Sáng ngày 11/12/2017, tại khách sạn Lotte, Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với tổ chức USAID, Konrad, các đại sứ quán Nhật Bản và Úc tại Việt Nam cùng một số ban, bộ, ngành trung ương và địa phương tổ chức Hội thảo chuyên đề "Năng lượng xanh cho phát triển kinh tế bền vững”.

Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương phát biểu khai mạc Hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương đã nhấn mạnh: Năng lượng luôn là yếu tố quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các nước trên thế giới. Để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, Đảng ta đã luôn dành sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề phát triển năng lượng.

Hiện nay, các nguồn nhiên liệu hóa thạch như than đá, dầu mỏ, khí đốt đã và đang đáp ứng phần lớn nhu cầu năng lượng của đất nước. Tuy nhiên, nguồn năng lượng hóa thạch có hạn, việc sử dụng nhiều năng lượng hoá thạch có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, tăng phát khí gây hiệu ứng nhà kính. Vì vậy, việc nghiên cứu và sử dụng các nguồn năng lượng xanh thay thế, có khả năng tái tạo và khắc phục được các hạn chế nêu trên như: Năng lượng gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt hay năng lượng từ sinh khối, năng lượng sinh học là một nhu cầu tất yếu.

Phát triển năng lượng xanh ngày nay đang xu thế mới, làm thay đổi khá nhanh chóng cơ cấu ngành năng lượng. Nhiều quốc gia đã khẩn trương xây dựng và thực thi các chiến lược, chính sách phát triển năng lượng xanh với tầm nhìn dài hạn, tập trung nhiều các nguồn lực về con người, khoa học - công nghệ và tài chính - tín dụng… hướng tới việc phát triển nền kinh tế các-bon thấp, bền vững và thân thiện với môi trường.

Ông Hoàng Quốc Vượng, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, để góp phần đáp ứng các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội - môi trường, cần tăng tỷ lệ nguồn điện sử dụng nguồn năng lượng tái tạo bằng các giải pháp, như: xây dựng các chương trình, cơ chế, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật với các cơ chế khuyến khích phù hợp để đẩy nhanh phát triển nguồn điện sử dụng năng lượng tái tạo, trong đó tập trung vào cơ chế giá hỗ trợ cho các dự án sử dụng năng lượng gió, mặt trời, sinh khối, địa nhiệt…

Bên cạnh đó, thực hiện chính sách ưu đãi về tài chính và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò, nâng cao trữ lượng và khả năng khai thác than, dầu thô, khí đốt và năng lượng tái tạo, bảo đảm an ninh cung cấp nhiên liệu, năng lượng cho sản xuất điện, nhu cầu các ngành công nghiệp và dân dụng.

Đồng thời triển khai chương trình trao đổi điện từ các nước láng giềng Lào, Campuchia và Trung Quốc. Nghiên cứu, thực hiện các giải pháp kỹ thuật nhập khẩu từ các nhà máy điện hoặc qua lưới điện; nghiên cứu liên kết lưới điện với các nước tiểu vùng sông Mê Kông GMS để tăng cường đa dạng hóa nguồn năng lượng.

Đặc biệt là sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả cùng với các giải pháp chuyển đổi thay thế nhiên liệu để đem lại lợi ích kinh tế, giảm phát thải khí nhà kính và cải thiện môi trường an ninh năng lượng quốc gia.

Ông John Kerry, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie

Cũng tại Hội thảo chuyên đề này, ông John Kerry, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie đã thẳng thắn khi đặt vấn đề: “Lựa chọn nào cho Việt Nam: Than đá - Năng lượng tái tạo?”.

Ông John Kerry cho biết, ông đã đến Bắc Băng Dương, Đại Tây Dương và được các nhà khoa học cho biết các tảng băng lớn, sâu 2 - 3 km đang tan ra đại dương và hiện tượng này đang gia tăng. Những cơn bão lớn, hiện tượng tự nhiên bất thường đã xuất hiện 5 năm 1 lần và thường xuyên hơn.

