Sản xuất và tiêu dùng bền vững: Xu thế tất yếu

Tại Hội nghị về Môi trường và Phát triển của Liên hợp quốc, tổ chức tại Rio de Janeiro vào năm 1992, sản xuất và tiêu dùng bền vững được đánh giá là một hướng đi quan trọng để kết nối các vấn đề phát triển và môi trường. Đồng thời cũng chỉ ra nguyên nhân của việc suy giảm môi trường toàn cầu là do sản xuất và tiêu dùng không bền vững, đặc biệt ở các nước công nghiệp phát triển.

10 năm sau Hội nghị Rio, các nhà lãnh đạo thế giới đã ký kết Kế hoạch thực hiện Johannesburg (JPOI) tại Hội nghị Thượng đỉnh thế giới về Phát triển bền vững (WSSD). Chương 3 của Kế hoạch đề cập đến việc "chuyển đổi các mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững " và tuyên bố rằng "thay đổi cơ bản trong cách thức xã hội sản xuất và tiêu dùng là yếu tố không thể thiếu để đạt được phát triển bền vững toàn cầu.

Tất cả các nước cần thúc đẩy mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững ". Chương trình khung 10 năm (10YFP) đã được xây dựng để đẩy nhanh việc chuyển đổi sang mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong các hệ sinh thái bằng cách giảm sự lệ thuộc hay “tách rời” giữa phát triển kinh tế và suy thoái môi trường.

Sản xuất và tiêu dùng bền vững đã được đề cập đến trong Chương trình Phát triển Bền vững (Agenda 21, 1992) và xác định rằng tiêu dùng và phương pháp sản xuất không bền vững là nguyên nhân chính tiếp tục làm ô nhiễm và suy thoái môi trường.

Với bối cảnh như vậy, Hội nghị thượng đỉnh tại Johannesburg năm 2002 đã đưa ra một Chương trình Khung 10 năm nhằm hỗ trợ các quốc gia và khu vực khuyến khích và tăng cường sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Nhằm thiết lập một Chương trình Khung như vậy, Văn phòng Phát triển Bền vững của UN-DESA và Chương trình Môi trường của Liên hợp quốc (UNEP) đã giới thiệu “Tiến trình Marrakech” tại cuộc hội thảo quốc tế tổ chức tại Marrakech, Morocco vào năm 2003.

Tiến trình Marrakech được đề xuất nhằm tổ chức các cuộc hội thảo toàn cầu và khu vực diễn ra hàng năm, đưa ra các nhiệm vụ cụ thể về hoạt động và sản xuất và tiêu dùng bền vững.

Nội dung về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong phiên họp lần thứ 14 của UNFCCC (COP 14) về biến đổi khí hậu tại Poznan, Ba Lan vào tháng 12 năm 2008 cũng tập trung vào vấn đề sử dụng năng lượng, tác động đến ô nhiễm không khí, biến đổi khí hậu, chính sách và các biện pháp nhằm giảm các tác động của biến đổi khí hậu.

Nhiều nước trên thế giới đã triển khai hiệu quả hoạt động này, tính đến nay, trên 30 nước đã xây dựng được chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu thụ bền vững, nhiều quốc gia thì lựa chọn cách lồng ghép trong các chính sách, chương trình khác nhau.

Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm qua

Những thách thức khi thực hiện Khung 10YFP tại Việt Nam

Nhằm thực hiện Khung chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững của Liên hợp quốc, Việt Nam đã ban hành nhiều văn bản pháp quy, thể chế chính sách hỗ trợ hướng tới sản xuất và tiêu dùng bền vững ở Việt Nam, như: ký kết Tuyên ngôn quốc tế về Sản xuất sạch hơn vào năm 1999, ban hành Kế hoạch hành động quốc gia Sản xuất sạch hơn (SXSH) năm 2002, ban hành các chiến lược, quy định về SXSH trong công nghiệp, các văn bản pháp luật liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả; Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020; Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050…

Các hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng đã được triển khai tại Việt Nam hơn 10 năm qua. Đến nay, đã có trên 1200 cơ sở sản xuất ở nhiều ngành và nhiều địa phương của Việt Nam đang thực hiện SXSH.

Bên cạnh đó, các hoạt động như: xây dựng mẫu hình sản xuất bền vững trong công nghiệp, thiết kế sản phẩm bền vững cũng đã bước đầu được thực hiện, tuy nhiên, trên thực tế, còn ở phạm vi hẹp, đa phần nhờ sự hỗ trợ của các dự án quốc tế như UNEP, UNIDO, DANIDA, EU...

