Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia vừa được ban hành. Đây cũng là năm thứ 4 Nghị quyết này được ban hành và đặc biệt được giữ nguyên số thứ tự văn bản và tên gọi như ban đầu với những điểm mới đã thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực của Chính phủ trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Kết quả thực hiện Nghị quyết 19 trong 3 năm qua ra sao và có những thách thức gì trong năm thứ 4 này sẽ được tác giả Nguyễn Minh Thảo bàn luận trong bài "Nghị quyết 19-2017/NQ-CP và những kỳ vọng mới trong cải cách hành chính công".

Để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ ở Việt Nam, hình thức đối tác công - tư (PPP) được coi là kênh huy động vốn đầu tư tối ưu nhất trong hiện tại và tương lai. Mặc dù, PPP đã có Nghị định riêng được ban hành năm 2015 nhằm tạo khuôn khổ pháp lý thống nhất và rõ ràng. Tuy nhiên, cũng có một số khó khăn vướng mắc mà trong thời gian tới, Nhà nước vẫn cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý để hình thức này có thể phát huy hiệu quả hơn nữa. Đó cũng là nội dung bài "Bàn về khung pháp lý cho hình thức PPP hiện nay" của tác giả Tạ Văn Hưng.

Thông thường, theo quy luật khách quan, quốc gia có đồng tiền mạnh, ít lạm phát, thì lãi suất thấp, ổn định; quốc gia có đồng tiền yếu, lạm phát thường cao và biến động phức tạp, thì lãi suất cũng thường cao và biến động phức tạp. Vì vậy, lạm phát và lãi suất là 2 chỉ tiêu kinh tế vĩ mô có quan hệ đặc biệt cần được làm sáng tỏ trong kinh tế thị trường. Tác giả Nguyễn Đại Lai sẽ có những phân tích cụ thể trong bài "Từ cách xử lý quan hệ giữa lạm phát và lãi suất: Nghĩ về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo kinh tế thị trường".

Việt Nam đã và đang hội nhập sâu, rộng với các nền kinh tế trong khu vực và thế giới. Ngoài việc mở ra cơ hội mới thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước, hội nhập còn đem đến nhiều cơ hội, nhưng cũng mang lại không ít thách thức với lực lượng lao động của Việt Nam. Qua bài "Để nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu hội nhập", tác giả Đào Thúy Em và Trần Văn Hùng đã khái quát thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam hiện nay. Qua đó cho thấy, nếu muốn vượt qua thách thức, nắm bắt cơ hội, thì đòi hỏi Việt Nam phải chú trọng công tác đào tạo nguồn nhân lực.

Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã và đang được nhiều chính phủ quan tâm đầu tư nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhất là các nước đang phát triển ở châu Á. Thực tế ở Việt Nam, công nghiệp hỗ trợ còn đơn giản, quy mô nhỏ lẻ, giá trị gia tăng thấp và có sự chênh lệch về năng lực phụ trợ giữa các doanh nghiệp nội địa của Việt Nam với yêu cầu của các hãng sản xuất toàn cầu. Bài viết "Kinh nghiệm của Nhật Bản và Thái Lan trong phát triển công nghiệp hỗ trợ" của tác giả Đỗ Văn Trịnh sẽ cho thấy những giá trị tham khảo mà Việt Nam có thể áp dụng một cách linh hoạt để giải quyết vấn đề này.

Cùng với các bài viết trên, Tạp chí số này còn nhiều bài viết khác trong các lĩnh vực đầu tư, ngân hàng, thương mại... Bên cạnh đó là các bài phân tích các mặt khác nhau trong phát triển kinh tế-xã hội ở một số địa phương trong cả nước./.