Xuất thân từ hai bàn tay trắng trên một mảnh đất cằn cỗi, cuộc sống khó khăn luôn bám riết khiến anh Lý A Cạo (sinh năm 1988) luôn trăn trở với câu hỏi: Làm thế nào để thoát nghèo?

Chính vì vậy, cầm trên tay bằng tốt nghiệp khoa Lâm sinh, Trường Cao đẳng Cộng đồng Tỉnh, anh Cạo quyết định quay về quê khởi nghiệp bằng khai hoang ruộng nước để cấy lúa với suy nghĩ “quyết tâm bám trụ và lập nghiệp trên chính quê hương mình”.

Trong một lần cán bộ nông nghiệp huyện về xã chia sẻ kinh nghiệm về các mô hình chăn nuôi thoát nghèo, anh đặt câu hỏi cho mình là Tại sao người ta làm được chẳng lẽ mình lại không? Từ đó, anh luôn trăn trở tìm cách thoát nghèo.

Nghĩ là làm, anh Cạo mạnh dạn vay vốn ngân hàng đầu tư mua 3 con bò, trâu sinh sản để chăn nuôi. Song do kinh nghiệm chưa có, anh đã gặp vô vàn khó khăn, có thời điểm anh đã buông xuôi. Tuy nhiên, với sự động viên của gia đình, người thân và đoàn thanh niên xã Nậm Cha, cũng như với quyết tâm và nghị lực, anh Cạo đã trực tiếp đi đến nhiều nơi để tham khảo, học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình từ những địa phương khác. Cuối cùng công sức và ý chí của anh đã được đền đáp, mô hình chăn nuôi trâu, bò từng bước mang lại hiệu quả. Hiện nay, đàn trâu, bò của anh Cạo phát triển được 15 con bò, 3 con trâu.

Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội Huyện để phát triển thêm mô hình nuôi lợn đen sinh sản và gà đồi với quy mô khoảng nghìn con. Với kinh nghiệm và tinh thần ham học hỏi, anh mạnh dạn áp dụng những tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào nuôi lợn sinh sản, lợn thịt. Đến nay, sau khi trừ các chi phí, lãi thu về 200 triệu đồng/năm, đồng thời tạo công ăn việc làm theo mùa vụ cho 8 thanh niên trong bản với mức lương 2 triệu đồng/tháng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, với cương vị Bí thư Chi đoàn xã Nậm Cha, anh Cạo còn thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, thanh niên trong xã tích cực tham gia các hoạt động xây dựng bản xanh, sạch, đẹp./.