Các chương trình liên quan đến sản phẩm xanh như Chương trình cấp nhãn sinh thái (Bộ Tài nguyên và Môi trường); Nhãn tiết kiệm năng lượng (Bộ Công Thương), nhãn sinh thái cho ngành du lịch cũng được triển khai.

Việt Nam đã bước đầu thực hiện việc dán nhãn xanh, dán nhãn tiết kiệm năng lượng đối với các sản phẩm điện và điện tử, đang trong quá trình áp dụng các thông lệ mua sắm công bền vững theo tiêu chuẩn kinh tế xanh.

Tuy nhiên, tại nước ta, tiêu thụ bền vững còn chưa được quan tâm, các hoạt động triển khai còn hạn chế.

Ở Việt Nam, thói quen tiêu dùng bị chi phối bởi phong tục, tập quán và khả năng kinh tế. Với đà phát triển kinh tế mạnh mẽ trong hơn 10 năm gần đây, nhiều thói quen tiêu dùng, nhất là ở thế hệ trẻ, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái và phát triển không bền vững.

Các hoạt động đã triển khai mới dừng ở nâng cao nhận thức cộng đồng trong sử dụng các sản phẩm sinh thái, túi nilon sinh thái, 3R và chỉ là những hoạt động đơn lẻ, chưa kết nối với nhau, phạm vi tác động chỉ nằm trong khuôn khổ của một nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp, vì vậy chưa có tính phổ biến và tính bền vững.

Ở Việt Nam hầu như chưa được quan tâm, các sản phẩm sinh thái chưa có chỗ đứng trên thị trường, thói quen tiêu dùng bền vững hầu như chưa được định hướng trong toàn xã hội. Sản xuất bền vững bước đầu được quan tâm thực hiện, nhưng còn hạn chế. Công nghệ sản xuất và trình độ, kỹ năng quản lý sản xuất còn chưa cao, do vậy, còn lãng phí, thất thoát trong sử dụng nguyên nhiên vật liệu.

Về mặt cơ sở pháp lý, tuy đã có các quy định khung, nhưng một chính sách cụ thể cho sản xuất và tiêu thụ bền vững vẫn cần được xây dựng và ban hành với các mục tiêu, chỉ tiêu và hành động cụ thể. Bộ tiêu chí đánh giá mức độ bền vững trong sản xuất và tiêu thụ là cơ sở để xác định những hoạt động cụ thể cần triển khai.

Các quy định về sản xuất và tiêu dùng bền vững trong các văn bản còn chung chung, tản mát trong nhiều văn bản khác nhau, chưa tạo được cơ sở pháp lý đủ mạnh, thể hiện quyết tâm chung của toàn xã hội đối với hoạt động này.

Tài nguyên chưa được lượng giá đúng mức nên cũng chưa tạo được động lực cho tiết kiệm tài nguyên vật liệu.

Các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật đã triển khai còn chưa đáp ứng yêu cầu thực tế, chưa đủ nguồn lực để hỗ trợ phát triển hoạt động này.

Thời gian gần đây, tuy đã có chuyển biến, nhưng nhìn chung, nhận thức của xã hội đối với hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững còn hạn chế. Mức độ nhận thức và sự quan tâm của cộng đồng đối với các sản phẩm thân thiện môi trường chưa có sự quan tâm đáng kể. Do vậy, chưa tạo được động lực cho việc phát triển các sản phẩm xanh.

Thực tế, nhiều hoạt động triển khai về tiêu dùng bền vững còn hạn chế, mới chỉ dừng lại ở mức độ nâng cao nhận thức và mang tính đơn lẻ, chưa kết nối với nhau; phạm vi tác động chỉ nằm trong khuôn khổ của một dự án hay nhóm đối tượng hưởng thụ trực tiếp.

Vì thế, theo các chuyên gia để triển khai có hiệu quả hoạt động sản xuất và tiêu dùng bền vững, trong thời gian tới, Việt Nam cần có các chính sách cũng như các hành động cụ thể với mục tiêu: Giảm tiêu dùng nguyên liệu và năng lượng trong toàn bộ hệ thống sản xuất và tiêu dùng bằng cách tăng hiệu quả sử dụng; Thay đổi và tối ưu hóa mẫu hình sản xuất và tiêu dùng nhằm liên tục nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đặc biệt, cần có sự đánh giá đúng đắn và chính xác kết quả thực hiện Khung chương trình 10 năm về sản xuất và tiêu dùng bền vững, từ đó đưa ra các giải pháp thúc đẩy quá trình thực hiện Chương trình này./.