Thông tin này được đưa ra trao đổi tại Hội nghị đối thoại chính sách về môi trường và phát triển bền vững tại khu vực phía Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp cùng Phòng Thương mại công nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 05/06/2017.

Công nghệ máy móc, thiết bị lạc hậu

Thông tin từ hội nghị cho thấy, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, thực trạng môi trường đang nảy sinh nhiều hệ lụy phức tạp, trong đó, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường đang có xu hướng gia tăng, ngày một gay gắt, đe dọa trực tiếp tới các thành quả về phát triển.

Khách mời tọa đàm đối thoại về Hoàn thiện hệ thống pháp luật môi trường và phát triển bền vững ở Việt Nam

Cụ thể, theo báo cáo, thì cả nước hiện có 67 khu công nghiệp, 532 cụm công nghiệp đang hoạt động chưa hoàn thành việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đáng chú ý, trong cả nước tồn tại hơn 5.000 làng nghề hầu hết còn sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đế sức khỏe của cộng đồng dân cư.

Hiện tại, Việt Nam còn tồn tại các cơ sở công nghiệp có nguy cơ ô nhiễm môi trường, sự cố môi trường cao. Trên phạm vi cả nước có 36 cơ sở sản xuất công nghiệp cần phải được giám sát đặc biệt; 132 dự án, cơ sở, khu sản xuất tập trung cần phải kiểm soát thường xuyên thuộc các loại hình sản xuất công nghiệp không thân thiện với môi trường.

Đáng chú ý các hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang gây tác động xấu đến môi trường, chủ yếu là ô nhiễm nước do thải đất đá, bụi phát sinh trong quá trình khai thác, vận chuyển.

Bên cạnh đó, việc phát triển hàng loạt các công trình thủy điện vừa và nhỏ mà không chú ý đến tác động tổng hợp về kinh tế - xã hội và môi trường đã dẫn đến nhiều tác động tiêu cực như sự xâm chiếm, phá hoại diện tích rừng tự nhiên lớn; thay đổi, thậm chí đảo ngược chế độ dòng chày, gây ảnh hưởng đến các hệ sinh thái ở hạ lưu.

Trước thực trạng đó, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Linh Ngọc cảnh báo, Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cao trở thành bãi thải công nghệ, máy móc, thiết bị lạc hậu do số lượng máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, dây chuyền sản xuất đã qua sử dụng được nhập khẩu rất lớn.

Phát triển kinh tế cần gắn với bảo vệ môi trường

Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Tân Thành, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhấn mạnh, môi trường là tài nguyên của con người. Bảo vệ môi trường là một trong 3 trụ cột của phát triển bền vững, bên cạnh phát triển kinh tế và phát triển xã hội.

Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, công tác bảo vệ môi trường đã không được chăm lo đúng mức khi chúng ta mải theo đuổi mục tiêu kinh tế mà coi nhẹ những tác động tiêu cực đến môi trường.

Do vậy, ông Thành nhấn mạnh, doanh nghiệp với vai trò là “tế bào” của nền kinh tế, cần tiến hành xanh hóa sản xuất thông quan sắp xếp lại cơ cấu, hạn chế phát triển các ngành kinh tế phát sinh chất thải lớn, gây ô nhiễm sinh thái môi trường, tăng cường ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng lợi thế năng lượng tái tạo góp phần bảo vệ môi trường. Khi thực hiện tốt điều này, các doanh nghiệp không chỉ làm tốt vai trò của mình mà còn khai phá được những cơ hội kinh doanh tiềm năng khác.

Thực tế, biến đổi khÍ hậu và những hiện tượng thời tiết cực đoan trong những năm gần đây là lời cảnh tỉnh mạnh mẽ nhất cho tất cả chúng ta, đạt ra yêu cầu phải thay đổi căn bản, mạnh mẽ về mô hình phát triển.

Theo PGS. TS. Nguyễn Thế Chinh, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường cho biết: Hiện nay, nước ta đang chuyển đổi từ mô hình tăng trưởng từ nền kinh tế truyền thống (nâu) sang nền kinh tế xanh và phát triển bền vững. Mặc dù, Việt Nam là nước đi sau, nhưng bước đầu đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Nếu muốn phát triển nhanh và bền vững thì kinh nghiệm cho thấy, buộc phải chuyển hướng theo kinh tế xanh, tăng trưởng xanh, gắn kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội. Để làm được điều này thì phải hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường. Chúng ta có thể nghiên cứu mô hình kinh tế hiện đại giống như Thụy Điển, Nhật Bản…

Trong tương lai, phát triển triển kinh tế phải gắn với bảo vệ môi trường

Để làm được điều này cần quan tâm đến nền kinh tế tuần hoàn. Nền kinh tế tuần hoàn sẽ phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường một cách hài hòa. Để bảo vệ môi trường, trong tương lai đừng coi chất thải, những thứ bỏ ra là cái vứt đi, mà đó là một lĩnh vực kinh doanh mới. Dựa theo nguyên lý “cân bằng vật chất tức”, tức là thu những thứ “gọi là rác” để làm nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp kiếm lợi nhuận trong đó.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tài, Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường bổ sung thêm, đúng là nếu chỉ lựa chọn mô hình tăng trưởng dựa vào khai thác tài nguyên, lấy ngành, lĩnh vực sản xuất công nghiệp tiềm ẩn nguy cơ cao gây ra ô nhiễm môi trường, dựa vào vốn đầu tư là chính sẽ đối mặt với thách thức lớn về môi trường.

Hiện tại, nước ta đang gặp 4 vấn đề lớn đang cần tìm lời giải. Thứ nhất là suy thoái tài nguyên, cạn kiệt tài nguyên, suy giảm nguồn vốn tự nhiên của đất nước, không bền vững trong khai thác sử dụng; Thứ hai, môi trường chất lượng đất, nước, không khí… những vấn đề quyết định đến sức khỏe và cuộc sống của chúng ta đang bị xuống cấp nghiêm trọng; Thứ ba, vấn đề đa dạng sinh học, hệ sinh thái rừng, hệ sinh thái tự nhiên suy giảm về diện tích, chất lượng, giống loài động, thực vật hoang dã suy giảm về cả loài và số lượng.

Tại hội nghị, nhiều nội dung quan trọng đã được tập trung trao đổi thẳng thắn, như: sửa đổi, hoàn thiện Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản pháp luật liên quan, nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, công nghệ xử lý môi trường và công nghệ thân thiện với môi trường, các vấn đề môi trường cấp bách đối với khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay như quản lý môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, những vấn đề thực tiễn đối với doanh nghiệp trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường nước, đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải, thanh tra, kiểm tra, giám sát về bảo vệ môi trường.

Qua đó, chỉ ra các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong mâu thuẫn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế. Cụ thể, như: Hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường; các yêu của pháp luật về bảo vệ môi trường đối với doanh nghiệp; Nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực sản xuất và tiêu dùng bền vững, công nghệ xử lý môi trường và công nghệ thân thiện với môi trường; Các vấn đề môi trường cấp bách đối với khu vực phía Nam trong giai đoạn hiện nay; Đánh giá tác động môi trường, quản lý chất thải nguy hại, vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải./.