- Theo thông báo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 06 tháng đầu năm 2015 cả nước đã xảy ra 3.416 vụ tai nạn lao động khiến cho 277 người bị thiệt mạng, 680 người bị thương nặng.
Số liệu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng cho thấy, những địa phương xảy ra nhiều vụ tai nạn lao động chết người trong 6 tháng đầu năm 2015 là Bình Dương, Hải Dương, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội...
Một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng phải kể đến đó là vụ tai nạn do sập giàn giáo ngày 25/3/2015 làm 13 người chết, 29 người bị thương tại công trường thi công sản xuất và lắp đặt thùng chìm trọng lực cảng Sơn Dương của công ty Sam sung tại Dự án Formusa Khu kinh tế Vũng Áng, tỉnh Hà Tĩnh; hay vụ tai nạn do tụt đổ lò ngày 20/5/2015 làm 02 người chết tại Xí nghiệp khai thác và kinh doanh than Đông Triều, phường Quang Trung, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh.
Tai nạn lao động ngành than vẫn luôn rình rập
Phân tích từ các biên bản điều tra tai nạn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ ra rằng, những lĩnh vực sản xuất kinh doanh xảy ra nhiều tai nạn lao động chết người chủ yếu là lĩnh vực xây dựng ( chiếm 30,4% tổng số vụ tai nạn và 37,8% tổng số người chết); cơ khí chế tạo (chiếm 8,7 % tổng số vụ và 7,6% tổng số người chết); sản xuất kinh doanh điện (chiếm 7,6% tổng số vụ và 6,6% tổng số người chết); khai thác khoáng sản (chiếm 6,5% tổng số vụ và 6,6% tổng số người chết).
Về nguyên nhân chủ yếu để xảy ra tai nạn lao động chết người, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, nguyên nhân chủ yếu là do người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn, không huấn luyện an toàn lao động cho người lao động; thiết bị không đảm bảo an toàn lao động. Người lao động cũng đóng một phần trách nhiệm khi vi phạm quy trình, nội quy an toàn lao động và không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.
Từ đó, để chủ động phòng ngừa và hạn chế tai nạn lao động trong thời gian tới, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các bộ, ngành chủ động kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý có nhiều nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố nghiêm trọng; đặc biệt là các công trình xây dựng trọng điểm, tiếp giáp với khu dân cư, đông người qua lại.
Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan chức năng tại địa phương tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định an toàn, vệ sinh lao động của các doanh nghiệp trên địa bàn, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực có nhiều nguy cơ tai nạn lao động; chú ý đến hoạt động xây dựng nội quy, quy trình biện pháp làm việc an toàn, công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tại doanh nghiệp; tổ chức tuyên truyền phổ biến pháp luật an toàn, vệ sinh lao động, đặc biệt Luật An toàn vệ sinh lao động mới được Quốc hội thông qua ngày 25/6/2015 sẽ có hiệu lực vào ngày 1/7/2016.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường triển khai công tác an toàn, vệ sinh lao động, chú trọng đến các hoạt động tự kiểm tra tại doanh nghiệp, phòng ngừa tai nạn lao động do ngã cao, vật rơi, đổ sập, điện giật; tổ chức huấn luyện an toàn lao động, vệ sinh lao động cho người lao động.
Ngoài ra, tuyên truyền vận động người sử dụng lao động quan tâm, chú ý việc xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp làm việc đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động tại nơi làm việc; sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động được trang bị nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tai nạn lao động, bảo đảm an toàn, sức khoẻ và tính mạng cho người lao động./.