Vậy đâu là nguyên nhân và làm thế nào để khắc phục thực trạng này? TS. Phạm Hoàng Mai, Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã trả lời phỏng vấn Tạp chí Kinh tế và Dự báo để làm rõ về vấn đề này.

Nhận thức chưa biến thành hành động

PV: Thưa ông, xin ông giới thiệu đôi nét về Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh?

TS. Phạm Hoàng Mai: Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg, ngày 25/09/2012 đã đưa ra 3 nhiệm vụ chủ yếu là: Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; Xanh hóa sản xuất (Tái cấu trúc nền kinh tế theo định hướng phát triển theo chiều sâu, giảm sử dụng tài nguyên, tăng các ngành công nghiệp sinh thái và dịch vụ môi trường, đổi mới công nghệ); Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Để triển khai thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Kế hoạch Hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh tại Quyết định 403/QĐ-TTg, ngày 20/03/2014, với 66 hoạt động theo 12 nhóm nhiệm vụ theo các chủ đề: Rà soát thể chế cho tăng trưởng xanh; Rà soát các quy hoạch tổng thể, như: Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành; Thúc đẩy chuyển giao công nghệ; Tạo cơ hội kinh doanh cho phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy hợp tác công tư; Rà soát các chính sách tài khóa và phân bổ tài chính…

PV: Vậy, ông đánh giá ra sao về tiềm năng cho doanh nghiệp khi đầu tư vào lĩnh vực tăng trưởng xanh thưa ông?

TS. Phạm Hoàng Mai: Thực tế, tiềm năng cho doanh nghiệp đầu tư để giảm phát thải khí nhà kính hiện nay là rất lớn. Theo Cam kết của chính phủ Việt Nam với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là COP21 - Paris, Việt Nam chính thức cam kết giảm lượng phát thải khí nhà kính giảm 10-20%/năm. Để làm được điều đó, chúng ta phải có trên 30 tỷ đô.

Vùng trồng dược liệu sạch được của Traphaco

Tuy nhiên, phần đầu tư của Nhà nước chỉ chiếm 1/3 số đó, còn 2/3 dự kiến là tư nhân đầu tư trong các lĩnh vực xây dựng, vật liệu xây dựng, xi măng, trong tiêu dùng hộ gia đình, ngành giấy, phát điện, thép, năng lượng, nông nghiệp… Đó là tiềm năng rất lớn mà doanh nghiệp hoàn toàn có thể làm được.

PV: Ông có thể chia sẻ kỹ hơn về lĩnh vực đầu tư mà các doanh nghiệp có thể tham gia triển triển khai thực hiện tăng trưởng xanh?

TS. Phạm Hoàng Mai: Hiện, những loại hình doanh nghiệp có thể tham gia triển khai thực hiện tăng trưởng xanh ở Việt Nam, như: Năng lượng tái tạo (gồm: Năng lượng gió, Năng lượng mặt trời, Năng lượng sinh khối, Thủy điện nhỏ, Chuyển giao và hiện đại hóa các công nghệ nhiệt điện hiện có, Năng lượng tái tạo khác…); Tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (gồm: Tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp, Tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực xây dựng, Tiết kiệm và hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực giao thông vận tải); Chuyến đổi và quản lý sử dụng đất (gồm: Đô thị xanh, Bảo tồn và quản lý các khu vực đất ngập nước, Sử dụng đất nông nghiệp bền vững); Lâm nghiệp bền vững (bao gồm: Phát triển kinh tế lâm nghiệp và dịch vụ rừng, Phát triển kinh tế du lịch sinh thái, Hoàn thiện và nâng cao chất lượng sử dụng đất lâm nghiệp bằng trồng rừng); Quản lý chất thải bền vững (gồm: Chất thải rắn sinh hoạt, Chất thải rắn công nghiệp, Nước thải); Nông nghiệp xanh (Sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Áp dụng tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt, Ứng dụng công nghệ tự động hoá giúp tiết kiệm nước, năng lượng sản xuất nông nghiệp)…

Doanh nghiệp chưa thực sự "mặn mà" với việc đầu tư vào tăng trưởng xanh

PV: Vậy tình hình doanh nghiệp hiện nay đầu tư vào tăng trưởng xanh ra sao thưa ông?

TS. Phạm Hoàng Mai: Từ khi Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh được phê duyệt, chúng tôi có làm khảo sát xem doanh nghiệp đã đầu tư chưa, đầu tư nhiều hay ít?.

Qua kết quả đánh giá trong giai đoạn 2010-2015, tiềm năng để có thể đầu tư vào lĩnh vực Tăng trưởng xanh cho các doanh nghiệp ở trong 4 ngành công nghiệp điển hình (gồm: Thép, Xi măng, Giấy, Mía đường) là khoảng 1,7 tỷ đô. Tuy nhiên, thực chất doanh nghiệp mới bỏ ra trên 600 triệu để đầu tư. Như vậy, chỉ có gần 40% các doanh nghiệp đã đầu tư vào các ngành mà tạm gọi là tăng trưởng xanh.

