Hội nghị về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thích ứng với biến đổi khí hậu do Thủ tướng Chính phủ chủ trì với quy mô lớn nhất từ trước đến nay đã khai mạc sáng 26/9 tại TP. Cần Thơ.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng chủ trì ngày làm việc thứ nhất của Hội nghị.

Ngày 26/9, đã diễn ra 2 phiên thảo luận chuyên đề về: "Định hình chiến lược phát triển bền vững" và "Huy động, điều phối nguồn lực cho phát triển ĐBSCL". Hội nghị diễn ra trong hai ngày 26-27/9/2017.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu khai mạc phiên thảo luận chuyên đề về “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”

Cần rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL

Phát biểu khai mạc phiên thảo luận chuyên đề về “Nông nghiệp bền vững, hạ tầng thuỷ lợi, phòng chống thiên tai và sạt lở”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, phát triển bền vững ĐBSCL, ứng phó hiệu quả, thích ứng lâu dài với biến đổi khí hậu cần cách tiếp cận bài bản, khoa học, vì người dân.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, cần bắt đầu từ việc đánh giá toàn diện, đầy đủ những tác động, từ đó xây dựng kịch bản ứng phó hiệu quả, thích nghi bền vững với BĐKH.

Dựa trên cơ sở các kịch bản này, sẽ xây dựng được quy hoạch phát triển tổng thể, từ đó kế hoạch hoá, chỉ rõ nguồn lực, định hình những giải pháp triển khai phù hợp với điều kiện cụ thể. Cuối cùng là khâu tổ chức thực hiện những kế hoạch phát triển đã đề ra một cách hiệu quả nhất.

Vùng ĐBSCL bao gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng). Hằng năm vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng GDP của cả nước với các mặt hàng chủ lực của vùng: Gạo, trái cây, thủy sản…

“Trước mắt phải có các giải pháp ứng phó hiệu quả với tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển; hạn chế nhiễm mặn, thiếu nước ngọt; bảo đảm an toàn đời sống cho người dân. Với những vấn đề không thể ứng phó ngay, sẽ cần các kịch bản thích ứng lâu dài, bền vững”, Phó Thủ tướng yêu cầu.

Dựa trên kịch bản ứng phó, thích ứng BĐKH, sẽ xây dựng quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL. Những quy hoạch này vừa là công cụ để phát triển, vừa là công cụ pháp lý trong quá trình chỉ đạo điều hành.

“Quy hoạch phải thể hiện được sự liên kết vùng chặt chẽ. Vừa phát triển từng địa phương, từng ngành, từng lĩnh vực, vừa phải có sự phân chia chức năng, nhiệm vụ, hợp tác phù hợp”, Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng lưu ý thêm, trong rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể phát triển ĐBSCL, cần gắn quy hoạch với tái cấu trúc các ngành, lĩnh vực, sản phẩm; gắn quy hoạch với việc ứng phó với BĐKH, nước biển dâng cũng như các thách thức của vùng ĐBSCL.

Từ quy hoạch tổng thể, các bộ, ngành, địa phương sẽ kế hoạch hoá, cân đối nguồn lực để triển khai kế hoạch thực hiện trong trước mắt, ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.

Kế hoạch hoá thực hiện quy hoạch tổng thể cần đặc biệt chú ý việc xác định, huy động các nguồn lực đầu tư (Nhà nước, tư nhân trong và ngoài nước…) đi đôi với nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Cùng với đó, xác định các dự án các nhóm nhiệm vụ, chương trình, đề án, dự án ưu tiên với nguồn lực, lộ trình thực hiện phù hợp trong tổng thể phát triển toàn vùng với sự tham gia của các bên bao gồm: Chính phủ, địa phương, các tổ chức trong và ngoài nước, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp trong vùng ĐBSCL và các khu vực lân cận.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng hoàn thiện những hạn chế về thể chế, phát triển nguồn nhân lực, các giải pháp huy động, tổng hợp nguồn lực, đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ, hợp tác quốc tế…

Quá trình tổ chức thực hiện cũng cần xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần khuyến khích mạnh mẽ tư nhân tham gia đầu tư các dự án công trình ứng phó biến đổi khí hậu

5 điểm cần hết sức lưu ý trong rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch

Tại phiên thảo luận thứ hai về nhu cầu, thách thức và điều phối nguồn lực phát triển bền vững ĐBSCL vào cuối giờ chiều nay, 26/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, cần khuyến khích mạnh mẽ tư nhân tham gia đầu tư các dự án công trình ứng phó biến đổi khí hậu (BĐKH) và các công trình “không hối tiếc” để chúng ta không phải hối tiếc khi đầu tư các công trình này và cũng để ngân sách Nhà nước không ở vào tình thế “đã đâm lao phải theo lao”.

Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km. Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.

Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).

Phó Thủ tướng tóm lược việc giải quyết các vấn đề bền vững và thịnh vượng cho ĐBSCL là việc giải bài toán liên kết liên ngành, liên vùng trên cơ sở một quy hoạch tổng thể có đầy đủ các yếu tố, lĩnh vực.

Phó Thủ tướng đồng tình với các nhà khoa học về việc rà soát lại quy hoạch tổng thể ngành và quy hoạch địa phương; đồng thời nêu 5 điểm cần hết sức lưu ý trong rà soát, bổ sung, điều chỉnh các quy hoạch.

Thứ nhất, Phó Thủ tướng đề nghị quy hoạch tổng thể ngành, địa phương phải đạt mục tiêu tiết kiệm, sử dụng hiệu quả cao nước ngọt và “chung sống” với nước mặn, nước lợ.

“Ta quản lý xâm nhập mặn, chứ không chống lại xâm nhập mặn, vì không cần thiết và không có khả năng chống lại”, Phó Thủ tướng nói.

Thứ hai, khi thực hiện các giải pháp công trình để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thì nảy sinh các yếu tố bất định. Do đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh trước khi làm một công trình thì phải tính toán lợi ích và các phí tổn của 3 mặt: Kinh tế, xã hội và môi trường.

“Không phải cứ danh mục công trình nào đưa vào danh mục đầu tư ‘không hối tiếc’ thì ta cứ răm rắp làm. Phải tiếp tục rà soát lại dựa trên 3 tiêu chí đánh giá tác động trên, nếu đáp ứng được thì mới làm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Thứ ba, Phó Thủ tướng cho rằng, nước là vấn đề lớn nhất của đồng bằng. Quy hoạch sử dụng nước ở vùng sẽ tác động tới kết quả sử dụng đất và tác động tới đa dạng sinh học.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói: “Có quy hoạch sử dụng nguồn nước và sử dụng đất rồi thì vẫn phải tiếp tục rà soát lại. Trong quy hoạch tích hợp và quy hoạch tổng thể thì cần quy hoạch nông nghiệp chất lượng cao, sử dụng ít nước. Rà soát lại quy hoạch xây dựng và không gian phù hợp, dành không gian cho con người với sông và biển”.

Thứ tư, về nguồn lực cho vùng, theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, không chỉ có nguồn lực tài chính mà còn có nguồn nhân lực và tài nguyên thiên nhiên của vùng. Trong bối cảnh thiên nhiên biến đổi thì vùng phải coi nước mặn, nước lợ cũng là một nguồn tài nguyên.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhìn nhận: “Các nguồn lực cho bền vững và thịnh vượng thì trước hết đến từ chính đồng bằng, bằng cách chuyển hoá thách thức thành thời cơ và bắt đầu từ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, chú trọng giá trị kinh tế thay cho chú trọng sản lượng, để từ đó có nguồn lực giải quyết các vấn đề khác”, đồng thời tin tưởng: “Nhân lực, nguồn lực tại chỗ và ta có thể hoàn toàn làm được”.

Thứ năm, về huy động các nguồn lực trong điều kiện đầu tư công hạn hẹp, Phó Thủ tướng đề nghị phải huy động tổng thể các nguồn lực. Riêng đối với đầu tư công thì Chính phủ đã nhất trí ưu tiên đầu tư cho các dự án “không hối tiếc” và các dự án giải pháp nền phi công trình cho giai đoạn 2021-2025. Còn trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ sẽ căn cơ dành thêm vốn đầu tư công cho vùng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng nhấn mạnh khuyến khích mạnh mẽ tư nhân tham gia đầu tư các dự án công trình ứng phó BĐKH và các công trình “không hối tiếc” để ta không hối tiếc vì đầu tư các công trình này và để ngân sách Nhà nước không ở vào tình thế “đã đâm lao phải theo lao”, theo Phó Thủ tướng, khối tư nhân và cộng đồng dân cư vốn là những chủ thể năng động sẽ là lực lượng chủ yếu để thích ứng và giảm thiểu các tác động của BĐKH tại vùng

Đối với phân bổ nguồn lực thì xây dựng cơ chế gắn chặt với quản trị kể cả cho vùng, tiểu vùng và phạm vi quốc gia, có cơ chế huy động và phân bổ nguồn lực của đầu tư công và đầu tư của tư nhân để làm các công trình hạ tầng trên nền đất yếu.