Đã gần 30 năm, các nhà đầu tư nước ngoài được phép đầu tư sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam, kể từ đó cho đến nay, xét tổng thể, những đóng góp, kể cả trực tiếp và gián tiếp, của dòng vốn ngoại đối với phát triển kinh tế - xã hội của nước ta là rất đáng ghi nhận. Để góp thêm một “cái nhìn” về tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, bài viết "Đo lường tác động của đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế" của tác giả Hồ Sỹ Hòa và Nguyễn Hoàng Hà sẽ sử dụng phương pháp tự hồi quy phân phối trễ (ARDL) để đo lường tác động trong giai đoạn 1990-2014.

Nhiều năm qua, công nghiệp chế biến thực phẩm đã có những bước tiến bộ đáng kể, từng bước đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong nước và tham gia xuất khẩu. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này phát triển còn khá khiêm tốn so với tiềm năng. Tăng trưởng sản xuất vẫn dựa chủ yếu vào các yếu tố đầu vào, như: vốn và lao động, trong khi chưa áp dụng nhiều các tiến bộ về khoa học, công nghệ được coi là đòn bẩy và sự lan tỏa của công nghệ mới chính là cơ hội giúp doanh nghiệp công nghệ thấp bắt kịp các doanh nghiệp có công nghệ cao hơn. Nghiên cứu "Tác động lan tỏa công nghệ tới hiệu quả ngành chế biến thực phẩm Việt Nam" của tác giả Phùng Mai Lan sẽ cho thấy rõ hơn vấn đề này.

Ở Việt Nam, mạng xã hội mới được phát triển trong những năm gần đây, nhưng chưa có nhiều nghiên cứu định lượng nào xem xét tầm quan trọng của truyền thông qua mạng xã hội với giá trị thương hiệu, đặc biệt là trong lĩnh vực thời trang - một lĩnh vực đang rất phát triển và có được sự quan tâm rất lớn của người tiêu dùng. Nghiên cứu "Vai trò của mạng xã hội đối với việc gia tăng giá trị thương hiệu trong ngành thời trang" của nhóm tác giả Phạm Thị Thu Thủy và Lê Thùy Hương được thiết kế để kiểm định tác động của truyền thông qua mạng xã hội tới giá trị thương hiệu trong ngành thời trang tại thị trường Việt Nam. Qua đó gợi ý cho các nhà quản trị doanh nghiệp trong lĩnh vực thời trang sử dụng truyền thông qua mạng xã hội để nâng cao giá trị thương hiệu của doanh nghiệp.

Thực tế hiện nay, phát triển mạng lưới chợ ở nhiều địa phương còn nhiều bất cập, như: số lượng chợ không hợp lý, khoảng cách từ chợ tới khu dân cư còn xa, nhiều chợ hoạt động sai chức năng, nhiều chợ nhắc đến trong quy hoạch của địa phương không còn tồn tại, số hộ kinh doanh trong chợ không như mục tiêu kỳ vọng. Để phục vụ cho các nhà quản lý trong giám sát và đánh giá triển khai Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ, cần xây dựng hệ thống chỉ số giám sát thực trạng phát triển chợ ở các địa phương một cách thực tế và khoa học. Bài viết "Xây dựng chỉ số giám sát phát triển mạng lưới chợ" của tác giả Triệu Văn Trúc và Nguyễn Thị Lệ Thủy sẽ góp phần bổ sung vào hệ thống các công cụ giám sát và đánh giá cho các cơ quan quản lý quy hoạch phát triển địa phương nói chung và quản lý quy hoạch phát triển mạng lưới chợ nói riêng.

Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có số người sử dụng internet tăng nhanh nhất hằng năm. Chính vì vậy, trong vòng 5 năm gần đây, mua sắm trực tuyến đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhiều khách hàng vẫn còn e ngại khi sử dụng hình thức mua sắm này. Bài viết "Ý định mua sắm trực truyến của người tiêu dùng" trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh của tác giả Trần Thị Xuân Viên cho thấy các doanh nghiệp kinh doanh trực tuyến cần nghiên cứu các nhân tố tác động đến ý định mua hàng của khách hàng để từ đó có những biện pháp thúc đẩy việc mua sắm trực tuyến của người tiêu dùng.

Cùng với một số bài viết trên, Tạp chí số này còn nhiều bài nghiên cứu trong các lĩnh vực thương mại, tài chính, kế hoán... sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho bạn đọc./.