PV: Theo ông, vì sao các doanh nghiệp lại chần chừ đầu tư vào tăng trưởng xanh?

TS. Phạm Hoàng Mai: Có nhiều nguyên nhân, nhưng trong đó, có nổi lên 3 nguyên nhân chính là nhận thức, thể chế, nguồn lực.

(i) Về nhận thức: Nhận thức của các cơ quan Chính phủ, xã hội, doanh nghiệp về tăng trưởng xanh đã được nâng lên một bước; Nhiều chương trình dự án thúc đẩy tăng trưởng xanh đã được triển khai trong tất cả các khu vực công và tư, sản xuất và tiêu dùng; Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thuộc phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Xây dựng Bộ chỉ số doanh nghiệp bền vững với 151 tiêu chí, trao tặng giải thưởng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là nhận thức chưa chuyển biến thành hành động cụ thể sâu rộng ở các ngành, các cấp, các địa phương, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

(ii) Về thể chế: Hiện, nước ta có nhiều Luật. Thí dụ các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh khá nhiều, như: Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả…vv. Cùng với đó là hàng loạt các văn bản hướng dẫn khác.

Bên cạnh đó, hiện tại đã có 07 Bộ, 32 tỉnh, thành phố xây dựng và thực hiện Kế hoạch và Hành động tăng trưởng xanh. Trong đó, bao gồm danh mục các dự án ưu tiên thu hút đầu tư tư nhân.

Tuy nhiên, thể chế, chính sách chủ yếu dừng lại ở cấp Trung ương, đơn ngành; Chính sách ban hành chậm (Quy hoạch Điện 7), không theo kịp với mức phát triển tiến bộ chung của khoa học, công nghệ, chưa tạo được bước chuyển biến rõ rệt; Nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư vào tăng trưởng xanh.

(iii) Về nguồn lực: đã có nhiều diễn giả cho rằng, doanh nghiệp biết, doanh nghiệp sẵn sàng làm nhưng không có vốn, công nghệ, không có nguồn lực.

Về vấn đề này, thực tế chúng ta đã có những cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN, ngày 24/03/2015 về thúc đẩy tăng trưởng xanh trong hoạt động tín dụng, quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động tín dụng. Kết quả cho thấy, so với tháng 12/2015, đến tháng 9/2016 dự nợ tín dụng xanh tăng 14.7%; đến tháng 6/2017, dư nợ tín dụng xanh tăng gần 29.4% so với năm 2016… Như vậy, một hành lang pháp lý có tác động lớn. Ngoài ra, Chính phủ cũng ưu tiên nguồn lực của đầu tư công cho tăng trưởng xanh, hỗ trợ các doanh nghiệp theo hướng: đầu tư của Chính phủ mang tính chất xúc tác nhằm giúp chuyển giao công nghệ, nhân rộng các điển hình và đào tạo nguồn nhân lực để giúp khu vực tư nhân; Ưu tiên nguồn lực ODA hỗ trợ đầu tư tư nhân; Hình thành các Quỹ hỗ trợ đầu tư tư nhân; Bù giá cho năng lượng tái tạo….

Tuy nhiên, vẫn còn những thách thức, như: nhiều chính sách chưa đủ sức thúc đẩy các doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư vào tăng trưởng xanh, cách tiếp cân chủ yếu là từ trên xuống nên đã hạn chế sự tích cực của doanh nghiệp tư nhân, các công cụ tài chính chưa linh hoạt, chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp…

PV: Vậy theo ông, đâu là giải pháp, thưa ông?

TS. Phạm Hoàng Mai: về giải pháp cho 3 vấn đề này, trước hết đối với lĩnh vực nhận thức, thì thời gian tới cần tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong toàn xã hội, cộng đồng doanh nghiệp và người tiêu dùng với các biện pháp phù hợp (khen thưởng, tuyên dương các điển hình, các mô hình thí điểm…).

Về thể chế, cần đồng bộ hóa các văn bản quy phạm pháp luật liên quan; Ban hành các văn bản hướng dẫn thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân; Nâng cao hiệu lực trong việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Về nguồn lực, cần điều chỉnh chính sách mua sắm công, tạo nhu cầu đầu tư cho tăng trưởng xanh (lộ trình tăng giá điện hợp lý, dán nhãn tiêu thụ năng lượng, mua sắm xanh…); hình thành các công cụ tài chính đáp ứng nhu cầu cho các doanh nghiệp đầu tư cho tăng trưởng xanh; xây dựng kênh đối thoại giữa các cơ quan Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp.

Xin trân trọng cảm ơn ông! ./.