Sản xuất thông minh – Xu thế tất yếu

Thế giới đã trả qua 3 cuộc cách mạng lớn. Cuộc cách mạng thứ nhất khởi đầu bằng động lực hơi nước, cuộc cách mạnh lần thứ 2 đặc trưng bởi động cơ điện, cuộc cách mạng lần thứ 3 là cuộc cách mạng tự động hóa gắn với công nghệ thông tin và cuộc cách mạng thứ 3 này là tiền đề cho cuộc cách mạng lần thứ 4.

Theo nhận định và phân tích của các chuyên gia và các nhà kinh tế, cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất và tiêu dùng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ. Nền sản xuất “tự động” đặc trưng của cách mạng công nghiệp lần thứ 3 sẽ chuyển sang nền sản xuất “thông minh”. Sự ra đời của hàng loạt công nghệ số hóa như kết nối internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (Al) hay điện toán đám mây (Cloud computing)… của cách mạng công nghiệp 4.0 đã hình thành nên một nền sản xuất đặc biệt, đó là sản xuất thông minh (Smart manufacturing).

Sản xuất thông minh bao hàm việc ứng dụng công nghệ thông tin tới mọi khía cạnh của quy trình sản xuất hiện đại để nâng cao hiệu quả sản xuất, rút ngắn thời gian và bảo vệ môi trường. Trong sản xuất thông minh, mọi thứ được kết nối thông qua các thiết bị cảm biến. Bởi vậy, các sản phẩm, công đoạn sản xuất, máy móc, công cụ… được tổ chức và liên lạc với nhau để nâng cao sản lượng và hiệu quả của quá trình sản xuất trong một hay thậm chí nhiều nhà máy, nhiều công ty. Hiện sản xuất thông minh đang ngày càng được ứng dụng và mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp trên toàn cầu.

Các nhà máy thông minh với các công nghệ đột phá làm thay đổi phương thức làm việc truyền thống, tạo ra nhiều sản phẩm mới với chất lượng và hiệu quả khác biệt, vượt trội. Do đó, nguồn lao động giá rẻ đang mất dần lợi thế trong công nghiệp do tự động hóa, robot hóa, đòi hỏi phải có chính sách bảo đảm nguồn nhân lực phù hợp với bối cảnh mới. Đồng thời, các hoạt động tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên từng bước được thay thế bằng những nguồn vật liệu tổng hợp mới. Những tiến bộ lớn về công nghệ trong sản xuất năng lượng tái tạo đang nhanh chóng làm giảm giá thành, từ đó giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch.

Sản xuất thông minh ngày càng đóng vai trò quan trọng và là tất yếu trong quá trình chuyển đổi nền sản xuất với việc ứng dụng công nghệ số hóa vào hoạt động sản xuất, tạo nên một hệ thống sản xuất thông minh hơn, tự ra quyết định trong các điều kiện sản xuất phức tạp nhằm tăng chất lượng và năng suất, đồng thời tiết kiệm nhân công và năng lượng, bảo vệ môi trường, tăng tính cạnh tranh và hiệu quả của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ứng phó như thế nào?

Hiện nay ở Việt Nam, số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tỷ lệ đến hơn 90%. Trong đó, nhiều doanh nghiệp còn hạn chế dẫn đến việc ngại đổi mới thậm chí là ngại phát triển. Theo khảo sát của Bộ Công Thương thì có tới 61% doanh nghiệp Việt Nam còn đứng ngoài cuộc CMCN 4.0. Thế nhưng khi cuộc CMCN 4.0 đang khiến cả thế giới thay đổi, tôi cho rằng đây không đơn thuần chỉ là xu thế nữa mà nó là sự bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn tồn tại.

Với xu hướng tất yếu của việc ứng dụng sản xuất thông minh vào trong sản xuất, doanh nghiệp cần hiểu được tầm quan trọng của sản xuất thông minh và quyết tâm đầu tư, làm mới mình. Sau đó là tìm tòi, nghiên cứu các mô hình sản xuất thông minh phù hợp với doanh nghiệp của mình, chú trọng tích hợp công nghệ số hóa và nâng cao trình độ cho người lao động.

Tuy nhiên, để tiến đến sản xuất thông minh, doanh nghiệp phải áp dụng tốt các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, như: ISO, 5S, Kaizen… Đây là những hệ thống quản lý, công cụ đã được Tổng cục Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng cũng như các bộ, ngành hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các chương trình nhà nước, đặc biệt là Chương trình 712 về việc phê duyệt chương trình quốc gia nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự xây dựng kế hoạch để thúc đẩy sản xuất thông minh ở doanh nghiệp mình thông qua các nhóm chỉ số, cải thiện các nhóm chỉ số. Doanh nghiệp phải tự có kế hoạch bố trí nguồn lực (nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất hạ tầng) để thực hiện chuyển đổi sang sản xuất thông minh. Bởi thực tế cho thấy, nhà máy sản xuất thông minh thì không thể nào có những người chủ doanh nghiệp hoặc những người lao động không thông minh. Cái khác là cần trước hết phải bắt đầu từ người chủ doanh nghiệp thông minh, đào tạo đội ngũ lao động thông minh.

Ngoài ra, để tiếp cận với sản xuất thông minh, doanh nghiệp không được đơn độc, phải tham gia hiệp hội, phối hợp các hiệp hội cùng các bộ, ngành với các cơ quan nhà nước liên quan để đề xuất, cũng như tiếp cận với các quy chuẩn, tiêu chuẩn, các chính sách định hình một nền tảng, một môi trường vĩ mô phù hợp với yêu cầu cạnh tranh, với sản xuất thông minh và công nghiệp 4.0.