Việt Nam đang nỗ lực thực hiện tăng trưởng bao trùm để phát triển bền vững

Nhiều thành công

Các đối tác phát triển đánh giá, trong 30 năm qua, Việt Nam đã đạt được tiến bộ nhanh chóng về tăng trưởng kinh tế và phát triển con người.

Được bắt đầu từ năm 1986, công cuộc cải cách kinh tế và chính trị thời kỳ Đổi mới đã đưa Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành một nước có thu nhập trung bình thấp và là một trong những quốc gia mới nổi năng động nhất tại khu vực châu Á.

Tỷ lệ nghèo giảm từ 58% năm 1993 xuống còn 9,8% năm 20161 và tuổi thọ trung bình tăng từ 69,3 năm 1986 lên 76,4 năm 2017.

Cam kết mạnh mẽ của Chính phủ (Nghị quyết số 20NQ/TW, Chương trình Chăm sóc Sức khỏe Toàn dân (UHC) 2030; Nghị quyết số 15-NQ/TW, Các chính sách xã hội chủ chốt trong giai đoạn 2012 - 2020) cùng hỗ trợ văn hóa, xã hội lâu dài đối với nguồn vốn con người đã mang lại sự phát triển nhân lực mạnh mẽ trong những năm qua, giúp giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do các bệnh truyền nhiễm (HIV, lao và sốt rét), cũng như nâng cao tỷ lệ nhập học đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông (lần lượt là 98%, 89% và 68% vào năm 2019).

Giáo dục hướng nghiệp và dạy nghề (TVET) và giáo dục đại học ở Việt Nam cũng đã được cải thiện cả về quy mô và chất lượng trong những năm gần đây và đang hướng tới tăng cường tự chủ thể chế.

Kết quả là, Việt Nam xếp hạng 48 trên 157 quốc gia về chỉ số nguồn vốn con người (HCI) với số điểm 0,672.

Điều đó có nghĩa là nếu một trẻ được tiếp cận đầy đủ tới giáo dục và y tế, sau này sẽ đạt năng suất lao động tới 67%, cao thứ hai trong khu vực ASEAN sau Singapore (88%).

Song, vẫn còn nhiều thách thức, hạn chế

Dù đạt được nhiều thành tựu, vẫn còn nhiều thách thức trong lĩnh vực kinh tế xã hội - đặc biệt vẫn còn nhiều bất bình đẳng trong tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục giữa các nhóm dân số, gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, đô thị hóa, di cư, tình trạng dân số già hóa nhanh chóng và hệ thống bảo trợ xã hội còn yếu.

Theo đánh giá của PDG, xét theo Mục tiêu phát triển bền vững SDG 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8 10 và 16, nhiều người ở Việt Nam “bị bỏ lại phía sau”.

Đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch xã hội vẫn tiếp tục dai dẳng và có xu hướng gia tăng.

Nguyên nhân là do các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất bao gồm: nhóm dân tộc thiểu số, nhóm dân cư ở vùng xa và hay xảy ra thiên tai, trẻ em trong các gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, người di cư, người khuyết tật hay người có vấn đề sức khỏe mãn tính, người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) vẫn tụt lại phía sau liên quan tới tỷ lệ nhập học, tỷ lệ hoàn thành bậc học và kết quả học tập, tiếp cận các dịch vụ y tế chất lượng và giá cả phải chăng. Các vấn đề mang tính hệ thống là lý do ảnh hưởng tới việc phát triển không đồng đều.

Vẫn còn sự chênh lệch trong tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục chất lượng, ví dụ như sự chênh lệch về tỷ lệ tử vong mẹ (MMR) tại các khu vực dân tộc thiểu số bị thiệt thòi nhất.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu hạn chế về chất lượng, khả năng tiếp cận và khả năng chi trả của các dịch vụ y tế, đáng chú ý là do thiếu các ưu đãi cho việc cung cấp dịch vụ y tế ở cấp cơ sở, các quy định và quản trị hệ thống y tế yếu kém, gây tình trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất với 8,9% dân số trên 65 tuổi (2019), trong khi các dịch vụ y tế và xã hội không đủ để chăm sóc cho người cao tuổi một cách thích hợp”, PDG chỉ rõ.

Năng lực giảng dạy và quản lý giáo dục yếu kém và cứng nhắc cùng tỷ lệ tuyển dụng và triển khai không đầy đủ dẫn đến tình trạng thiếu giáo viên ở một số khu vực.

Hiện đang có sự không phù hợp giữa đầu ra của giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET), và giáo dục đại học với các yêu cầu của thị trường lao động. Nhiều sinh viên mới tốt nghiệp thiếu các kỹ năng làm việc cần thiết, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng số, kỹ năng giao tiếp tại nơi làm việc và kỹ năng ngoại ngữ.

Chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học (tỷ lệ chi so với GDP, tổng chi tiêu của Chính phủ, tổng chi tiêu cho giáo dục) nằm trong những mức thấp nhất trên thế giới, cùng với đó là thực tế nguồn thu ngành giáo dục phụ thuộc phần lớn vào các khoản học phí đóng bởi các hộ gia đình đặt giáo dục Việt Nam vào tình trạng tài chính không bền vững.

Mức chi tiêu xã hội thấp, đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ và chăm sóc xã hội. Điều kiện và tiêu chuẩn nhận trợ cấp xã hội chỉ được xác định hạn hẹp cho các đối tượng dễ bị tổn thương nhất trong những hộ nghèo, khiến nhiều người sống dưới mức thu nhập tối thiểu không được nhận trợ cấp mặc dù tỷ lệ phụ thuộc là đáng kể. Đồng thời, chi tiêu công cho trợ giúp xã hội vẫn còn thấp theo tiêu chuẩn quốc tế.

Hệ thống bảo hiểm xã hội phần lớn tập trung vào bảo hiểm cho người lao động trong khu vực chính thức và còn hạn chế đối với người lao động trong khu vực không chính thức. Sự phối hợp yếu kém giữa bảo hiểm xã hội và trợ giúp xã hội làm ảnh hưởng đến những nỗ lực về bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Bất bình đẳng xã hội, đặc biệt là bất lợi đối với các nhóm dân tộc thiểu số và các nhóm bị gạt ra ngoài lề, đang nổi lên và ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Luật pháp và chính sách của ngành, đặc biệt là trong lĩnh vực trao quyền kinh tế cho phụ nữ, giảm thiểu rủi ro thiên tai và biến đổi khí hậu vẫn chưa đề cập đến vấn đề giới.

Những giải pháp cần thực hiện

Đối với Việt Nam, để đảm bảo tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững, theo các đối tác phát triển của Việt Nam, cần đầu tư vào nguồn vốn con người thông qua giáo dục, y tế và bảo trợ xã hội là nhiệm vụ cơ bản và quyết định chính trị chiến lược.

Theo đó, cần tăng cường phân bổ ngân sách một cách bền vững cho nguồn vốn con người và lĩnh vực phát triển xã hội, đặc biệt là bằng cách chuyển chi bảo hiểm y tế sang chi cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có hiệu quả chi phí hơn thông qua cải cách hệ thống cung cấp dịch vụ và thanh toán.

Phát triển các hệ thống bền vững, công bằng nhằm cung cấp dịch vụ chăm sóc lâu dài (chăm sóc tại gia đình, đưa vào viện dưỡng lão), và các thiết kế và quy trình dịch vụ thân thiện với lứa tuổi nên được coi là các lĩnh vực ưu tiên hành động.

Tiếp tục thực hiện cải cách pháp lý và thể chế nhằm tăng cường quản trị trong lĩnh vực y tế, từ đó thúc đẩy hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế.

Bên cạnh đó, cần đảm bảo giáo dục hòa nhập có chất lượng và công bằng - bao gồm giáo dục giới tính toàn diện, đặc biệt là đối với các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất và xây dựng môi trường học tập an toàn, không bạo lực, hòa nhập và hiệu quả cho tất cả mọi người.

Đặc biệt, tăng cường những nỗ lực hiện tại trong việc thiết lập cấu trúc quản trị cho hệ thống phát triển kỹ năng, bao gồm giáo dục, đào tạo kỹ thuật và dạy nghề (TVET).

Cùng với đó, cần đầu tư bền vững vào hệ thống bảo trợ xã hội, phúc lợi và tư pháp có khả năng giúp phá vỡ vòng luẩn quẩn của nghèo đói và bị loại trừ, tăng cường lợi ích kinh tế và góp phần gắn kết xã hội. Theo đó, việc tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội đóng vai trò quan trọng không chỉ trong việc giúp sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn, mà còn giúp hệ thống dễ tiếp cận hơn với người dân.

Cần xem xét mối tương quan giữa khu vực lao động trả công và khu vực không trả công khi thiết kế và triển khai các chính sách kinh tế, trên cả cấp độ vĩ mô và cấp ngành”, các đối tác phát triển Việt Nam khuyến nghị.

Cùng với đó, cần thúc đẩy sự tham gia và lãnh đạo đầy đủ và bình đẳng của phụ nữ và các tổ chức phụ nữ trong quá trình đối thoại chính sách và ra quyết định liên quan đến hệ thống bảo trợ xã hội, dịch vụ công và cơ sở hạ tầng bền vững./.