Những kết quả đạt được

Mua sắm xanh hay mua sắm bền vững là một yếu tố rất quan trọng trong việc xanh hóa chuỗi cung ứng. Mua sắm xanh cũng chính là mua sắm các sản phẩm và dịch vụ thân thiện môi trường. Trên thực tế, Việt Nam đã có một số chính sách liên quan đến môi trường và phát triển bền vững.

Việt Nam đang trong quá trình áp dụng các thông lệ mua sắm công bền vững. Các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cũng đã bước đầu nhận thức được vai trò của mua sắm công xanh.

Hiện tại, việc mua sắm công xanh mới được áp dụng đối với các sản phẩm tiết kiệm năng lượng và được quy định tại một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ vào năm 2011. Theo đó, các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước khi mua sắm các thiết bị điện, điện tử phải mua những sản phẩm có dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

Mặc dù vậy, tác động của Quyết định này đến việc thay đổi thói quen tiêu dùng theo hướng bền vững của các cơ quan sử dụng ngân sách nhà nước còn hạn chế do việc mua sắm này chỉ chiếm tỷ trọng quá nhỏ bé trong tổng chi tiêu của họ.

Hiện tại, chưa có quy định bắt buộc các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước phải thực hiện mua sắm công xanh nói chung, trong đó chưa có hệ thống tiêu chuẩn và quy định về đầu tư công xanh và chi tiêu công xanh.

Dự án về Mua sắm công bền vững được Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai thực hiện từ năm 2014 nhằm hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xây dựng năng lực và kỹ thuật về xây dựng các chính sách mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái; hỗ trợ thực thi các chính sách về mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái nhằm đạt hiệu quả tối đa của việc sử dụng hai công cụ này; tạo diễn đàn trao đổi giữa các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, khu vực tư nhân về xây dựng chính sách nhằm đảm bảo lồng ghép mua sắm công bền vững và nhãn sinh thái trong quá trình ra quyết định.

Bên cạnh đó, Dự án đang xây dựng Kế hoạch hành động về mua sắm công bền vững với mục tiêu thúc đẩy việc áp dụng mua sắm công bền vững ở Việt Nam, đặc biệt trong các cơ quan trung ương thông qua tăng cường năng lực, truyền thông và thúc đẩy việc sử dụng nhãn sinh thái như là cách thức xác nhận các tiêu chí môi trường cùng với việc điều chỉnh các tiêu chí về xã hội và kinh tế hiện đang được sử dụng trong đấu thầu thông thường.

Dự kiến Kế hoạch có các nội dung chính như rà soát và điều chỉnh khung pháp lý, tăng cường năng lực, truyền thông và nâng cao nhận thức, xây dựng kế hoạch mua sắm công bền vững cho các cơ quan trung ương, thúc đẩy sản xuất các sản phầm bền vững và chứng nhận nhăn sinh thái, tiếp cận thị trường, hợp tác quốc tế.

Theo báo cáo về mua sắm công bền vững năm 2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hàng năm nước ta chi trung bình bình 20 - 30% ngân sách vào mua sắm công. Con số này có thể tăng lên tới 50% nếu bao gồm chi tiêu cho thi công. “

Theo đánh giá của AIT-VN, Việt Nam đã có kế hoạch thực hiện các quy định về sáng kiến của Chính phủ liên quan đến mua sắm công. Tuy nhiên, cho đến nay việc thực hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ thí điểm và chỉ tập trung mua sắm một số sản phẩm như thiết bị chiếu sáng, thiết bị điện, điện tử...

Song, vẫn còn nhiều hạn chế, tồn tại

Nhiều nghiên cứu cho thấy, chi tiêu công của Chính phủ hiện vẫn chưa theo xu hướng mua sắm xanh, chưa có chính sách khuyến khích mua sắm các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường trong hoạt động chi tiêu công của Chính phủ.

Mua sắm công xanh tại Việt Nam hầu như chưa được chú trọng đến dù là ở khía cạnh tiêu dùng cuối cùng hay khía cạnh sản xuất hoặc khía cạnh hỗ trợ của khu vực công.

Thực hành Mua sắm xanh hiện tại mới được triển khai đối với các sản phẩm được dán nhãn tiết kiệm năng lượng.

