Những khó khăn, vướng mắc

Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, công tác phân loại, thu gom và xử lý chất thải rắn đã đạt được những kết quả nhất định. Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt trung bình đạt khoảng 85% vào năm 2014 và tăng lên 85,3% trong năm 2015. Công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt phổ biến là chôn lấp, ủ phân hữu cơ và đốt.

Tại khu vực đô thị, tỷ lệ chất thải rắn hoạt được chôn lấp trực tiếp khoảng 34%, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được tái chế tại các cơ sở xử lý đạt khoảng 42% và lượng chất thải rắn còn lại là bã thải của quá trình xử lý được chôn lấp chiếm khoảng 24%.

Đối với chất thải rắn y tế, có khoảng hơn 90% bệnh viện thực hiện thu gom và phân loại chất thải tại nguồn, với tỷ lệ thu gom đạt trên 75% (năm 2015).

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phân loại, thu gom và xử lý CTR còn một số hạn chế, như: nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh, không có hệ thống thu gom, xử lý nước rỉ rác, khí thải nên gây ô nhiễm môi trường.

Hiện nay, ở tất cả các thành phố, thị xã đã thành lập các công ty môi trường đô thị có chức năng thu gom và quản lý rác thải. Thế nhưng, hiệu quả của công việc thu gom, quản lý rác thải còn kém, chỉ đạt từ 30-70% do khối lượng rác phát sinh hằng ngày rất lớn.

Tại Hà Nội, ngoài Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị (URENCO), còn nhiều đơn vị khác cùng tham gia thu gom rác, như: Công ty CP Thăng Long, Công ty CP Tây Đô, Công ty CP Xanh, Hợp tác xã Thành Công..., nhưng hầu như vẫn không thể thu gom hết vì lượng chất thải rắn tăng nhanh. Chính vì vậy, tỷ lệ thu gom chất thải sinh hoạt ở các quận nội thành chỉ đạt khoảng 95%, còn các tuyến ngoại thành mới khoảng 60%. Trừ lượng rác thải đã quản lý, số còn lại được đổ bừa bãi xuống các sông, hồ, ngòi, khu đất trống gây ô nhiễm môi trường nước và không khí.

Tại nhiều quận, huyện trên địa bàn Hà Nội, những hồ, đầm, ao chưa được xây dựng kè chắn, đường bao là địa điểm “lý tưởng” để các đối tượng đổ trộm rác, phế thải xây dựng. Trên địa bàn các quận Hà Đông, Nam Từ Liêm, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, nạn đổ trộm phế thải diễn ra đáng báo động. Trong 9 tháng năm 2016, lực lượng chức năng quận Hà Đông đã phát hiện, xử phạt gần 200 vụ vi phạm với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng...

Nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do hầu hết các đô thị đều chưa có quy hoạch khu tập trung chất thải rắn cũng như chưa có quy hoạch bãi chôn lấp chất thải.

Việc thiết kế và xử lý chất thải hiện tại ở các đô thị đã có bãi chon lấp, thì lại chưa phù hợp, đúng tiêu chuẩn mà thực chất chỉ là những nơi đổ rác không được chèn lót kỹ, không được che đậy. Do vậy, những nơi này đã và đang tạo ra sự ô nhiễm nặng nề tới môi trường đất, nước, không khí... ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng.

Tại khu vực nông thôn, việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phần lớn là do các hợp tác xã, tổ đội thu gom đảm nhiệm với chi phí thu gom thỏa thuận với người dân đồng thời có sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Mức thu và cách thu tùy thuộc vào từng địa phương, từ 10.000-20.000 đồng/hộ/tháng và do thành viên hợp tác xã, tổ đội thu gom trực tiếp đi thu. H

Tuy nhiên, trên thực tế tại khu vực nông thôn không thuận tiện về giao thông, dân cư không tập trung còn tồn tại hiện tượng người dân vứt bừa bãi chất thải ra sông suối hoặc đổ thải tại khu vực đất trống mà không có sự quản lý của chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, chưa có cơ sở xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp nào tận thu được nguồn năng lượng từ khí thải thu hồi từ bãi chôn lấp chất thải, gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Thực tế cho thấy, việc quản lý chất thải chưa phù hợp với xu thế tái sử dụng, tái chế trên thế giới. Hoạt động tái chế chất thải còn mang tính nhỏ lẻ, tự phát, chưa phát triển thành quy mô, thiếu sự quản lý và kiểm soát của các cơ quan hữu quan có thẩm quyền về bảo vệ môi trường ở địa phương. Phần lớn các cơ sở tái chế có quy mô nhỏ, mức độ đầu tư công nghệ không cao, đa số công nghệ đều lạc hậu, máy móc thiết bị cũ, gây ô nhiễm môi trường thứ cấp.

