Sau thời gian dài phát triển bằng mọi giá, Việt Nam đang phải trả giá cho các hệ lụy của các vấn đề ô nhiễm môi trường của phát triển kinh tế không kiểm soát. Nguyên nhân chủ yếu do áp lực phát triển kinh tế và sự gia tăng dân số trong bối cảnh tài nguyên ngày càng khan hiếm.

Công cụ EMA được xây dựng đầu tiên tại Na Uy vào những năm 1970 và áp dụng ngày càng rộng rãi ở các nước phát triển. Trong đầu năm 1990, Ngân hàng Thế giới đã tiến hành đánh giá EMA nhằm cung cấp thông tin về tình hình áp dụng EMA trong các DN. Sau đó, EMA ngày càng được công nhận là công cụ kinh tế hữu ích và áp dụng ngày càng phổ biến tại các quốc gia phát triển và đang phát triển. Trong thập kỷ qua, khái niệm và các khía cạnh về kỹ thuật của EMA đã được xây dựng, hoàn thiện và áp dụng trong quá trình xây dựng chính sách phát triển của các DN.

Hiệp hội Kế toán thế giới (1998) đã đưa ra khái niệm: EMA là việc quản lý các hoạt động kinh tế và môi trường trong quá trình phát triển, thực hiện các quy trình, hệ thống hạch toán liên quan đến môi trường một cách phù hợp. EMA bao gồm các báo cáo và kiểm toán của công ty, như: Hạch toán chi phí vòng đời của sản phẩm, hạch toán chi phí đầy đủ, đánh giá lợi ích và lập kế hoạch chiến lược về quản lý môi trường.

EMA rất cần thiết với những quốc gia có tốc độ tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn tài nguyên sẵn có và những ngành công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm cao như nước ta. Bên cạnh đó, chiến lược phát triển của Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là phát triển kinh tế nhanh, bền vững, bảo vệ tốt môi trường và giải quyết hài hòa các vấn đề kinh tế, môi trường và xã hội. Nước ta đã ban hành các quy định mang tính pháp lý nhằm hạn chế sự khai thác quá mức nguồn tài nguyên thiên nhiên phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, phòng ngừa các hành vi vi phạm gây ô nhiễm môi trường.

Vì vậy, khi các DN Việt Nam thực hiện áp dụng EMA sẽ có một số thuận lợi và đạt được hiệu quả sinh thái trong quá trình sản xuất; Đánh giá đầy đủ các chi phí môi trường và tính vào giá thành sản phẩm giúp DN có kế hoạch điều chỉnh tiết kiệm nguyên, nhiên vật liệu và bảo vệ môi tường; Nâng cao lợi thế cạnh tranh dựa trên các chiến lược kế hoạch tăng doanh thu dựa vào việc quản lý tốt các vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất; Mở rộng sản xuất và nâng cao trách nhiệm sản phẩm; Hạch toán môi trường góp phần nâng cao hiệu quả của việc áp dụng sản xuất sạch hơn, phòng ngừa ô nhiễm và đạt các tiêu chuẩn ISO 14000; Nâng cao sự tín nhiệm của người tiêu dùng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nhờ giá cả cạnh tranh và các thông tin môi trường rõ ràng từ nhà cung ứng. Như vậy, việc áp dụng hiệu quả EMA giúp DN hướng tới phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Khi xây dựng nền kinh tế xanh có nghĩa là các yếu tố môi trường được lồng ghép như một tài khoản quốc gia để hạch toán toàn bộ nền kinh tế. Khi đó, tài khoản môi trường cung cấp dữ liệu phản ánh sự đóng góp của các nguồn tài nguyên thiên nhiên góp phần tạo ra lợi ích kinh tế và các chi phí do ô nhiễm hoặc suy thoái tài nguyên gây ra. Do đó, EMA cũng được xem công cụ hạch toán xanh và giúp cải thiện môi trường. Trên quan điểm EMA các yếu tố tài nguyên thiên nhiên được xem xét và hạch toán như tài khoản trong hệ thống tài khoản quốc gia (SNA). Thông thường các tài khoản quốc gia chỉ có phần hạch toán cho các chức năng tập trung vào giao dịch thị trường và các chỉ số phản ánh các yếu tố quan trọng trong việc tạo phúc lợi, song khi áp dụng EMA vào hệ thống hạch toán quản lý DN sẽ góp phần bóc tách các chi phí môi trường, đồng thời cho biết tỷ lệ đóng góp của các yếu tố tài nguyên thiên nhiên trong việc cấu thành tổng sản phẩm nội địa của một nước (GDP). Bên cạnh đó, trong bối cảnh thị trường cạnh tranh khốc liệt và áp lực về công tác BVMT từ các cơ quan quản lý ngày một nghiêm ngặt các DN để tồn tại và phát triển sẽ có xu hướng tiếp cận áp dụng EMA là cách quản lý chi phí - hiệu quả và giảm thiểu các tác động đến môi trường.

Trong bối cảnh hiện tại, Việt Nam xây dựng nền kinh tế xanh cần dựa vào việc tiết kiệm năng lượng, nước, nguyên liệu và sử dụng tổng hợp nguồn tài nguyên làm trọng điểm. Với ý nghĩa này, việc thực hiện hạch toán và lồng ghép yếu tố môi trường, các nguồn TNTN vào sự phát triển kinh tế và hệ thống tài khoản quốc gia cần phải tiến hành. Do đó, EMA trong DN sẽ cung cấp các thông tin môi trường từ các hoạt động kinh doanh là đầu vào phục vụ việc hạch toán và đánh giá tài khoản môi trường cấp quốc gia. Việc đánh giá này được thực hiện bằng việc tính toán và đánh giá chỉ tiêu SEEA của Việt Nam, chỉ tiêu này sẽ phản ánh được chất lượng xây dựng nền Kinh tế xanh của các quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tóm lại, việc thực hiện EMA trong các DN đã được áp dụng thành công ở nhiều nước trên thế giới và có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh tế theo hướng nền Kinh tế xanh. EMA trong các DN ở Việt Nam đã áp dụng, tuy nhiên chưa phổ biến rộng rãi và đa dạng trong các lĩnh vực kinh doanh. Việt Nam để đạt được mục tiêu hướng tới xây dựng nền Kinh tế xanh Đảng và Nhà nước ta cần có các chính sách khuyến khích, hỗ trợ DN tăng cường thực hiện EMA để tận dụng các cơ hội và tiết kiệm thời gian trong lộ trình thực hiện xây dựng nền Kinh tế xanh thành công.