Tổn thất lớn

Cũng theo cơ quan này, thì riêng lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm sản xuất ra 20 - 22 triệu tấn lúa, nhưng tỷ lệ thất thoát ở mức 10 - 12%, tương đương khoảng 3.000 - 3.500 tỷ đồng bị mất đi.

Đối với rau quả và trái cây cũng trong tình trạng tương tự, tùy theo phương thức chế biến và vận chuyển, mức độ tổn thất có thể lên tới 45%.

Sản phẩm thủy, hải sản cũng không phải là ngoại lệ khi tỷ lệ tổn thất sau thu hoạch ở ngưỡng 35%.

Dẫn khảo sát 150 nông dân ở những vùng địa lý khác nhau, ông Julien Brun, Tổng giám đốc Công ty CEL Consulting cho biết, tỷ lệ thất thoát của thực phẩm Việt Nam khá cao và có sự khác nhau giữa các nhóm hàng.

Đặc biệt, mặt hàng rau quả có tỷ lệ thất thoát đến 32%, cao hơn mức trung bình của châu Á là 29%; ở nhóm thịt là 14%, thủy hải sản là 12%.

Theo ông Julien Brun, tỷ lệ thất thoát này chủ yếu xảy ra ở khâu sản xuất và vận chuyển hàng hóa.

Mức thất thoát thực phẩm khá cao khiến một lượng thực phẩm lớn, ước tính gần 50% không bao giờ đến được người tiêu dùng, và lượng này lại gây ra sự ô nhiễm.

Cần ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất nông sản phẩm/ Ảnh: internet

Làm thế nào để giảm tổn thất?

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, để giảm tổn thất sau thu hoạch, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp và triển khai có hiệu quả Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp.

Cụ thể, đối với lúa gạo, phấn đấu giảm tổn thất sau thu hoạch từ 11-13% hiện nay xuống còn 5-6% bằng các biện pháp cơ giới hóa thu hoạch, đầu tư máy sấy, kho chứa thóc… Đến năm 2020, thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 60%, năng lực sấy lúa cả nước đạt trên 80%...

Đối với thủy sản, giảm tổn thất sau thu hoạch đối với khai thác hải sản từ 20% hiện nay xuống 10%, thông qua tổ chức tốt dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển và tại cảng cá. Ưu tiên đầu tư trang thiết bị và hệ thống hầm lạnh bảo quản sản phẩm trên tàu đánh bắt xa bờ. Tổ chức hệ thống thu gom hải sản trên biển để kịp thời đưa sản phẩm vào bờ.

Một giải pháp khác được Đề án đặt ra là đầu tư công nghệ, thiết bị nhằm xử lý và tận dụng triệt để các phế phụ phẩm nông nghiệp tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao.

Đối với lúa gạo, toàn bộ phế phụ phẩm (trấu, cám) trong xay xát lúa gạo được chế biến thành các sản phẩm có giá trị như củi trấu, trấu viên, ván ép, dầu cám, thức ăn chăn nuôi. Đối với rơm, sử dụng trong sản xuất nấm, đóng bánh làm thức ăn chăn nuôi, làm chất đốt, làm phân hữu cơ…

Đối với thủy sản, sử dụng phế phụ phẩm trong các loại hình chế biến, đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất các chế phẩm có GTGT sử dụng trong các ngành thực phẩm và phi thực phẩm như: Colagen, Glucosamin, can xi hoạt tính, bột cá, dầu cá…

Về thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản, tạo điều kiện để các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, chế biến xây dựng phát triển thương hiệu lớn, có uy tín, gắn với chỉ dẫn địa lý. Phấn đấu đến năm 2020, có 40-50% đơn vị sản xuất kinh doanh xuất khẩu xây dựng và phát triển các thương hiệu lớn, có uy tín tại thị trường EU, Mỹ và Nhật Bản.

Bên cạnh đó, nhìn một cách tổng quan, chính sách về giảm tổn thất lương thực hiện mới chỉ tập trung ở khâu thu hoạch và chế biến.

Vì thế, trong thời gian tới, cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách theo chủ trương tái cơ cấu ngành và xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, để thực hiện mục tiêu đến năm 2020 giảm 50% tổn thất đối với các loại nông sản, thủy sản mà Nghị quyết 48 đề ra cần có tác động mạnh hơn từ Quyết định số 68, (nếu không thì rất khó đạt mục tiêu đề ra), cần xem xét lãi suất đầu tư phát triển cho đầu tư dài hạn (3-4%/năm) để thực hiện các Dự án bảo quản (kho chứa lúa đồng bộ với máy sấy động hiện đại, gắn với các hợp tác xã; kho bảo quản lạnh rau quả, thủy sản; các dự án chế tạo máy móc nông nghiệp) và các mô h́nh cơ giới hóa đồng bộ sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác nghiên cứu ứng dụng, hợp tác công - tư, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm kết hợp với các nhà khoa học để thực hiện các dự án bảo quản giảm tổn thất sau thu hoạch. Thường xuyên khảo sát, điều tra, đánh giá mức độ tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.

Ngoài ra, cần phải có những chính sách khuyến khích đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ trong chuỗi sản xuất nông sản phẩm và huy động sự tham gia tích cực của khu vực tư nhân và người tiêu dùng để giảm thất thoát và lãng phí lương thực. Đặc biệt, cần đưa có các chính sách cụ thể ở các bước như sản xuất, phân phối và tiêu thụ./.