Từ tinh thần dám nghĩ, dám làm

Anh Mai Văn Khẩn quê ở huyện Nga Sơn (Thanh Hóa), nhưng đầu năm 2001, anh lấy vợ người huyện Lạc Dương (Lâm Đồng) và sinh sống bằng nghề trồng rau từ khi đó. Thời kỳ đầu do thiếu vốn liếng, kiến thức nên vợ chồng anh chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống, trồng bắp cải, xà lách, cà rốt… sau đó anh mướn được ít đất vừa trồng rau, vừa nuôi heo. Cứ vậy lợi nhuận từ rau sạch anh mua heo, thuê đất, chuyên trồng rau nhưng cuộc sống vẫn không dư dả là bao.

Bước ngoặt đến năm 2007, anh tham gia công tác Đoàn Thanh niên khu phố, được bình xét vay vốn ưu đãi theo văn bản liên tịch, văn bản thỏa thuận đã được ký giữa Ngân hàng Chính sách Xã hội và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ chí Minh để thực hiện chuyển toàn bộ diện tích trồng rau truyền thống ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Nhận 20 triệu đồng vay của chương trình giải quyết việc làm từ Ngân hàng Chính sách Xã hội cùng số tiền dành dụm từ trước, vợ chồng anh Khẩn bắt tay ngay vào việc mua vật liệu làm nhà lưới, nhà kính và lắp đặt hệ thống tưới tự động để trồng rau sạch theo phương pháp công nghệ cao. Sau 6 tháng, lứa rau thu hái đầu tiên được xuất bán cho thu nhập khá cao. Phấn chấn với thành quả lao động đầu tiên, anh xúc tiến tìm tòi chuyển đổi giống cây trồng, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào trồng trọt, do vậy cả trang trại rau của anh phát triển đồng đều, thương lái tìm đến tận nơi tiêu thụ.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người dân trong vùng tới hợp tác, học hỏi kinh nghiệm và đã được anh tận tình trao đổi, giúp đỡ.

Thu hoạch rau tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Tân Tiến (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng)

Đến thành công đáng học hỏi

Năm 2010, sau khi hoàn trả hết nợ cũ cho ngân hàng, từ kinh nghiệm của những năm vừa qua, anh xây dựng dự án mở rộng diện tích trồng rau theo phương pháp công nghệ cao. Anh làm đơn xin vay tiếp 200 triệu đồng vốn ưu đãi từ chương trình giải quyết việc làm. Đồng thời, trực tiếp đứng ra thành lập tổ hợp tác rau sạch, hướng dẫn kỹ thuật cũng như bao tiêu sản phẩm cho 15 thành viên với 20 ha chuyên trồng rau sạch. Sản lượng đạt từ 350-400 tấn/năm.

Đến năm 2012, rau của Tổ hợp tác do anh làm Tổ trưởng và nhiều thành viên đạt được chứng nhận Viet GAP và tiêu thụ rất mạnh.

Anh chia sẻ, “Để đáp ứng nhu cầu của thị trường TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi đã phát triển từ tổ hợp tác lên hợp tác xã mang tên Hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến với diện tích 60 ha, gồm 18 xã viên chuyên sản xuất rau củ quả. Chúng tôi quyết tâm trồng rau sạch để người tiêu dùng được ăn rau sạch, đảm bảo sức khoẻ, đó cũng là tiêu chí của Hợp tác xã”.

Ngoài ra, Hợp tác xã Tân Tiến còn liên kết với hơn 80 hộ dân và một số hợp tác xã khác trong vùng để tăng diện tích, sản lượng cũng như đa dạng các mặt hàng cung cấp cho khách hàng.

Sau khi lên kế hoạch sản xuất cụ thể, tất cả quá trình sản xuất đều phải ghi nhật ký hằng ngày. Từ việc trồng giống gì, trồng ngày nào cho đến bón phân gì, tưới nước ra sao... tất cả phải ghi lại để theo dõi.

“Sản phẩm của Hợp tác xã đều có địa chỉ hẳn hoi, nếu chất lượng có vấn đề gì thì người tiêu dùng dễ dàng truy nguồn gốc xuất xứ, mình phải chịu trách nhiệm hoàn toàn với sản phẩm do mình cung cấp. Hằng năm, Hợp tác xã cung cấp ra thị trường hơn 12.000 tấn rau, củ, quả sạch các loại, mang về thu nhập hơn 14 tỉ đồng. Tùy các hộ xã viên góp đất và sản lượng mà có thu nhập khác nhau, ít nhất cũng từ 500 triệu đến hơn 1 tỉ đồng/năm, riêng gia đình mình với hơn 4 ha đất cũng được khoảng 2,5 tỉ đồng/năm”, anh Khẩn cho hay.

Bên cạnh đó, Hợp tác xã Tân Tiến đang liên kết với một số đối tác của Nhật Bản, Ý, Hà Lan để khảo nghiệm tìm thêm nhiều giống mới có năng suất, chất lượng cao đưa vào sản xuất.

“Hợp tác xã sẽ tập trung vào công nghệ cao hơn nữa, đồng thời hướng vào sản xuất các dòng rau cao cấp trên giá thể và theo phương pháp thủy canh để nâng cao giá trị trên một đơn vị diện tích”, anh Khẩn hào hứng.

“Trong Hợp tác xã Tân Tiến, gia đình tôi còn có diện tích và sản lượng lớn nhất, là điểm trình diễn các mô hình sản xuất mới để thành viên trong Hợp tác xã học tập. Nếu các thành viên gặp rủi ro trong sản xuất, không đủ sản lượng cung ứng cho Hợp tác xã thì chúng tôi vẫn có thể bảo đảm nguồn hàng cho đối tác nhờ số rau, củ trong vườn của mình” - anh Mai Văn Khẩn khẳng định.

Có thể thấy, từ một nông dân nghèo khó, phải đi làm thuê cho các nhà vườn trong vùng, sau 6 năm tham gia tổ hợp tác và Hợp tác xã, anh Mai Văn Khẩn (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã trở thành tỷ phú. Riêng vườn rau công nghệ cao rộng gần 5 ha dưới chân núi Hòn Bồ mỗi năm đã mang lại cho gia đình anh khoản lợi nhuận từ 3-4 tỷ đồng.

Nói về bí quyết thành công, anh Mai Văn Khẩn khẳng định: “Nếu không tham gia Hợp tác xã, chắc chắn gia đình tôi không thể có được kết quả như ngày hôm nay!”./.