Thủ tướng đã chỉ rõ điều đó tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng và các giải pháp thực hiện trong thời gian tới” vừa diễn ra sáng 14/10.

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị

“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được?”

Tại Hội nghị, báo cáo của Bộ Công an cho biết, 9 tháng đầu năm 2017, cả nước phát hiện gần 1.700 vụ phá rừng trái pháp luật, làm thiệt hại 910 ha rừng (giảm được 118 vụ phá rừng và 394 ha thiệt hại so với năm 2016).

Theo kết quả tổng điều tra, kiểm kê, công bố hiện trạng rừng toàn quốc năm 2016, tổng diện tích có rừng là 14,3 triệu ha.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng cho biết, tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, chống người thi hành công vụ vẫn xảy ra ở nhiều nơi, có lúc tạo nên những “điểm nóng”, gây bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân.

Cụ thể, tại một số nơi rừng tự nhiên còn trữ lượng gỗ cao như trên địa bàn các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, các đối tượng phạm tội thường tổ chức thuê người có trình độ hiểu biết thấp, đời sống kinh tế khó khăn lén lút vào rừng chặt hạ cây. Sau một khoảng thời gian dài, chúng thuê dân bản quanh rừng dùng sức người gùi vác, trâu, bò, xe thô sơ tổ chức thành đoàn 10-15 người vận chuyển gỗ theo các đường mòn đưa đến các điểm tập kết gỗ lậu hoặc các xưởng gỗ gần bìa rừng để tiêu thụ.

Việc phá rừng đang diễn ra ngày càng tinh vi, núp dưới nhiều vỏ bọc, như một số tổ chức lập hồ sơ dự án trồng rừng để vay vốn ngân hàng nhưng thực chất ngụy trang cho hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại cho Nhà nước hàng trăm tỉ đồng; lợi dụng việc được giao đất rừng đầu tư dự án nhưng không thực hiện xây dựng dự án mà có hành vi khai thác lâm sản trái phép.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng bày tỏ vui mừng, khi diện tích rừng cả nước tiếp tục tăng lên. Năm 2016 tăng 315.826 ha, độ che phủ rừng tăng 0,35% so với năm 2015. Giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản năm 2016 đạt 7,3 tỷ USD, xuất siêu 5,4 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu một số tồn tại như diện tích rừng khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm. Tình trạng phá rừng trái pháp luật chậm được ngăn chặn tại một số địa phương.

Còn một số địa phương vẫn cho chuyển mục đích sử dụng rừng với diện tích lớn nhưng không tuân thủ quy định của pháp luật. Thậm chí có công trình thủy điện phát triển chưa được cấp phép đã phá rừng, ảnh hưởng đến sinh thái.

Tình trạng này có nhiều nguyên nhân mà theo Thủ tướng, là do nhận thức, chủ rừng buông lỏng, năng lực quản lý Nhà nước, sự phối hợp giữa các cấp các ngành. Địa phương thiếu cương quyết trong xử lý.

“Cây gỗ chứ có phải cây kim đâu mà không phát hiện được, liệu có tiêu cực trong vấn đề này không?”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng

Để khắc phục hạn chế, Thủ tướng nhấn mạnh 3 chủ trương lớn cần thực hiện nghiêm trên toàn quốc.

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện nghiêm việc đóng cửa rừng, không khai thác gỗ rừng tự nhiên. Các bộ, ngành, các địa phương phải quán triệt, phổ biến, giải thích để các tổ chức, cá nhân được giao rừng tự nhiên hiểu rõ chủ trương dừng khai thác gỗ rừng tự nhiên, tạo hành động nhất quán các cấp, các ngành.

Thứ hai, kiểm soát chặt chẽ các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng theo đúng tinh thần Chỉ thị số 13-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Nghị quyết số 71/NQ-CP của Chính phủ. Tạm dừng chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên nghèo sang trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, xây dựng thủy điện nhỏ, kể cả các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa thực hiện.

Thứ ba, không cải tạo rừng khộp nghèo, nghèo kiệt khi chưa có đánh giá, khảo nghiệm khoa học. Không chuyển mục đích sử dụng rừng ven biển. Không chuyển rừng đặc dụng sang rừng phòng hộ, rừng sản xuất.

Thủ tướng chia sẻ qua chuyến khảo sát tại Hà Lan cũng như Đồng bằng sông Cửu Long gần đây thì biện pháp rừng ven biển vô cùng quan trọng trong việc giữ đất, giữ nước, chống sạt lở. “Chúng ta cần thiết phát triển du lịch nhưng việc chuyển mục đích phải được xem xét rất kỹ, được duyệt hết sức chặt chẽ, chứ không phải có dự án du lịch vào làm sân golf, chúng ta phá hết rừng trồng bao đời nay”, Thủ tướng nói.

Nhấn mạnh việc bảo vệ rừng chủ yếu là các địa phương, Thủ tướng yêu cầu các địa phương chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, rà soát các tụ điểm phá rừng. Điều tra, xử lý nghiêm các vụ vi phạm theo quy định của pháp luật. Công khai kết quả xử lý để toàn xã hội tham gia, giám sát.

Kiểm điểm, xử lý nghiêm chủ rừng, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng và người đứng đầu thiếu trách nhiệm, không phát hiện ngăn chặn kịp thời để tổ chức ngăn chặn hành vi phá rừng. Kiên quyết loại phần tử thoái hóa, biến chất ra khỏi cơ quan công quyền.

Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra tình trạng phá rừng, chuyển mục đích sử dụng rừng không đúng quy định, nhất là đối với một số địa phương đã có kết luận thanh tra, kiểm tra trong thời gian qua.

“Phân công, phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp cho chính quyền cơ sở, chứ không để tình trạng “cha chung không ai khóc””, Thủ tướng nhấn mạnh./.