Những điểm sáng

Đầu năm 2014, Tổ hợp tác nuôi cá lóc xã Phú Thuận B được thành lập. Ban đầu chỉ có vài thành viên tập hợp nhau lại để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ thuật trong chăn nuôi cá lóc thương phẩm. Dần dần, thấy được hiệu quả của mô hình, các thanh niên khác cũng xin gia nhập.

Đến nay, Tổ hợp tác đã có hơn 10 thành viên, diện tích nuôi cá trên 5 ha. Anh Phan Văn Long, Tổ trưởng Tổ hợp tác chăn nuôi cá lóc, cho biết: “Tùy theo diện tích lớn hay nhỏ mà các thành viên sẽ đầu tư nuôi hợp lý. Sau khi thả nuôi khoảng 6 tháng là có thể thu hoạch, nếu giá thị trường đảm bảo từ 35.000 đồng/kg trở lên thì người nuôi sẽ có lãi. Trung bình mỗi ao có diện tích từ 400 m2, cho lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/năm”. Hiện, toàn xã Phú Thuận B có khoảng 120 ha ao nuôi cá lóc (cả ương nuôi cá lóc giống và nuôi cá lóc thương phẩm) với hơn 500 hộ tham gia. Thức ăn cho cá lóc chủ yếu là thức ăn công nghiệp.

Chỉ tính riêng Tổ hợp tác nuôi cá lóc thương phẩm của Đoàn Thanh niên xã Phú Thuận B đã có thể cung ứng ra thị trường từ 200-300 tấn cá lóc thương phẩm/năm; mỗi năm nuôi 2 vụ, trừ chi phí, mỗi thành viên trong Tổ hợp tác đều thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

HTX Quốc Noãn ở ấp Trường Bình, xã Trường Thắng, huyện Thới Lai (TP Cần Thơ), không chỉ giúp thanh niên vươn lên làm giàu, mà còn góp phần vực dậy làng nghề truyền thống ở địa phương. HTX gồm 22 xã viên và khoảng 50 lao động thời vụ, sản xuất nhiều mặt hàng như: đan cần xé, làm chậu kiểng, lọp tép, bội gà... Chỉ tính mặt hàng cần xé, hàng tháng HTX cung ứng ra thị trường từ 500 – 700 cái, với thu nhập khoảng 40 triệu đồng. Tùy theo mẫu mã, kích cỡ mà cần xé có giá thành từ 20.000- 55.000 đồng/cái...

Nhờ sự liên kết chặt chẽ, sản phẩm có chất lượng cao, đầu ra ổn định, cung ứng cho thị trường trong và ngoài tỉnh. HTX cũng đã giải quyết việc làm cho hàng chục lao động nhàn rỗi tại địa phương, với thu nhập trung bình 2,5 triệu đồng/tháng.

Còn tại tỉnh Đồng Tháp, Tỉnh Đoàn đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh thành lập 126 tổ hợp tác (trong đó có 02 THT đa dịch vụ), thu hút 830 đoàn viên, hội viên, thanh niên tham gia với số vốn là 16,2 tỷ đồng; xây dựng 02 HTX có 186 thành viên với số vốn là 629 triệu đồng (số liệu tính đến tháng 3/2013).

Hầu hết các THT, HTX điều gắn với dịch vụ nông nghiệp như bơm tưới, phun xịt, máy cày, máy gặt đập liên hợp, máy xới, sản xuất hoa kiểng, chăn nuôi,... còn lại là trên lĩnh vực xây dựng, may mặc, dệt chiếu...

Tại Hà Tĩnh, HTX thanh niên trồng nấm Thạch Hạ đang được đánh giá rất cao. Năm 2012, sau khi tham gia một lớp tập huấn do Tỉnh Đoàn Hà Tĩnh tổ chức về HTX, anh Nguyễn Văn Duẩn đã có ý tưởng mở rộng quy mô lên thành HTX để giúp đỡ nhiều đoàn viên nghèo khó trong xã. Sau nhiều lần được thuyết phục, cam kết sẽ lo đầu ra cho sản phẩm, một số đoàn viên mới yên tâm. Và HTX trồng nấm Thạch Hạ ra đời với 7 xã viên do anh Duẩn làm chủ nhiệm.

Anh Nguyễn Văn Duẩn chăm sóc vườn nấm của HTX

HTX trồng nấm Thạch Hạ đang thực hiện mô hình mở rộng việc trồng nấm cho người dân ở thành phố Hà Tĩnh bằng hình thức “bán công nghệ” và bao tiêu sản phẩm. Sau khi nấm nguyên liệu đóng thành bịch để bán hoặc thuê người dân chăm sóc, sản phẩm làm ra nếu người dân không bán được ra thị trường, HTX sẽ mua lại.