Đặc biệt, đầu tư tài chính cho quản lý chất thải chưa tương xứng. Cụ thể, đầu tư cho công tác quản lý chất thải còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Tại Việt Nam, các chính sách hỗ trợ phát triển hoạt động tái chế đã được quan tâm xây dựng từ lâu, đặc biệt gia tăng trong khoảng 10 năm trở lại đây. Tuy nhiên, khối lượng chất thải rắn được tái chế tại các đô thị của Việt Nam mới chỉ chiếm từ 8-12% tổng lượng chất thải rắn thu gom được, chủ yếu là hoạt động tái chế quy mô hộ thủ công tại các làng nghề mà tiêu biểu là làng nghề Minh Khai (Hải Dương), Phong Khê (Bắc Ninh) với quy trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Trong khi, ở các nước phát triển, chính quyền thường có chính sách khuyến khích người dân tự phân loại rác thải tại nguồn để giảm thiểu công phân loại khi đưa nguồn nguyên liệu này vào các nhà máy đốt rác phát điện.

Còn tại Việt Nam, 10 năm trước, chuyện phân loại rác đã được tính đến thông qua dự án phân loại rác tại nguồn do Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ, phối hợp với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) thực hiện thí điểm ở bốn phường nội thành Hà Nội là Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ. Tuy nhiên, dự án đã không thành công, nguyên nhân do cả phía người tổ chức còn lúng túng trong cách thực hiện còn người dân chưa tuân thủ chặt chẽ yêu cầu phân loại rác.

Sự thất bại của dự án không chỉ đem lại cho nhiều bài học kinh nghiệm về quy trình thực hiện, thiết kế, trang bị các công cụ thu gom và nơi tập kết cần khoa học, kín đáo nhằm giảm thiểu ô nhiễm mùi cho khu vực xung quanh và trên đường vận chuyển… mà còn cho thấy, việc phân loại rác nếu như không thực hiện một cách quyết liệt sẽ khó có thể thực hiện được.

Ngoài ra, việc giám sát phát thải trong công tác quản lý, giảm thiểu, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải chưa đạt yêu cầu.

Những giải pháp cần thực hiện

Để khắc phục những hạn chế trên, cần thực hiện kiện toàn hệ thống tổ chức phục vụ công tác bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2014.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh công tác xây dựng các văn bản hướng dẫn thực hiện Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24 tháng 4 năm 2015 về quản lý chất thải và phế liệu và các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia liên quan đến lĩnh vực quản lý chất thải.

Nghiên cứu xây dựng các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý, giảm thiểu và tái chế chất thải phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương.

Cần lưu ý tới giải pháp xây dựng cơ chế khuyến khích các thành phần kinh tế tư nhân tham gia đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, khai thác, vận hành dự án xử lý chất thải sau khi xây dựng xong đảm bảo tính hiệu quả, ổn định và bền vững của dự án xử lý chất thải.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu nội dung về quản lý chất thải quy định tại Luật. Tăng cường trao đổi, tham quan, học tập kinh nghiệm trong triển khai công tác quản lý chất thải, chú trọng đến tính khả thi, sự phù hợp khi triển khai áp dụng cùng mô hình xử lý chất thải giữa các địa phương. Nghiên cứu đưa nội dung giáo dục môi trường trong đó có quản lý chất thải vào chương trình chính khóa của các cấp học phổ thông. Nhất là, cần đào tạo và tăng cường nguồn nhân lực biên chế phục vụ cho công tác quản lý chất thải.

Một giải pháp cần lưu ý thực hiện đó làăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước về môi trường của các địa phương trong kiểm soát chặt chẽ các khu xử lý chất thải, bãi chôn lấp chất thải giáp ranh giữa các địa phương và việc vận chuyển chất thải liên tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải để phòng ngừa cũng như kịp thời phát hiện và xử lư các vi phạm./.