Những kết quả đạt được

Trong thời gian qua, các bộ ngành và các địa phương đã và đang triển khai xây dựng Kế hoạch hành động của ngành và địa phương để thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến thời điểm hiện tại đã có 6 bộ ngành và 16 địa phương ban hành kế hoạch hành động của ngành và địa phương để thực hiện các mục tiêu PTBV.

Tổ công tác liên ngành về các mục tiêu phát triển bền vững cũng đã được thành lập, do Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các bộ ngành, cơ quan, tổ chức trong triển khai thực hiện.

Trong năm 2018, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì phối hợp với các bộ ngành và các bên liên quan xây dựng báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện để trình bày tại Diễn đàn chính trị cấp cao về phát triển bền vững (HLPF) của Liên hợp quốc vào tháng 7/2018. Việc xây dựng báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện là nhằm mục đích chia sẻ kinh nghiệm, thành công, thách thức và bài học thực tế, nhằm thúc đẩy việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của các quốc gia.

Báo cáo này là một phần của cơ chế theo dõi và đánh giá việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên được khuyến khích tiến hành đánh giá và rà soát trong quá trình thực hiện ở cấp quốc gia và cấp địa phương.

Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đang được Bộ Kế hoạch đầu tư chủ trì, phối với các bộ ngành xây dựng và dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ trong Quý 4 năm 2018.

Tổng cục Thống kê cũng đang triển khai xây dựng Bộ chỉ tiêu giám sát đánh giá phát triển bền vững, dự kiến sẽ trình và ban hành trong tháng 12 năm 2018.

Trong thời gian tới, Bộ Kế hoạch và đầu tư sẽ triển khai xây dựng và ban hành Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu phát triển bền vững vào quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của bộ, ngành, địa phương; xây dựng hướng dẫn thực hiện giám sát, đánh giá các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống luật pháp, cơ chế chính sách gắn với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành và đã được phân công trách nhiệm cụ thể trong Kế hoạch hành động quốc gia.

Hiện nay, Bộ Tư pháp đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành rà soát hệ thống pháp luật nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của mọi người dân, nhất là đối tượng nữ, người nghèo đối với các nguồn lực kinh tế, tiếp cận các dịch vụ cơ bản, quyền sử dụng đất đai và tài nguyên thiên nhiên, quyền sở hữu và kiểm soát các dạng tài sản khác…

Việc đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững đầy tham vọng là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam

Việt Nam đã đăng ký trình bày Rà soát quốc gia tự nguyên về tiến độ thực hiện các mục tiêu PTBV tại Diễn đàn Chính trị cấp cao năm 2018 của Liên hợp quốc. Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì, phối hợp với các bộ ngành và các bên liên quan khác xây dựng báo cáo Rà soát quốc gia tự nguyện.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã và đang triển khai xây dựng Hướng dẫn lồng ghép các mục tiêu PTBV vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp, dự kiến ban hành đầu năm 2018 để áp dụng thông nhất cho các bộ ngành và địa phương.

Ngoài ra, công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu PTBV được giao cho các bộ ngành, địa phương tổ chức triển khai.

Trong thời gian qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã tổ chức các hội thảo, tập huấn nâng cao nhận thức về Chương trình nghị sự 2030 và các mục tiêu PTBV cho các đại biểu quốc hội tại các tỉnh miền Nam và miền Trung; đại biểu các sở ban ngành các tỉnh miền Bắc.

Để đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững

Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đến năm 2015, đặt nền tảng cơ sở cho việc tiếp tục thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030. Tuy nhiên, việc đạt được 17 mục tiêu phát triển bền vững đầy tham vọng là một thách thức rất lớn đối với Việt Nam.

Trong tiến trình thực hiện 17 mục tiêu phát triển bền vững, theo các chuyên gia, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:

Một là, tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách, giải quyết những khoảng trống và bất cập về mặt chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc thực hiện các mục tiêu PTBV đến năm 2030.

Hai là, việc thực hiện 17 mục tiêu PTBV cần huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, cộng đồng doanh nghiệp, tổ chức đoàn thể xã hội và cộng đồng dân cư. Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần tăng cường vai trò hơn nữa trong việc giám sát thực hiện và phản biện xã hội đối với quá trình triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV.

Ba là, tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về PTBV, các mục tiêu PTBV đến năm 2030.

Bốn là, tăng cường huy động các nguồn tài chính trong và ngoài nước, đặc biệt là nguồn lực từ khu vực tư nhân để triển khai thực hiện các mục tiêu PTBV của quốc gia. Bên cạnh đó, Việt Nam cần nâng cao hiệu quả hệ thống thuế, tiết kiệm chi tiêu công, đổi mới quản lý tài chính công và quản lý nợ công để tăng cường nguồn lực tài chính công.

Năm là, Việt Nam cần chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chú trọng đến đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, cán bộ lãnh đạo, hoạch định chính sách.

Sáu là, khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực cho PTBV đất nước và được xem là một phương thức tiên quyết để thực hiện thành công các mục tiêu PTBV, đặc biệt trong bối cảnh của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0. Việt Nam cần tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu PTBV.

Bảy là, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường kỷ luật, kỷ cương; đẩy mạnh công khai, minh bạch trong sử dụng ngân sách nhà nước, trong phân bổ nguồn lực.

Tám là, lồng ghép các mục tiêu PTBV trong quá trình xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển của các bộ, ngành, địa phương, cơ quan. Lồng ghép phù hợp các chỉ số, chỉ tiêu PTBV vào các chương trình điều tra Thống kê quốc gia định kỳ và các chương trình điều tra khác.

Chín là, tăng cường công tác giám sát, đánh giá tiến độ thực hiện các mục tiêu PTBV. Việt Nam cần sớm ban hành bộ chỉ tiêu thống kê PTBV để phục vụ công tác giám sát, đánh giá kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV. Tăng cường năng lực cán bộ làm công tác thống kê để đảm bảo thực hiện giám sát, đánh giá; vận hành hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu về các mục tiêu PTBV; công khai thông tin về kết quả thực hiện các mục tiêu PTBV để phục vụ công tác hoạch định chính sách.

Mười là, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan của Chính phủ, các doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và cộng đồng quốc tế trong thực hiện PTBV. Duy trì và triển khai cơ chế điều phối và phối hợp giữa các bên liên quan để định kỳ theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động và đưa ra các giải pháp, chia sẻ các sáng kiến, thực hành tốt nhằm đạt được các mục tiêu PTBV mà Viêt Nam đã cam kết.

Mười một là, tăng cường hợp tác quốc tế để thúc đẩy việc hỗ trợ, chuyển giao về tài chính, kỹ thuật cho thực hiện các mục tiêu PTBV./.