Vùng ĐBSCL bao gồm 1 thành phố trực thuộc Trung ương và 12 tỉnh; diện tích khoảng 3,9 triệu ha, chiếm khoảng 12,3% diện tích tự nhiên của cả nước, 19% dân số. Đây cũng là khu vực rộng và đông dân cư thứ 2 trong tất cả các vùng kinh tế của cả nước (chỉ sau Đồng bằng châu thổ sông Hồng). Hằng năm vùng ĐBSCL đóng góp khoảng 30% tổng sản lượng GDP của cả nước với các mặt hàng chủ lực của vùng: Gạo, trái cây, thủy sản…

Theo số liệu quan trắc khí tượng thủy văn ở ĐBSCL cập nhật đến năm 2014, các yếu tố khí hậu đã có những biến đổi khá rõ ràng và có sự tương đồng khá cao giữa các địa phương.

Xâm nhập mặn và hạn hán là hai biểu hiện nghiêm trọng nhất của tác động BĐKH tới ĐBSCL

Trong giai đoạn từ năm 1958 đến năm 2014, nhiệt độ trung bình năm đã tăng 0,5 độ C, nhiệt độ trong mùa khô tăng nhiều hơn so với mùa mưa. Lượng mưa năm tăng khoảng 5-20% ở đa số khu vực.

Qua theo dõi của cơ quan chức năng, khu vực ĐBSCL hiện có 550 điểm sạt lở với tổng chiều dài trên 775 km.

Thời gian qua, tốc độ xói lở bờ biển khu vực ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng. Từ năm 2005 đến nay, tốc độ xói đã vượt tốc độ bồi, làm diện tích khu vực đồng bằng giảm khoảng 300 ha/năm.

Nếu mực nước biển dâng 100 cm sẽ ảnh hưởng 38,9% diện tích đất của ĐBSCL, các tỉnh bị ảnh hưởng nhiều nhất là Hậu Giang (80,62%), Kiên Giang (76,9%).

Diễn biến mặn tại ĐBSCL khá phức tạp. Độ mặn lớn nhất thường xuất hiện chủ yếu vào tháng 4 hoặc tháng 5 do ảnh hưởng của thủy triều ở Biển Đông, vùng biển Tây hoặc cả hai.

Ngoài ra, lưu lượng dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong đổ về ít cũng là nhân tố chính ảnh hưởng đến tình hình xâm nhập mặn ở vùng cửa sông ven biển của ĐBSCL, trong đó thủy triều là nhân tố động lực, mang nước biển kèm theo độ mặn đi sâu vào nội đồng, trong khi lượng nước từ thượng lưu đổ về còn hạn chế. Bên cạnh đó, lượng mưa giảm, lượng nước bị bốc hơi cao cũng là những yếu tố ảnh hưởng đến quá trình xâm nhập mặn.
Ngoài những yếu tố tự nhiên thì yếu tố con người cũng góp phần không nhỏ gây ra xâm nhập mặn như khai thác và sử dụng nước ngầm quá mức để đáp ứng nhu cầu phát triển, sản xuất và đời sống ở địa phương, thay đổi mục đích sử dụng đất cũng có ảnh hưởng nhất định đến tình hình xâm nhập mặn.

Theo các số liệu của Bộ Khoa học và Công nghệ, cuối năm 2015 và những tháng đầu năm 2016, diễn biến xâm nhập mặn tại ĐBSCL được đánh giá nặng nề nhất trong 100 năm qua.

Ngay từ tháng 2/2016, độ mặn đã duy trì ở mức cao và nghiêm trọng. Trên sông Tiền và sông Hậu, độ mặn là trên 45‰, xâm nhập sâu tới 70 km tính từ cửa sông, thậm chí có nơi lên đến 85 km.

Theo Trung tâm Phòng tránh và Giảm nhẹ thiên tai thì độ mặn bằng 4‰ đã được coi là bị xâm nhập mặn. Cả 13 địa phương thuộc ĐBSCL đều đã bị nhiễm mặn và đã có 11 tỉnh, thành phố công bố tình trạng thiên tai hạn hán, xâm nhập mặn là: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Cần Thơ, Hậu Giang, Ninh Thuận.

GS.TS. Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học thuỷ lợi Việt Nam phân tích nguyên nhân mặn đầu mùa sớm, sâu chính là do từ năm 2010 đến nay, các đập thủy điện lớn của Trung Quốc đi vào vận hành.

Theo ông Tăng Đức Thắng, các đập thủy điện ở thượng nguồn tạo nên những diễn biến rất khó lường khiến tình trạng mặn giữa mùa có thể giảm vì thủy điện xả nước, nhưng đến mặn cuối mùa thì lại cực kỳ nghiêm trọng khi các nước thượng nguồn trữ nước và xâm nhập mặn có thể kéo đến tháng 6-7./.