Từ chủ trương tốt…

Trước đây, không ít thanh niên ở nông thôn có nhu cầu và ý chí thành lập mô hình HTX thanh niên, nhưng gặp nhiều khó khăn vì chưa hiểu rõ bản chất mô hình HTX, lúng túng trong phương thức hoạt động.

Nắm bắt được nhu cầu này, hưởng ứng phong trào “Thanh niên nông thôn thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi” do Trung ương Đoàn phát động, từ tháng 4/2013, Thành đoàn phối hợp với Liên minh HTX và doanh nghiệp Hải Phòng tổ chức tọa đàm tư vấn thành lập và hoạt động của mô hình HTX thanh niên.

Sau một năm triển khai, đến nay hàng chục mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên ra đời, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế, giải quyết nhu cầu việc làm cho thanh niên địa phương.

Thành đoàn Hải Phòng cùng Liên minh Hợp tác xã và Doanh nghiệp thành phố tổ chức lễ ký kết chương trình phối hợp xây dựng, phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2014-2017.

Theo chương trình phối hợp, Thành đoàn, Liên minh HTX và doanh nghiệp sẽ tổ chức tuyên truyền, toạ đàm trao đổi kinh nghiệm về phát động thi đua, khuyến khích phát triển kinh tế tập thể trong thanh niên; đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, đoàn viên thanh niên về năng lực quản lý, điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh, khai thác nguồn nhân lực của kinh tế tập thể; tăng cường phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, công nghệ sinh học, hỗ trợ nghiên cứu sản phẩm mới, tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm; xây dựng mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên tiêu biểu.

Đến những mô hình hay trong thực tế

Môi trường xã Dũng Tiến, huyện Vĩnh Bảo đã thay đổi hoàn toàn. Nếu trước đây, không ít bãi rác ứ đọng, nước thải sinh hoạt ô nhiễm môi trường sống..., thì nay khắp địa bàn xã đã sạch sẽ, không khí đã lấy lại được sự trong lành. Đó chính là kết quả của việc thực hiện thu gom, xử lý rác thải sinh hoạt do HTX thanh niên dịch vụ môi trường và xây dựng xã Dũng Tiến đảm nhận.

Anh Vũ Viết Hải, Bí thư Đoàn thanh niên xã Dũng Tiến cho biết, đầu năm 2013, Đoàn thanh niên xã quyết định thành lập mô hình kinh tế HTX thanh niên dịch vụ môi trường và xây dựng, gồm 17 thành viên để phát triển, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập.

Một hình thức khác cũng chứng tỏ hiệu quả phát triển kinh tế trang trại rõ rệt là mô hình Câu lạc bộ thanh niên nuôi trồng thuỷ sản tại xã Bạch Đằng, huyện Tiên Lãng. Câu lạc bộ thành lập từ năm 2003, ban đầu là những thanh niên nông thôn, đến nay có 30 hội viên tham gia sinh hoạt và giải quyết việc làm thường xuyên cho gần 100 lao động của các gia đình. Hiện các mô hình sản xuất tập trung trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản gồm: nuôi tôm, cá nước ngọt, nuôi rốc, nuôi ốc ao và xây dựng gia trại tổng hợp.

Ngoài ra, Câu lạc bộ còn kết hợp nuôi lợn, gà, vịt và trồng cây cảnh mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Một loại hình khác cũng chứng tỏ hiệu quả phát triển kinh tế tập thể tại thành phố có lợi thế về biển như Hải Phòng là tổ hợp tác thanh niên nuôi thủy sản ở xã Tú Sơn, huyện Kiến Thụy.

Tổ hợp tác này được thành lập từ năm 2009, xuất phát từ chủ trương của địa phương là dồn điền đổi thửa, chuyển vùng sản xuất cấy lúa năng suất thấp sang nuôi thuỷ sản tập trung với tổng diện tích 93 ha.

Hiện nay, tổ hợp tác gồm 15 thành viên nuôi thủy sản tập trung kết hợp với mô hình trang trại VAC, cho thu nhập bình quân hơn 150 triệu đồng/hộ/năm.

Song, vẫn còn nhiều việc phải làm

Có thể thấy, mô hình hợp tác, HTX sẽ động viên, khuyến khích, tạo môi trường cho thanh niên Thành phố Cảng xây dựng, mở rộng các hình thức liên kết, hợp tác, đồng thời giúp thanh niên lập nghiệp, làm giàu, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trẻ, góp phần xoá đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Trong thời gian qua, các cấp đoàn tiếp tục khai thác các nguồn vốn vay hỗ trợ thanh niên phát triển kinh tế. Đến nay, tổng nguồn Quỹ quốc gia về việc làm kênh Trung ương Đoàn là gần 70 tỷ đồng, đang triển khai thực hiện tại 61 tỉnh, thành đoàn với hơn 1000 dự án.

Tại Hải Phòng, hiện đoàn viên, thanh niên thành phố được vay vốn từ hai nguồn: vốn ủy thác qua các tổ tiết kiệm vay vốn trên địa bàn các quận, huyện giao Đoàn Thanh niên quản lý 76 tỷ đồng và Quỹ quốc gia về việc làm kênh Thành Đoàn gần 4 tỷ đồng.

Nguồn vốn này mới đáp ứng một phần rất nhỏ so với nhu cầu mở rộng của các HTX thanh niên.

Bên cạnh đó, trình độ và nhận thức của thanh niên đối với kinh tế tập thể còn hạn chế; cán bộ quản lý thanh niên còn hạn chế về trình độ, nhận thức, kỹ năng quản lý điều hành; hoạt động liên kết giữa HTX và doanh nghiệp ở khâu đầu vào và đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp chưa ổn định.

Vì thế, để phát triển và nhân rộng các mô hình này cần tiếp tục tạo điều kiện vốn để đầu tư trang thiết bị, tổ chức nhiều lớp tập huấn về tổ chức, hoạt động quản lý.

Bên cạnh đó, cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành cần quan tâm hơn việc xây dựng cơ chế, chính sách, hỗ trợ nguồn lực phát triển mô hình tổ hợp tác, HTX thanh niên./.