Với số vốn đầu tư ban đầu gần 500 triệu đồng diện tích vườn gần 1.000m2, HTX giải quyết việc làm cho 10 lao động thường xuyên với mức lương 3 triệu đồng/người. Thu nhập mỗi năm của HTX trồng nấm Thạch Hạ từ 300 triệu đồng trở lên.

Nói về hướng phát triển tương lai, anh Duẩn chia sẻ, để giúp những thanh niên trong xã yên tâm về mô hình trồng nấm, HTX đang làm đơn xin mở rộng diện tích và tìm đối tác tiêu thụ sản phẩm không chỉ ở trong nước mà mở rộng ra cả nước ngoài.

Đến sự lan tỏa của các mô hình làm kinh tế tập thể giỏi

Thực tế đã chứng minh hợp tác, liên kết với nhau thông qua hợp tác xã là nhu cầu tự thân của người nông dân nói chung, thanh niên nông thôn nói riêng để đạt hiệu quả cao nhất trong sản xuất.

Có thể thấy, mô hình kinh tế tập thể đã phát huy tối đa nguồn lực tại chỗ như tay nghề, vốn đất đai, sở trường của thanh niên. Không chỉ làm giàu cho hội viên, các mô hình kinh tế tập thể còn góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho thanh niên.

Những điển hình thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi là động lực góp phần cổ vũ phong trào lập nghiệp ở các địa phương, đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, thanh niên là lực lượng hội tụ đầy đủ sự nhiệt huyết, sáng tạo. Vì thế, rất cần thiết để tiến hành cải tổ, đổi mới trong phương thức hoạt động của HTX hiện nay.

Theo đó, cần có một chính sách, phương hướng phát triển thanh niên một cách cụ thể hơn nhằm đạt được hiệu quả cao nhất. Đồng thời, cần có sự nhìn nhận đúng đắn về vai trò của họ đối với nền kinh tế tập thể hiện nay.

Cần xây dựng những mô hình kinh tế mới, mang hơi hướng của sức trẻ, của sự đổi mới để gắn liền vai trò của họ vào quyền lợi của HTX. HTX là tổ chức mang tính cộng đồng cao và chính tầng lớp thanh niên sẽ là lực lượng nòng cốt trong việc đổi mới mang tính chiến lược cao trong thời buổi kinh tế thị trường như hiện nay.

Nhìn lại quá trình xây dựng và phát triển mô hình kinh tế hợp tác của thanh niên thời gian qua, Bí thư Trung ương Đoàn, đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng cho biết: Các mô hình liên kết hợp tác phát triển kinh tế tập trung vào trọng tâm xây dựng tổ hợp tác, HTX thanh niên đã xác định hướng đi phù hợp cho thanh niên trong giai đoạn mới.

Đáng phấn khởi là, số lượng đoàn viên, thanh niên tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên ngày càng tăng. Số lượng đoàn viên, thanh niên làm giàu chính đáng từ việc xây dựng các mô hình kinh tế tập thể xuất hiện ngày càng nhiều. Mô hình kinh tế tập thể của tuổi trẻ không chỉ góp phần tạo việc làm thường xuyên và tăng thu nhập cho hàng nghìn thanh niên và lao động mùa vụ ở nông thôn, mà còn giúp thanh niên nông thôn yên tâm ở lại lập thân, lập nghiệp trên chính mảnh đất quê hương.

Đồng chí Nguyễn Mạnh Dũng cho biết thêm: Trên cơ sở tổng kết thực tiễn phát triển kinh tế hợp tác của thanh niên nông thôn ở ĐBSCL, Trung ương Đoàn sẽ rút kinh nghiệm chỉ đạo và nhân rộng trong phạm vi toàn quốc trong thời gian tới.

Đặc biệt, Trung ương Đoàn sẽ tập trung tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ Đoàn, cán bộ quản lý các tổ hợp tác, hợp tác xã của thanh niên kiến thức về kinh nghiệm quản lý, phát triển thị trường, điều hành hoạt động, tìm kiếm và khai thác các nguồn lực… Đồng thời, đẩy mạnh việc thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tiết kiệm và vay vốn của thanh niên; tích cực tổ chức các hoạt động hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật, vốn, dạy nghề và hướng dẫn cách thức phát triển sản xuất, kinh doanh giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp./.