Sáng 17/12/2018, Hội nghị “Quốc hội và các mục tiêu phát triển bền vững” do Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam phối hợp với Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) và Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tổ chức đã khai mạc tại Đà Nẵng - Thành phố biển năng động và phát triển của Việt Nam. Hội nghị diễn ra trong hai ngày 17 và 18/12/2018.

Tham dự và chủ trì Hội nghị có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ngài Martin Chungong, Tổng thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU); Ngài Kamal Malhotra, Điều phối viên Thường trú Liên Hợp Quốc; Trưởng các cơ quan đại diện Liên Hợp Quốc tại Việt Nam.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Chương trình Nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) và 169 chỉ tiêu ưu tiên thực hiện xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm y tế, giáo dục, an ninh về mọi mặt, xây dựng một xã hội hòa bình và hội nhập thể hiện quyết tâm của các quốc gia xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân trên thế giới, để tất cả các quốc gia được sống trong môi trường hợp tác, hòa bình và thịnh vượng. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân: Đối với Việt Nam, phát triển bền vững (PTBV) là con đường tất yếu, là yêu cầu xuyên suốt trong quá trình phát triển đất nước; là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và toàn thể xã hội. Việt Nam xác định nhiệm vụ trọng tâm là PTBV, xem con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm của các chủ trương, chính sách phát triển đất nước.

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng đã có bài trình bày tại Hội nghị về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và tình hình triển khai thực hiện cũng như thách thức trong huy động nguồn lực tài chính, vai trò của Quốc hội trong việc thực hiện Chương trình nghị sự 2030.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng trình bày tại Hội nghị về Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030

Thay mặt Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thứ trưởng Vũ Đại Thắng cho biết, Việt Nam cam kết tập trung mọi nguồn lực, huy động sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cộng đồng và người dân để thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 và Các mục tiêu PTBV.

Trong hơn 15 năm qua, kể từ khi thực hiện các cam kết Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDGs), nền tảng của các mục tiêu PTBV, Quốc hội Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý quan trọng vì sự PTBV, đã ban hành mới và sửa đổi bổ sung hơn 300 đạo luật, ban hành Hiến pháp năm 2013. Quốc hội thông qua Chiến lược quốc gia về Bảo vệ môi trường định hướng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Ban hành Nghị quyết về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020; tham gia xây dựng Chiến lược quốc gia về các mục tiêu PTBV. Đại diện các cơ quan của Quốc hội là thành viên tham gia Hội đồng Quốc gia về PTBV và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030, việc xây dựng Kế hoạch hành động được thực hiện dựa trên một quá trình rà soát các chiến lược, chính sách quan trọng, chủ yếu của quốc gia, ngành/lĩnh vực, có so sánh, đối chiếu với 17 mục tiêu PTBV toàn cầu.

Quá trình xây dựng Kế hoạch hành động cũng có sự tham tích cực của các bộ, ngành, cơ quan, các tổ chức xã hội, các tổ chức Liên hợp quốc tại Việt Nam, các tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế, đại diện cộng đồng doanh nghiệp và các bên liên quan khác.

Kế hoạch hành động đã đưa ra 17 mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Việt Nam với 115 mục tiêu cụ thể phản ánh được 150/169 mục tiêu toàn cầu. Kế hoạch hành động đã đưa ra các nhiệm vụ chủ yếu cho 2 giai đoạn chính, đó là:

Giai đoạn 1: Từ năm 2017-2020, tập trung vào việc hoàn thiện hệ thống thể chế cho thực hiện PTBV; ban hành các văn bản tạo cơ sở pháp lý để thực hiện các mục tiêu PTBV như xây dựng lộ trình và hệ thống chỉ tiêu thống kê PTBV, hướng dẫn lồng ghép, giám sát đánh giá thực hiện các mục tiêu PTBV; tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức về PTBV.

Giai đoạn 2: Từ năm 2020-2030, tập trung vào việc triển khai toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch hành động như tăng cường huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu PTBV; hoàn thiện xây dựng cơ sở dữ liệu các mục tiêu PTBV; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng khoa học cộng nghệ, chuyển giao công nghệ để thực hiện các mục tiêu PTBV.

Đến nay, Việt Nam đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động.

Cụ thể, đã thành lập Tổ công tác liên ngành về các mục tiêu PTBV.

Xây dựng và tham gia trình bày Báo cáo rà soát quốc gia tự nguyện của Việt Nam tại Diễn đàn Chính trị cấp cao của Liên Hợp Quốc về PTBV năm 2018 tại New York, Mỹ.

Xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình nghị sự 2030 của các bộ, ngành, cơ quan, địa phương: Đến nay, đã có 10 bộ và 29 địa phương ban hành Kế hoạch hành động.

Xây dựng lộ trình thực hiện các mục tiêu PTBV của Việt Nam, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 12/2018.

Xây dựng Hệ thống chỉ tiêu thống kê PTBV, dự kiến ban hành trong tháng 12/2018. Dự thảo hiện đưa ra 196 chỉ tiêu thống kê để phục vụ cho công tác giám sát, đánh giá việc thực hiện các mục tiêu PTBV.

“Tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu được xem là một trong những phương thức quan trọng để thực hiện các mục tiêu PTBV. Theo ước tính của Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu và Chiến lược tăng trưởng xanh, Việt Nam cần 5% GDP hằng năm để khắc phục thiệt hại do biến đổi khí hậu và cần 30 tỷ đô để thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh đến năm 2030”, Thứ trưởng Thắng nói.

Tuy nhiên, ông cũng lưu ý, tăng trưởng xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu mới chỉ thực hiện được một phần các mục tiêu PTBV.

Gần đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với IMF triển khai nghiên cứu “Việt Nam - Nhu cầu chi tiêu để đạt được các mục tiêu PTBV”. Theo kết quả sơ bộ của Báo cáo, ước tính tổng nhu cầu vốn trên 5 lĩnh vực chính là giáo dục, y tế, giao thông nông thôn, điện, nước đến năm 2030 khoảng 108,1 tỷ đô la, trong đó khu vực công chỉ đáp ứng khoảng 75,8 tỷ đô la. Như vậy riêng đối với 5 lĩnh vực nêu trên, Việt Nam cần phải bổ sung thêm 32,3 tỷ đô la. Nguồn lực này hoàn toàn có thể huy động từ khu vực tư nhân thông qua hình thức đối tác công tư (PPP), nguồn vốn ODA và các hình thức khác.

Nguồn lực cho thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững là rất lớn và để thực hiện thành công các mục tiêu phát triển bền vững, cần huy động tối đa sự tham gia của tất cả các bên liên quan, đặc biệt là khu vực tư nhân và các nguồn tài trợ nước ngoài và chúng ta cần có các chính sách, biện pháp, giải pháp tốt hơn nữa để tạo điều kiện cho tư nhân tham gia thực hiện SDGs tại Việt Nam. Việc thực hiện thành công Chương trình nghị sự 2030 đòi hỏi có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, trong đó Quốc hội đóng vai trò hết sức quan trọng. Việt Nam mong muốn nhận được sự hỗ trợ của các nước và các tổ chức quốc tế trong thực hiện Chương trình nghị sự 2030 và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với bạn bè quốc tế./.