Đà Nẵng: Nhiều mô hình hiệu quả

Trên địa bàn Thành phố hiện nay có 42 nhóm liên kết kinh doanh tập thể, tổ hợp tác và hợp tác xã (HTX) do thanh niên làm chủ, kinh doanh đa dạng các ngành, nghề, như: sản xuất hoa lan, dịch vụ photocopy, ươm cây, tổ chức sự kiện… Mỗi HTX đã tạo việc làm và thu nhập thường xuyên cho 5 đến 10 lao động ở địa phương, chưa kể đến những lao động thời vụ.

Ví dụ như: HTX Thanh niên tổ chức sự kiện Nguyên Tuấn ra đời vào tháng 12/2013 và là mô hình HTX thanh niên đầu tiên trên địa bàn TP. Đà Nẵng, là kết quả của chương trình phối hợp giữa Liên minh HTX thành phố và Thành Đoàn Đà Nẵng về phát huy vai trò của thanh niên tham gia xây dựng và phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2013-2017.

Trang trí sự kiện cưới, hỏi, chương trình do HTX Thanh niên tổ chức sự kiện Nguyên Tuấn tổ chức

Sau gần 3 năm hoạt động, với vốn điều lệ ban đầu 200 triệu đồng, đến nay, tài sản của đơn vị đã tăng lên hơn 300 triệu đồng cùng việc nhiều trang thiết bị được mua sắm mới.

Hiện nay, HTX đang giải quyết việc làm cho 7 lao động thường xuyên với mức lương trung bình 2 triệu đồng/người/tháng, và gần 20 cộng tác viên với mức bồi dưỡng từ 300.000-500.000 đồng/người/chương trình.

Anh Hồ Thanh Tuấn, Giám đốc HTX Thanh niên tổ chức sự kiện Nguyên Tuấn bày tỏ: “Vì mới thành lập, quy mô còn nhỏ, chúng tôi chủ yếu nhận tổ chức những sự kiện nhỏ, lẻ, trang trí đám cưới… nên doanh thu chưa lớn. Tuy nhiên, cái chính là thông qua HTX, nhiều bạn thanh niên đã được giải quyết công ăn việc làm, tạo được uy tín đối với gia đình và xã hội”.

Bên cạnh đó, thành lập năm 2014 với vốn điều lệ 300 triệu đồng, HTX Xây dựng, thương mại, dịch vụ Mai Hòa (HTX Mai Hòa) đang từng bước khẳng định thương hiệu trong quá trình kinh doanh. Đây là ý tưởng của một nhóm bạn cùng chơi với nhau. Sau thời gian chuẩn bị, các bạn cùng hùn vốn và đứng ra thành lập HTX chuyên kinh doanh ở lĩnh vực xây dựng, cung cấp các dịch vụ về thiết kế, sửa chữa nội thất. Đến nay, HTX Mai Hòa có 10 lao động chính với mức lương 2,7 triệu đồng/người/tháng.

Anh Mai Tiến Hòa, ông chủ thuộc thế hệ 8X của HTX này chia sẻ: “Theo tôi, mô hình kinh tế này rất thú vị, nhất là với những người trẻ muốn đứng ra kinh doanh nhưng thiếu vốn, họ có thể vận động bạn bè cùng góp vốn để thành lập HTX nhằm thực hiện được ý tưởng. Ngoài ra, hoạt động dưới mô hình HTX, chúng tôi học được cách làm việc theo nhóm, đề cao tính đoàn kết, biết lắng nghe và tôn trọng mọi ý kiến của các thành viên trong HTX”.

Thiếu vốn vẫn là trở ngại lớn

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi ban đầu, cũng như nhiều đơn vị hoạt động kinh tế tư nhân khác, nhu cầu vay vốn để đầu tư, mở rộng quy mô sản xuất hiện rất bức thiết đối với các HTX thanh niên. Thời gian qua, sự hỗ trợ của các ngành chức năng cũng như điều kiện tiếp cận nguồn vốn đối với họ hầu như không có.

Anh Mai Tiến Hòa, chủ HTX Mai Hòa cho biết, việc vay vốn nhằm mua sắm trang thiết bị, mở rộng hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn do yêu cầu phải có tài sản thế chấp, sổ đỏ. Khó khăn này đã cản trở những ý tưởng của thanh niên làm kinh tế tập thể.

Hoặc khó khăn còn do đa số thanh niên sống chung với gia đình nên nếu cha hoặc mẹ vay nguồn vốn các đoàn thể Hội Nông dân, Liên hiệp Phụ nữ giới thiệu, thì thanh niên sẽ không được vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách Xã hội.

Gắn bó và tuyên truyền, vận động mạnh mẽ việc thành lập HTX thanh niên, nhưng theo ông Hồ Duy Hải, Phó phòng Tuyên truyền và công tác thanh niên thuộc Liên minh HTX TP. Đà Nẵng thì đơn vị hầu như không có sự hỗ trợ về vốn vay đối với những HTX này, chỉ mới dừng lại ở việc giúp về mặt giấy tờ, pháp lý để thành lập; tổ chức một số lớp tập huấn về kỹ năng quản trị HTX hay kiến thức cần thiết về ngành nghề mà HTX thực hiện.

Bởi vậy, trong thời gian tới, cần có sự hỗ trợ tích cực hơn nữa về chính sách vay vốn từ phía các cơ quan quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, có thể học tập một số cách thức tự góp vốn của thanh niên trong HTX. Điển hình như, từ năm 2011 đến nay, một số cơ sở Đoàn ở Đồng Tháp đã thành lập tổ hùn vốn bằng vàng, đầu tiên là ở ấp 4, xã Mỹ Hòa (huyện Tháp Mười), với 11 thành viên.

Mỗi mùa lúa, các thành viên đóng góp một chỉ vàng, mỗi năm có 1 thanh niên được nhận 1,1 lượng vàng. Nhờ hình thức góp vốn tương trợ này, các thành viên có số tiền lớn đầu tư mua đất, cải tạo ruộng, cất nhà... Trước hiệu quả của mô hình này, Chi đoàn ấp 4 đã quyết thành lập thêm 1 tổ hùn vốn bằng vàng với 24 thành viên, mỗi mùa lúa có 2 thành viên được nhận vàng. Hiện nay, mô hình đã được nhiều ấp quan tâm, tìm hiểu để nhân rộng, anh Nguyễn Văn Nhiều, Tổ trưởng Tổ góp vốn bằng vàng ở ấp 4 cho biết./.