Những điều đó bắt nguồn từ việc chúng ta chưa có lựa chọn thông minh sử dụng năng lượng hiệu quả nhất. Bên cạnh đó, than đá đang đóng góp lớn nhất cho rác thải hiệu ứng nhà kính, năng lượng “bẩn nhất”.

“Giải pháp chống biến đổi khí hậu là sử dụng năng lượng thông minh bằng việc đưa ra các quyết định phù hợp đắn trong đầu tư cho tương lai", ông John Kerry nhấn mạnh.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang dịch chuyển ngành năng lượng của mình từ hóa thạch sang năng lượng tái tạo. Cụ thể như Thụy Điển hiện nay sử dụng 100% là năng lượng tái tạo, Đức đang phấn đấu sử dụng 40% năng lượng tái tạo vào năm 2025, và đạt 80% vào năm 2057. Năm 2017, ngành năng lượng của Mỹ đã có khoảng 75% năng lượng tái tạo bổ sung vào tổng nguồn cung năng lượng, than đá chỉ chiếm 0,2%.

Việt Nam hiện được thiên nhiên ưu đãi về bức xạ mặt trời, gió và sinh khối. Tuy nhiên, hiện 45% tổng năng lượng của Việt Nam là nhiệt điện than, khí...

Chính phủ Việt Nam đang muốn hướng tới nền tảng năng lượng khác biệt, trong khi duy trì tăng trưởng kinh tế, dịch chuyển thông minh điện lưới để cung cấp đủ năng lượng cho phát triển và đó là vị thế tuyệt vời để đưa ra lựa chọn thông minh hơn. Bởi lẽ, các cam kết về nguồn lực cho đầu tư, sử dụng điện than trong 30 năm tới là khó khăn khi mà thế giới đang quay lưng.

Cũng theo ông John Kerry, Việt Nam cần đầu tư sử dụng điện từ năng lượng mặt trời, điện gió, khí đốt, nhiệt điện. Việt Nam cũng cần có những chính sách cởi mở, tạo ra lộ trình năng lượng mặt trời trong cách tiếp cận tổng thể.

"Tôi có niềm tin vững chắc, mạnh mẽ than đá không rẻ hơn năng lượng mặt trời, năng lượng tái tạo khác so với điện than nếu tính đủ các mức độ ảnh hưởng biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường… Thậm chí, nếu tính đủ thì còn đắt hơn. Việt Nam cũng đang có cơ hội thay đổi một cách căn cơ, hiệu quả hơn và sẽ tiết kiệm hàng tỷ USD cho ngân sách, đồng thời người dân có cuộc sống chất lượng hơn, tạo nhiều công ăn việc việc làm trong lĩnh vực này hơn" - ông John Kerry nhấn mạnh.

Theo ông John Kerry, Việt Nam đã có chính sách phát triển năng lượng tái tạo, dựa trên các điều kiện tự nhiên sẵn có, Việt Nam cần trở thành mô hình của các quốc gia khác về năng lượng tái tạo.

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đã đánh giá, phân tích những kỳ vọng từ các dự án năng lượng tái tạo trọng điểm hiện nay và cho rằng cơ chế mua bán điện trực tiếp đã mở hướng đầu tư - tiêu thụ cho các cơ sở nhỏ; thảo luận về một số cam kết quốc tế trong việc sử dụng những nguồn năng lượng sạch và tìm hiểu các hỗ trợ từ những tổ chức tài chính quốc tế cho những sáng kiến về năng lượng sạch hiện nay trên thế giới, khu vực và trường hợp áp dụng cho Việt Nam.

Đại diện Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) chia sẻ nhiều vấn đề liên quan tới năng lượng tái tạo trong tổng thể hệ thống điện quốc gia: từ phát điện, truyền tải điện cho tới tích trữ, sử dụng.

Một số chuyên gia quốc tế giới thiệu các thành tựu khoa học - kỹ thuật và xu thế giảm suất đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đánh giá khả năng chuyển giao công ứng dụng công nghệ trong phát triển năng lượng tái tạo; đánh giá một số triển vọng phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam: Góc nhìn đa chiều của doanh nghiệp phát điện, người tiêu dùng, cơ quan hoạch định chính sách, nhà đầu tư./.