Thúc đẩy kinh tế xanh, tăng trưởng xanh ở Việt Nam là một yêu cầu cấp thiết từ nội tại nền kinh tế

Thế nào là "kinh tế xanh"?

Xanh hóa sự phát triển được xác định là cách thức, phương thức để thực hiện phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Vì vậy, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh và Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu với tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ ban hành từ năm 2012, thể hiện hành động của Việt Nam coi phát triển bền vững là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt trong phát triển đất nước theo hướng hiện đại, hội nhập. Một trong những nhiệm vụ quan trọng hiện nay là xây dựng nền nông nghiệp và nông thôn mới trong định hướng kinh tế xanh đã được xác định.

Thuật ngữ “kinh tế xanh” chính thức được cộng đồng quốc tế sử dụng tại Hội nghị Thượng đỉnh của Liên Hợp quốc về phát triển bền vững (tháng 6-2012) tại Rio de Janeiro, Braxin (Rio +20). Trước đó, tính từ “xanh” đã được sử dụng khá nhiều, gắn với nhiều hoạt động phát triển hướng tới phát triển bền vững, như sản xuất xanh, tiêu dùng xanh, lối sống xanh, sản phẩm xanh... với hàm nghĩa chủ yếu là “thân thiện với môi trường”.

Có nhiều định nghĩa khác nhau về kinh tế xanh, trong đó định nghĩa của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP, 2011) trong cuốn sách Hướng tới nền kinh tế xanh - Lộ trình cho phát triển bền vững và xóa đói giảm nghèo được các học giả trích dẫn nhiều nhất ở Việt Nam: “Nền kinh tế xanh là nền kinh tế nâng cao đời sống của con người và cải thiện công bằng xã hội, đồng thời giảm thiểu đáng kể những rủi ro môi trường và những thiếu hụt sinh thái. Nói một cách đơn giản, nền kinh tế xanh có mức phát thải thấp, sử dụng hiệu quả tài nguyên và hướng tới công bằng xã hội”.

Dù tiếp cận theo hướng nào, các quan niệm đều thống nhất nhận định, nền kinh tế xanh bao gồm ba trụ cột: phát triển kinh tế (các vấn đề tăng trưởng kinh tế, việc làm); bền vững môi trường (giảm thiểu năng lượng cácbon và mức độ suy giảm nguồn tài nguyên thiên nhiên...); gắn kết xã hội (bảo đảm mục tiêu giảm nghèo, bình đẳng trước các cơ hội mà nền kinh tế xanh tạo ra, đem lại môi trường sống trong lành).

Chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế xanh

Chủ trương phát triển bền vững và tăng trưởng xanh đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, đề cập trong nhiều năm qua.

Đại hội XII của Đảng đã khẳng định lại chủ trương “phát triển nhanh và bền vững” và phát triển kinh tế xanh: “Bảo đảm phát triển nhanh, bền vững trên cơ sở ổn định kinh tế vĩ mô và không ngừng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu; phát triển kinh tế tri thức, kinh tế xanh. Phát triển kinh tế phải gắn kết chặt chẽ với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và giữ vững hòa bình, ổn định để xây dựng đất nước”.

Từ năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 153/2004/QĐ-TTg ngày 17/8/2004 về định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam (Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam). Đây là một chiến lược khung, bao gồm những định hướng lớn làm cơ sở pháp lý để các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và cá nhân có liên quan triển khai thực hiện, đồng thời thể hiện sự cam kết của Việt Nam với quốc tế. Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam chỉ rõ: Phát triển bền vững là nhu cầu cấp bách và xu thế tất yếu trong tiến trình phát triển của xã hội loài người, vì vậy đã được các quốc gia trên thế giới đồng thuận xây dựng thành Chương trình nghị sự cho từng thời kỳ phát triển của lịch sử và trên thực tế, nhiều nước đã xây dựng và thực hiện Chương trình nghị sự 21 về phát triển bền vững.

Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 cũng nêu rõ các nhiệm vụ cho giai đoạn này, trong đó có việc “Xây dựng và thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, đảm bảo phát triển nền kinh tế theo hướng cácbon thấp. Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Từng bước thị trường hóa giá năng lượng, nâng dần tỷ trọng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng ở Việt Nam. Xây dựng hệ thống hạch toán kinh tế môi trường và đưa thêm môi trường và các khía cạnh xã hội vào khuôn khổ hạch toán tài khoản quốc gia (SNA)”.

Và, nỗ lực hành động

Nhằm thực hiện chủ trương về phát triển bền vững, phát triển kinh tế xanh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 vphê duyệt “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011- 2020 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Đây là bản chiến lược đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam, phù hợp với điều kiện trong nước và bắt kịp với xu hướng chung trên thế giới. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nêu rõ: “tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu... Tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”.

Ngày 26/8/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư 21 Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020, trong đó có Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh. Mục tiêu của Chương trình là tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, bảo đảm an toàn tính mạng con người và tài sản. Tăng cường năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu của con người và các hệ thống tự nhiên; tăng trưởng xanh, tiến tới nền kinh tế cácbon thấp, làm giàu vốn tự nhiên trở thành xu hướng chủ đạo trong phát triển kinh tế bền vững. Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có và khuyến khích phát triển các ngành kinh tế sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao. Thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, tích cực thực hiện cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế bảo vệ khí hậu trái đất.

Chương trình cũng đặt ra mục tiêu cụ thể phấn đấu đến năm 2020 trồng mới và phục hồi 10.000 ha rừng ngập mặn ven biển, rừng phòng hộ đầu nguồn nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hấp thụ 2 triệu tấn khí CO2 mỗi năm và tạo sinh kế ổn định cho người dân. Đến năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính từ 8% đến 10% so với mức 2010; giảm tiêu hao năng lượng tính trên GDP từ 1% đến 1,5% mỗi năm; xây dựng Trung tâm nghiên cứu, đào tạo ứng dụng và chuyển giao công nghệ xây dựng xanh tại Việt Nam với quy mô 50 ha. Xây dựng kế hoạch hành động về tăng trưởng xanh cấp ngành, vùng và địa phương(8)...

Ngày 28/10/2016, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 2053/QĐ-TTg về Kế hoạch thực hiện thỏa thuận Pari về biến đổi khí hậu. Kế hoạch xác định 5 nhóm nhiệm vụ: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính; thích ứng với biến đổi khí hậu; chuẩn bị nguồn lực; thiết lập hệ thống công khai, minh bạch (MRV); xây dựng và hoàn thiện chính sách, thể chế. Riêng hai nhóm nhiệm vụ: giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và thích ứng với biến đổi khí hậu có 38 trên tổng số 68 nhiệm vụ, tập trung vào hướng sử dụng năng lượng sạch, tăng trưởng xanh, tái cơ cấu các ngành kinh tế, phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư(9).

Có thể khẳng định rằng, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã thấy rõ vai trò của phát triển bền vững, phát triển xanh và đã nỗ lực đề ra nhiều chương trình, kế hoạch để triển khai thực hiện.

Chính sách của Nhà nước Việt Nam về phát triển kinh tế xanh được xác định rõ trong các văn bản ban hành và đang được tổ chức thực hiện ở tất cả các cấp độ. Với Chiến lược và Kế hoạch hành động quốc gia về phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu, Việt Nam thể hiện quyết tâm và hành động trong phát triển kinh tế xanh gắn với phát triển bền vững đất nước./.