, Việt Nam hiện chưa có một chính sách toàn diện về cạnh tranh; hệ thống pháp luật về cạnh tranh chưa đầy đủ, chưa thực sự có hiệu lực; cơ quan thi hành pháp luật cạnh tranh thiếu tính độc lập, thiếu năng lực và chưa đủ mạnh. Tác giả Đặng Quang Vinh với bài "Cần thiết phải hoàn thiện chính sách cạnh tranh ở Việt Nam" sẽ phân tích hiện trạng chính sách cạnh tranh ở Việt Nam, qua đó đưa ra một số khuyến nghị giải pháp.

Trong thời gian qua, công tác giảm nghèo của 06 tỉnh vùng cao Tây Bắc đã đạt kết quả tốt, nhiều mô hình giảm nghèo hiệu quả được nhân rộng. Tuy nhiên, nhiều nơi giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở vùng Tây Bắc vẫn còn cao. Hiện trạng này cho thấy, các chính sách hỗ trợ người nghèo tham gia vào thị trường Tây Bắc còn chưa thực sự phát huy hiệu quả, cần có định hướng điều chỉnh trong thời gian tới. Thực trạng cụ thể như thế nào và cần phải làm gì để tốt hơn sẽ được tác giả Lương Minh Huân và Bùi Quang Tuấn đề cập tới trong bài "Về chính sách hỗ trợ người nghèo ở vùng Tây Bắc".

Kinh tế Việt Nam đã trải qua một năm đầy biến động. Khởi đầu với nhiều kỳ vọng về sự phục hồi và tín hiệu cải cách, song nền kinh tế đã phải đương đầu với không ít bất lợi. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực được kỳ vọng sẽ là lực kéo quan trọng, song lại không có nhiều tiến triển trong các tháng cuối năm 2016. Một số ngành kinh tế và doanh nghiệp trong nước sụt giảm mạnh vào các tháng đầu năm. Nguồn lực trong dân cư chậm được khơi thông. Kinh tế năm 2017 dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, vậy triển vọng sẽ là như thế nào sẽ được tác giả Nguyễn Đình Cung phân tích trong bài "Năm 2017: Ổn định kinh tế vĩ mô phụ thuộc vào khả năng ứng phó của Việt Nam".

Một "Chính phủ kiến tạo" sẽ chỉ thực sự bền vững khi dựa trên một nền kinh tế thị trường vận hành tốt. Trong khi đó, các yếu tố cơ bản cần có để một nền kinh tế thị trường là: Bảo vệ quyền tự do kinh doanh; Khuyến khích cạnh tranh và kiểm soát độc quyền có hiệu quả; Bảo đảm quyền sở hữu tài sản; Tôn trọng các giao kết hợp đồng; và Thiết lập cơ chế giải quyết các tranh chấp. Vậy, để vận hành chính phủ kiến tạo thì cần những yếu tố gì? Tác giả Đậu Anh Tuấn sẽ đề cập sâu hơn vấn đề này trong bài viết "Bàn về mô hình “Chính phủ kiến tạo” trong nền kinh tế thị trường".

Năm 2016, thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam bị sụt giảm, các đơn hàng giảm do từ nguồn cung và nhu cầu thấp từ các thị trường chính. Năm 2017, dự báo thị trường xuất khẩu gạo vẫn có những khó khăn và cần có những giải pháp đồng bộ từ cơ quan chức năng. Tương lai của ngành gạo Việt Nam sẽ như thế nào phụ thuộc vào hành động đổi mới từ người nông dân đến doanh nghiệp, nhà nước. Tác giả Võ Tòng Xuân sẽ cùng bàn luận vấn đề này trong bài "Triển vọng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2017".

Điện năng là nhu cầu không thể thiếu được cho phát triển kinh tế - xã hội. Mặc dù ngành điện đã đầu tư đáng kể để mở rộng mạng lưới và nâng cao năng lực cung cấp, nhưng sự thiếu điện cục bộ, sự mất cân đối giữa nguồn cung và nhu cầu năng lượng là rất lớn. Bên cạnh đó, hiệu quả sử dụng năng lượng thấp làm cho an ninh năng lượng trở nên nghiêm trọng. Qua bài viết "Giải pháp hợp lý hóa việc cung cấp nguồn điện năng ở Việt Nam", tác giả Ngô Thế Tuyển và Ngô Thị Thuận sẽ có đánh giá thực trạng phát triển, khai thác và sử dụng điện, từ đó đưa ra kiến nghị nhằm phát triển nguồn năng lượng điện ở Việt Nam.

Bên cạnh những bài viết trên, Tạp chí số này còn nhiều bài viết trong các vấn đề hội nhập, phát triển nông nghiệp, nông thôn, thương mại... sẽ cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích./.