Những tiến bộ vượt bậc

Trong 2 ngày 11-12/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam phối hợp với Chương trình Cải cách Kinh tế Vĩ mô/Tăng trưởng xanh của Hợp tác Phát triển Việt – Đức và Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu (GGGI) tổ chức hội nghị “Đánh giá giữa kỳ thực hiện tăng trưởng xanh Việt Nam” tại khu vực miền Bắc.

Phát biểu khai mạc, TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hội nghị nhằm mục đích tạo cơ hội cho các địa phương chia sẻ không chỉ những điển hình tốt mà cả những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện chiến lược; đồng thời chia sẻ với các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp cách thức để cùng nhau huy động nguồn vốn thực hiện các hành động tăng trưởng xanh cụ thể.

“Hội nghị sẽ giúp Bộ Kế hoạch và Đầu tư có cái nhìn tổng quát về quá trình thực hiện chiến lược từ khi được ban hành. Trên cơ sở những ý kiến tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo sơ kết 5 năm thực hiện chiến lược và đề xuất giải pháp thực hiện trong thời gian tới trình Thủ tướng Chính phủ”, ông Mai hy vọng.

TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Ảnh: Minh Trang)

Bà Jin Young Kim, Giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của GGGI cho biết thêm: “Hội nghị hôm nay đã đem lại cơ hội quan trọng để xem xét và thảo luận về những nỗ lực trong giai đoạn 5 năm qua thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh. Việt Nam đã có nhiều tiến bộ vượt bậc từ khi ban hành chiến lược quốc gia đầy tham vọng, đặt nền móng vững chắc cho con đường phát triển xanh, bền vững về khí hậu và thông minh. Các kết quả thành công và các giải pháp sáng tạo để vượt qua nhiều thách thức trong giai đoạn vừa qua sẽ giúp tăng cường các nỗ lực thực hiện chiến lược trong giai đoạn tiếp theo”.

Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, trong đó nêu rõ các bộ, ngành và địa phương chủ động xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của ngành và địa phương. Bộ Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai kế hoạch hành động.

Theo ông Lê Đức Chung, Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, sau 5 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, tính đến nay, Việt Nam đã có 33 địa phương và 8 bộ ngành phê duyệt kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, 2 địa phương khác là Cao Bằng và Bắc Kạn cũng đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện kế hoạch.

Trong đó, các bộ, ngành đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nhiều quyết định liên quan đến tăng trưởng xanh, ví dụ như Quyết định số 11/2017/QĐ-Ttg về phát triển năng lượng tái tạo. Mặt khác, các bộ, ngành cũng xây dựng khuôn khổ pháp lý, thu hút nguồn lực tài chính và công nghệ… cho kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của mình.

Về phía các địa phương, việc thu hút nguồn lực cho tăng trưởng xanh đã có một số kết quả đáng khích lệ. Nhận thức về vai trò của tăng trưởng xanh đã được nâng lên, tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân… trong bảo vệ môi trường và giảm phát thải nhà kính. Số kế hoạch hành động tăng trưởng xanh được chuẩn bị và phê duyệt tăng nhanh, chất lượng của các kế hoạch hành động với độ nhất quán về phương pháp luận và thời gian xây dựng cũng được cải thiện.

Đầu tư công chỉ đáp ứng 1/3 nhu cầu

Trong quá trình triển khai, bên cạnh những thuận lợi, các địa phương cũng đối mặt không ít những khó khăn, thách thức khi hiện thực hóa chiến lược thông qua kế hoạch hành động tăng trưởng xanh. Ông Lê Đức Chung đã chỉ ra, miền Bắc có tỷ lệ các tỉnh thành ban hành kế hoạch hành động tăng trưởng xanh thấp nhất cả nước. Hầu hết những kế hoạch hành động đã thực hiện không có kiểm kê khí nhà kính, nên không chỉ ra được tiềm năng tăng trưởng xanh, hành động ưu tiên và chi phí thực hiện.

Nỗ lực của chính phủ và một số ngành là rất lớn, song lại thiếu sự liên kết cũng như các biện pháp đồng bộ giữa các ngành, dẫn đến việc thiếu các hướng dẫn kịp thời cho địa phương và nhà đầu tư trong triển khai thực hiện.

Mặt khác, mỗi địa phương do nhận được sự hỗ trợ khác nhau, nên lại làm theo một cách riêng, không nhất quán dẫn đến việc doanh nghiệp khó nhận biết và dự đoán được kế hoạch, dự toán chi phí đầu tư…

Bên cạnh đó, còn thiếu các chính sách thu hút đầu tư đủ hấp dẫn để huy động các nguồn lực tài chính, cụ thể như các quỹ khí hậu quốc tế; cản trở do các chính sách thường đơn lẻ, thiếu đồng bộ, nên các ngành còn lúng túng trong hướng dẫn triển khai; năng lực, kinh nghiệm còn hạn chế…

Đặc biệt, TS. Phạm Hoàng Mai cho biết, đầu tư cho tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn tài chính lớn (khoảng 30 tỷ USD đến năm 2020), trong khi đầu tư công giai đoạn 2016-2020 cho tăng trưởng xanh được Quốc hội phê duyệt khá hạn hẹp (khoảng 10-10,7 tỷ USD, tương đương với việc chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu).

Trong bối cảnh đó, để nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh ở các địa phương, TS. Nguyễn Thị Diễm Hằng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội cho rằng, các bộ cần ban hành hướng dẫn về khung xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh, hướng dẫn sử dụng ngân sách nhà nước xây dựng kế hoạch; thống nhất mô hình tính phát thải khí nhà kính. Đồng thời, cần có các chỉ đạo mang tính pháp lý về chỉ tiêu phát thải khí nhà kính đối với các địa phương.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa gợi ý, các địa phương cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách khuyến khích tăng trưởng xanh, như: xây dựng tiêu chuẩn về tăng trưởng xanh; lập quy hoạch đô thị và các điểm dân cư nông thôn theo hướng thân thiện với môi trường; đồng thời, cần xây dựng các đề xuất dự án đáp ứng các yêu cầu của các tổ chức, nhà tài trợ, nhà đầu tư trong nước…

Đối với thành phố Hải Phòng, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND Thành phố kiến nghị, cần hỗ trợ cho Hải Phòng về mặt kỹ thuật, phương pháp để xây dựng, thu thập số liệu đầu vào đối với các chỉ tiêu về tăng trưởng xanh cho giai đoạn 2017-2020, như: tỷ lệ đạt quy chuẩn môi trường của chất lượng không khí; tỷ lệ thực hiện nông nghiệp xanh; tỷ lệ giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GDP./.