Đối với vấn đề chi tiêu và mua sắm các thiết bị của doanh nghiệp, phần lớn vẫn chuộng các máy móc, dây chuyền sản xuất giá rẻ với công nghệ lạc hậu, tiêu tốn nhiều năng lượng, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái.

Mặt khác, một bộ phận dân cư, trước hết ở các đô thị vẫn còn nặng về tiêu dùng truyền thống, sử dụng nguyên liệu thô chưa qua chế biến, sử dụng nhiều hàng hóa chất lượng thấp, không có lợi cho việc tiết kiệm tài nguyên và phát triển bền vững.

Đặc biệt, thị trường của các sản phẩm thân thiện môi trường ở Việt Nam còn hạn chế.

Với thị trường trong nước, mức độ quan tâm của người tiêu dùng còn chưa cao do về cơ bản các sản phẩm thân thiện môi trường thường có khách hàng là những người có thu nhập và trí thức cao trong khi thu nhập bình quân của người Việt Nam còn ở mức thấp.

Ngoài ra, phân phối các sản phẩm thân thiện môi trường tập trung tại các trung tâm, thành phố lớn trong khi đa phần dân số Việt Nam lại tập trung ở khu vực nông thôn. Thông tin về các sản phẩm thân thiện môi trường nhiều khi chưa rõ ràng.

Nhận thức về mua sắm công xanh của các cơ quan Nhà nước và các doanh nghiệp vẫn còn hạn chế. Thêm vào đó, hiện cũng chưa có chính sách và quy định cụ thể nào về thúc đẩy mua sắm công xanh. Điều này khiến cho mua sắm công xanh gặp những rào cản từ phía đơn vị thực thi chính sách.

Các hình thức phân phối sản phẩm thân thiện môi trường ở Việt Nam còn hạn chế. Các sản phẩm thân thiện môi trường hiện mới chỉ dừng lại ở việc phân phối thông qua các kênh tiêu thụ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại.

Những giải pháp cần thực hiện

Nhằm khuyến khích và thúc đẩy việc áp dụng mua sắm công xanh ở Việt Nam, theo các chuyên gia, trong thời gian tới, cần xây dựng và ban hành khung chính sách, hướng dẫn toàn diện, hiệu quả về mua sắm xanh, trong đó ưu tiên thực hiện mua sắm xanh tại khu vực công.

Nâng cao nhận thức về mua sắm xanh, mua sắm công xanh, đặc biệt chú trọng đào tạo cho các cán bộ mua sắm trong các cơ quan nhà nước về mua sắm công xanh thông qua các lớp đào tạo, tập huấn về đấu thầu.

Đặc biệt, cần nâng cao năng lực và xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên trách nhằm thúc đẩy mua sắm xanh với các mục tiêu, chương trình cụ thể. Tăng cường năng lực cho cán bộ mua sắm về quy trình mua sắm xanh nhằm phát huy được hiệu quả chính sách.

Doanh nghiệp là chủ thể trung tâm trong thực hiện cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho các cơ quan Nhà nước và xuất khẩu. Do vậy, cần phải có những quy định về các yêu cầu và các tiêu chuẩn sản xuất xanh đối với các doanh nghiệp khi cung cấp hàng hóa công và thực hiện chuỗi cung ứng xanh.

Một số nhóm sản phẩm công xanh nên được ưu tiên áp dụng mua sắm tại các cơ quan nhà nước cụ thể: Các dịch vụ (xây dựng, du lịch...) đáp ứng các tiêu chuẩn kinh tế xanh như đảm bảo các tiêu chuẩn sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, thiết kế thích hợp điều kiện sinh thái, tính đến các tác động của biến đổi khí hậu; Các phương tiện giao thông cơ giới mua bằng kinh phí công phải đạt tiêu chuẩn khí thải, ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch (điện, khí hóa lỏng) và xe lai (hybrid); và các loại hàng hóa, sản phẩm được dán nhãn sinh thái, dán nhãn tiết kiệm năng lượng, hàng hóa có khả năng tái chế.

Ngoài ra, cần xây dựng một danh sách mua sắm xanh trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Danh sách có thể bao gồm hai phần: danh sách các sản phẩm có dán mác môi trường, giảm phát thải khí nhà kính; danh sách các sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu và tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với đó, cần hình thành hệ thống giám sát để bảo đảm những tác động tích cực đến xã hội và môi trường. Hệ thống giám sát và đánh giá này phải được xây dựng chương trình trong trung và dài hạn./.