Ảnh minh họa

Việc làm xanh chưa được đưa vào văn bản luật

Nhận thức về mục tiêu phát triển nhanh, bền vững đã có từ khá sớm và được thể hiện trong nhiều chủ trương và nghị quyết của Đảng. Năm 2004, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành “Định hướng chiến lược phát triển bền vững ở Việt Nam” (Chương trình Nghị sự 21 của Việt Nam) nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững đất nước và thực hiện cam kết quốc tế.

Định hướng và mục tiêu xanh hóa nền kinh tế được thể hiện cụ thể bằng việc Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050 với 3 mục tiêu cụ thể:

(i) Tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa các ngành hiện có, khuyến khích phát triển các vùng kinh tế, sử dụng hiệu quả năng lượng và tài nguyên với giá trị gia tăng cao.

(ii) Nghiên cứu ứng dụng ngày càng rộng rãi công nghệ tiên tiến nhằm sử dụng hiệu quả hơn tài nguyên thiên nhiên, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu.

(iii) Nâng cao đời sống của nhân dân, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường thông qua tạo nhiều việc làm từ các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ xanh, đầu tư vào vốn tự nhiên, phát triển hạ tầng xanh

3 nhiệm vụ chiến lược là: (i) Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo (ii) Xanh hóa sản xuất (iii) Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Đây là chiến lược đầu tiên, toàn diện về lĩnh vực phát triển kinh tế xanh ở Việt Nam. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh nêu rõ “tăng trưởng xanh là một nội dung quan trọng của phát triển bền vững, đảm bảo phát triển kinh tế nhanh, hiệu quả, bền vững và góp phần quan trọng thực hiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu… tăng trưởng xanh dựa trên tăng cường đầu tư vào bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn tự nhiên, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế”.

Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về Tăng trưởng Xanh giai đoạn 2014-2020 tại Quyết định số 403/QĐ-Ttg ngày 20/3/2014 thể hiện quan điểm mục tiêu, chiến lược và cụ thể hóa các giải pháp làm cơ sở để các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện. Kế hoạch bao gồm 4 chủ đề chính là:

- Xây dựng thể chế và kế hoạch tăng trưởng xanh tại địa phương;

- Giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo;

- Thực hiện xanh hóa sản xuất;

- Thực hiện xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 bao gồm 47 hoạt động ưu tiên từ hoàn thiện khung thể chế, chính sách, đến nâng cao nhận thức và các hoạt động rà soát, điều chỉnh các quy hoạch phát triển ngành...

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng ban hành Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015 (Quyết định số 1183/QĐTtg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ). Mục tiêu chung của Chương trình là từng bước hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, tăng cường nhận thức và năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu, định hướng giảm phát thải khí nhà kính, xây dựng nền kinh tế các-bon thấp, tích cực cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

Tiếp đó, ngày 26/8/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 73/NQ-CP phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, trong đó có Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.

Cuối năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số: 2053/QĐTTg ngày 28/10/2016 về việc ban hành kế hoạch thực hiện thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.

Cùng với xây dựng khung khổ pháp lý, các tổ chức, bộ máy liên quan đến bảo vệ môi trường và xanh hóa sản xuất cũng được thành lập từ trung ương đến địa phương. Tuy nhiên, khung khổ pháp lý chưa đồng bộ: mặc dù Chính phủ đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh nhưng những vấn đề về biến đổi khí hậu, bảo vệ mội trường và xanh hóa nền kinh tế chưa được đề cập trong các Luật Giáo dục, Luật Dạy nghề và đặc biệt là trong 3 Chiến lược: Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020, Quy hoạch phát triển nhân lực thời kỳ 2011-2020 và Chiến lược phát triển giáo dục thời kỳ 2011-2020, Chiến lược phát triển dạy nghề thời kỳ 20112020. Đặc biệt, chưa có văn bản pháp lý nào đề cấp đến việc làm xanh.

Cần hiểu đúng và luật hóa khái niệm việc làm xanh

Từ chính sách, pháp luật đến thực tiễn đòi hỏi việc nhận biết sự cần thiết và hưởng ứng của đông đảo cộng đồng, đặc biệt với những vấn đề mới như tăng trưởng xanh, việc làm xanh. Do đó, nhận thức về việc làm xanh có ý nghĩa quan trong trong việc hiện thực hóa Chiến lược tăng trưởng xanh quốc gia cũng như thúc đẩy phát triển việc làm xanh trong thực tiễn.

Khái niệm tăng trưởng xanh mặc dù được nêu trong chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam, được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25 tháng 9 năm 2012 nhưng còn nhiều cách hiểu khác nhau.

Có quan niệm coi tăng trưởng xanh là sự đầu tư vào các ngành, lĩnh vực nhằm mang lại hiệu quả kinh tế, tiết kiệm trong sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, đầu tư phục hồi hệ sinh thái, sử dụng năng lượng tái tạo, xây dựng nền kinh tế cacbon thấp, giảm phát thải nhà kính nhằm giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Còn khái niệm việc làm xanh chưa được nêu ở bất kỳ một văn bản chính thức có tính pháp lý nào ở Việt Nam.

Một số người hiểu việc làm xanh mới ở bề nổi, đó là việc làm trong các ngành bảo vệ môi trường, mà không nói đến việc làm trong các hoạt động kinh tế khác hướng tới việc bảo tồn, gìn giữ và phát triển môi trường, tài nguyên thiên nhiên bền vững và giảm tiêu hao năng lượng.

