Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được công bố đã được cấu trúc lại và sửa đổi theo hướng tập trung hơn, với các hỗ trợ từ cơ bản đối với tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đến những hỗ trợ theo mục tiêu có chọn lọc, trọng điểm theo định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và tự chủ của nền kinh tế. Qua bài "16 góp ý đối với Dự thảo Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa", tác giả Phạm Thị Thu Hằng sẽ nêu một số vấn đề đáng lưu ý trong bộ luật này để làm sao khi ban hành nó sẽ phát huy hiệu thật sự hiệu quả và tránh được những "hạt sạn" không đáng có.

Hàng hóa và dịch vụ công đạt chất lượng ở mức cao phụ thuộc nhiều vào đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động hoạt động trong khu vực sự nghiệp công lập. Do đó, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đội ngũ cán bộ, viên chức và người lao động gắn với số lượng và chất lượng công việc luôn được Nhà nước đặc biệt chú ý. Một trong những giải pháp mà Nhà nước đưa ra là cải cách chính sách tiền lương nhằm nâng cao thu nhập cho họ. Với bài "Bàn về chính sách tiền lương trong đơn vị sự nghiệp công lập có thu", tác giả Nguyễn Đăng Dũng trên cơ cơ sở đánh giá thực trạng tiền lương của cán bộ, viên chức và người lao động trong đơn vị sự nghiệp có thu hiện nay đã đưa ra những đề xuất chính sách phù hợp cho thời gian tới.

Thời gian vừa qua, có rất nhiều dự án gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến thiên nhiên và đời sống con người, điển hình nhất là vụ xả chất thải làm ô nhiễm môi trường biển 04 tỉnh miền Trung của Formosa Hà Tĩnh, hay sự cố vỡ hồ bùn của Công ty TNHH CKC ở Cao Bằng... Các sự cố môi trường xảy ra không chỉ làm giảm giá trị thương hiệu của doanh nghiệp, mà còn ảnh hưởng tới uy tín, hình ảnh của ngân hàng cấp tín dụng cho các dự án này. Thực tế này đang đòi hỏi ngân hàng phải quan tâm đến công tác quản lý rủi ro môi trường - xã hội trong hoạt động đầu tư, cấp tín dụng. "Quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng của ngân hàng" là bài viết của tác giả Trần Thị Kim Liên, qua đó sẽ cho chúng ta một cái nhìn thực tế hiện nay trong vấn đề này.

Việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp từ các bộ, UBND cấp tỉnh về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) là giải pháp quan trọng trong quá trình cơ cấu lại khu vực doanh nghiệp nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công bằng giữa các loại hình doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thời gian qua, mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần có ý kiến chỉ đạo, đôn đốc, song công tác chuyển giao vẫn chậm, việc thực hiện chuyển giao còn nhiều vướng mắc, cần có phương án giải quyết dứt điểm sớm. Qua phân tích thực tế đang diễn ra, tác giả Phan Đức Hiếu sẽ chỉ ra đâu là nguyên nhân, từ đó gợi ý một số giải pháp trong bài "Chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước về SCIC: Thực trạng và đề xuất hướng xử lý".

Ở các nước phát triển, số lượng doanh nghiệp bình quân trên đầu người rất cao, khoảng từ 45-60 người, thì có một doanh nghiệp. Trong khi đó, ở Việt Nam có trên 90 triệu dân, nhưng lại chỉ có khoảng 600.000 doanh nghiệp, bình quân từ 150 người mới có một doanh nghiệp. Như vậy, so với các nước trên thế giới, thì số lượng doanh nghiệp của Việt Nam còn đang rất ít. "Khởi nghiệp để phát triển đất nước" là tiêu đề bài viết của tác giả Nguyễn Mạnh Hùng đã cho thấy, thúc đẩy khởi nghiệp là việc làm vô cùng cấp bách trong bối cảnh hiện nay.

Cùng với các bài viết trên, Tạp chí số này còn nhiều bài viết khác với nội dung phong phú sẽ đem đến cho bạn đọc các thông tin hữu ích./.