Ngay ở hệ thống giáo dục nghề nghiệp và dạy nghề, có khá nhiều tiêu chuẩn kỹ năng nghề được xây dựng và thông qua nhưng rất ít trong số đó đề cập đến kỹ năng xanh hóa các ngành công nghiệp và bảo vệ môi trường.

Hầu hết trong các chương trình đào tạo, chỉ có một môn học liên quan đến môi trường là "An toàn và vệ sinh lao động" hoặc bảo vệ môi trường chỉ được coi là một nội dung bổ sung trong các hoạt động ngoại khóa. Ngay cả các trường đào tạo cho những ngành được coi rất có ý nghĩa với bảo vệ môi trương như quản lý nước, xây dựng, giao thông, năng lượng … cũng rất xem nhẹ các môn học liên quan đến việc làm xanh.

Để có thể thực hiện các giải pháp thúc đẩy việc làm xanh, theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, trước hết Việt Nam cần phải thống nhất và hiểu đúng các khái niệm về kinh tế xanh và việc làm xanh đáp ứng các yêu cầu theo chuẩn quốc tế và phù hợp với tình hình phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Các khái niệm cần được luật hóa trong các văn bản chính thức và được phổ biến rộng rãi trong xã hội và tới mọi người dân.

Thứ nhất, nhận thức về việc làm xanh và phát triển kỹ năng xanh cần được tuyên truyền sâu rộng cả ở các cấp độ vĩ mô (các cơ quan trung ương xây dựng chính sách, các cơ quan nghiên cứu và đào tạo…), cấp trung mô (doanh nghiệp, trường học, hộ gia đình…) và cấp vi mô (người sử dụng lao động, người lao động, người dạy, người học…). Theo đó, cần:

- Tổ chức tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam trong giai đoạn 2011-2020; trong đó nhấn mạnh tăng trưởng xanh là con đường duy nhất để hiện thực hóa mục tiêu này;

- Tổ chức tuyên truyền nhằm giới thiệu các việc làm xanh hoặc ngành nghề xanh trong thị trường khi thực hiện tăng trưởng xanh; các yêu cầu về kỹ năng đối với người lao động đáp ứng với yêu cầu của việc làm xanh; nâng cao nhận thức về việc làm xanh và ý nghĩa của việc làm xanh trong việc nâng cao thu nhập, bảo vệ sức khỏe người lao động, gìn giữ môi trường làm việc và môi trường sống của người lao động và người thân của họ;lưu giữ tài sản tài nguyên thiên nhiên cho thế hệ sau;…

- Giáo dục ý thức về việc gìn giữ vảo vệ môi trường bền vững, lối sống tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn nguyên liệu đầu vào trong sản xuất và tiêu dùng;

- Tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm hưởng ứng quá trình thực hiện tăng trưởng xanh và thúc đẩy việc làm xanh.

Thứ hai, tạo khung khổ pháp lý cho việc thúc đẩy phát triển việc làm xanh

- Hoàn thiện thể chế, nhất quán chính sách phát triển bền vững, nâng cao hiệu quả quản trị thị trường lao động và sử dụng các công cụ kinh tế thích hợp, tập trung vào:

- Rà soát quy hoạch tổng thểphát triển kinh tế- xã hội các vùng, các ngành, đặc biệt là những ngành tác động mạnh đến môi trường. Khuyến khích thúc đẩy sản xuất hàng hóa, dịch vụ môi trường và hoạt động tái chế, tái sử dụng. Phát triển kết cấu hạ tầng bền vững;

- Xây dựng các tiêu chuẩn môi trường và dựa vào đó có các chính sách khuyến khích đầu tư, công nghệ sản xuất và sản phẩm, quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất. Ưu tiên nhất cần tập trung cho các ngành công nghệ cao, công nghệ sạch, sử dụng công nghệ và thiết bị bảo vệ môi trường tiên tiến;

- Xây dựng chính sách, luật pháp quản lý tổng thể, sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn nước, đất và tài nguyên khoáng sản;

- Xây dựng các chính sách ưu đãi đối với sản xuất và khuyến khích tiêu dùng các sản phẩm sinh thái, ban hành tiêu chuẩn về các sản phẩm dán nhãn sinh thái;

- Lồng ghép các nội dung của tăng trưởng xanh, việc làm xanh vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách lao động- việc làm- dạy nghề- an sinh xã hội;

- Tăng cường năng lực quản lý nhà nước (năng lực bộ máy, tổ chức, công tác thanh tra, kiểm tra, xây dựng cơ sở dữ liệu và bộ chỉ tiêu giám sát đánh giá về việc làm xanh); sử dụng các thiết chế mền linh hoạt trong quản trị; ban hành và thực thi các chế tài đủ mạnh với các công cụ kích thích kinh tế hợp lý như tính đầy đủ chi phí xã hội và môi trường vào giá thánh sản phẩm, đánh thuế tài nguyên, thuế tiêu thụ nhiều năng lượng và phát sinh nhiều rác thải...

Chính phủ và các địa phương cần kết hợp để đặt các mục tiêu xanh hóa sản xuất và xanh hóa việc làm trong các chiến lược phát triển kinh tế của từng địa phương, ưu tiên thực hiện các mục tiêu xanh lồng ghép với các mục tiêu giảm nghèo bền vững, cải thiện môi trường sống tại địa phương.

Trong quá trình thực hiện tăng trưởng, cần có sự đánh giá hiệu quả của chính sách thường niên nhằm khuyến nghị các giải pháp kịp thời nhằm điều chỉnh các lỗ hổng trong chính sách tăng trưởng và tạo việc làm xanh./.