Hướng đi cho tương lai

Định giá khí thải carbon là cơ chế mà các công ty trả một khoản tiền tương ứng với lượng carbon dioxide (CO2) mà họ thải ra môi trường trong quá trình hoạt động kinh doanh. Định giá phát thải carbon giúp ngăn chặn các hoạt động khai thác, sử dụng, tiêu dùng năng lượng quá mức bằng cách hạn chế và giảm thiểu khả năng sinh lời của các hoạt động đó.

Định giá khí thải carbon sẽ là hướng đi của tương lai

Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, định giá carbon có tác động làm giảm rõ rệt lượng khí nhà kính. Ngoài ra, nếu được áp dụng trong một giai đoạn dài, định giá carbon có thể tạo ra nguồn thu ngân sách đáng kể cho các quốc gia. Hầu hết các nước Đông Á có thể tăng thu ngân sách thêm 0,5-2% GDP vào năm 2020 nếu áp dụng mức thuế 20 USD/tấn CO2 . Nguồn thu ngân sách này đặc biệt cao hơn ở các nước đang phát triển do lượng phát thải so với GDP cao. Nếu Trung Quốc áp dụng thuế carbon ở mức 20 USD/tấn CO2 thì nước này có thể tạo ra nguồn thu lên tới 2,5% GDP vào năm 2020. Chính phủ các nước có thể sử dụng nguồn thu từ thuế carbon để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng năng lượng sạch, hoặc thực hiện các biện pháp thích nghi với biến đổi khí hậu.

Ông Bob Stout, Phó Giám đốc chi nhánh tại Mỹ của Tập đoàn năng lượng Anh BP, cho biết, trong bối cảnh thế giới đang ngày càng nhận thức sâu sắc về tác hại của biến đổi khí hậu, các nhà đầu tư cũng bắt đầu coi trọng khả năng thích ứng của các doanh nghiệp đối với những thay đổi về chính sách và xu hướng năng lượng trong tương lai. Biến đổi khí hậu và định giá khí thải carbon rõ ràng sẽ là hướng đi của tương lai mà các doanh nghiệp cần bắt đầu quan tâm từ bây giờ.

Trong khi đó, Microsoft cho rằng định giá khí thải carbon là xu thế tất yếu. Tập đoàn này cam kết thúc đẩy quan hệ hợp tác và đối tác với các nước để hỗ trợ các chính phủ hoàn thành các mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu.

Báo cáo công bố hôm 12/9 của Trung tâm Các giải pháp năng lượng và khí hậu (C2ES) ở Mỹ thì cho rằng, việc thực hiện định giá khí thải carbon còn có thể giúp các doanh nghiệp trở nên "hấp dẫn" hơn trong mắt các nhà đầu tư khi gửi đi hình ảnh về hoạt động kinh doanh có trách nhiệm và tính toán trong dài hạn.

Chính phủ và doanh nghiệp đã sẵn sàng

Trên thực tế, đà phát triển định giá carbon ngày càng mạnh lên. Trong năm 2016, có 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, trên 20 thành phố, tiểu bang và vùng, trong đó có 7 trong số 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thực hiện định giá carbon. Phạm vi điều chỉnh phát thải của các sáng kiến định giá carbon đã tăng 3 lần trong thập niên vừa qua và tương đương 7 tỷ tấn dioxide carbon (GtCO2e), tức là khoảng 13% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu. Ngoài ra, chính phủ các nước cũng thu được 26 tỷ USD từ các sáng kiến định giá carbon trong năm 2015, tăng 60% so với năm 2014.

Bên cạnh đó, trong vòng 2 năm trở lại đây đã có 2 sáng kiến định giá carbon mới được khởi động: British Columbia (áp giá lên phát thải từ các nhà máy khí hóa lỏng tự nhiên trong khuôn khổ thuế carbon) và Úc (thực hiện cơ chế phòng vệ đối với Quỹ giảm phát thải, theo đó nhà chức trách yêu cầu các đơn vị, tổ chức có mức phát thải vượt mức cho phép phải mua tín chỉ để bù trừ vào khoản vượt mức của họ). Tháng 4/2016, Hội đồng định giá carbon cao cấp của thế giới đã kêu gọi cộng đồng quốc tế nâng gấp đôi tỷ lệ lượng khí phát thải được điều chỉnh lên 25% vào năm 2020 và tiếp tục tăng gấp đôi mức đó lên 50% sau 1 thập niên nữa.

Còn theo báo cáo của C2ES, có hơn 700 doanh nghiệp toàn cầu đang đặt mục tiêu áp dụng định giá khí thải carbon trước năm 2018. Trong khi đó, có khoảng 500 công ty, trong đó bao gồm 80 doanh nghiệp Mỹ, đã và đang triển khai phương pháp này.

Theo bản kế hoạch do Hội đồng Lãnh đạo khí hậu (gồm các tập đoàn dầu lửa lớn của Mỹ cũng như các doanh nghiệp như Pepsico, General Motors và Johnson & Johnson) xây dựng, thuế carbon sẽ bắt đầu ở mức 40 USD/tấn CO2 và sau đó sẽ tăng dần lên. Số tiền thuế thu được sẽ được chuyển lại cho người dân Mỹ dưới dạng lợi tức, ví dụ ở mức thuế 40 USD/tấn CO2, trung bình một hộ gia đình 4 người sẽ nhận được 2.000 USD.

Bên cạnh đó, bằng việc trực tiếp trả tiền cho lượng khí thải carbon của mình, các doanh nghiệp cũng sẽ hạn chế được việc vướng vào các vấn đề pháp lý. Các chuyên gia cảnh báo muốn hạn chế mức nhiệt tăng ở 20C vào cuối thế kỷ thì trước năm 2020, thế giới phải đạt được các cột mốc quan trọng.

Cụ thể, hoàn thành mục tiêu năng lượng sạch cung cấp 30% lượng điện tiêu thụ toàn cầu và nghiêm cấm hoàn toàn việc thành lập thêm các nhà máy điện sử dụng than đá sau năm 2020. Nâng mức tiêu thụ xe điện từ 1% lượng xe bán ra tại thời điểm hiện tại lên 15% vào năm 2020. Các phương tiện giao thông trọng tải lớn phải cải thiện 20% khả năng tiêu thụ nhiên liệu hiệu quả trong khi ngành hàng không (hiện đang góp 2% vào tổng lượng khí thải toàn cầu) phải cắt giảm 20% lượng khí thải/1km dịch chuyển so với hiện tại. Lượng khí thải từ hoạt động phá rừng và canh tác nông nghiệp cũng phải giảm từ mức 12% hiện tại xuống 0% trong một thập niên.

Các tác giả cũng kêu gọi áp dụng các biện pháp cứng rắn để hạn chế mức xả thải carbon từ các ngành công nghiệp nặng cũng như các hoạt động xây dựng và hạ tầng. Các chính phủ cũng như các ngân hàng phải tăng mức hỗ trợ cho việc áp dụng các biện pháp cắt giảm khí thải lên gấp 10 lần so với mức 81 tỷ USD hiện tại.

Chung tay cùng thế giới, tại Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập một ban chỉ đạo có sự tham gia của lãnh đạo nhiều bộ ngành để thực hiện dự án “Chuẩn bị sẵn sàng cho xây dựng thị trường carbon tại Việt Nam”. Dự án này do Ngân hàng Thế giới tài trợ với mục tiêu xây dựng, thực hiện và phổ biến các chính sách, công cụ quản lý nhà nước đối với các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện quốc gia, đồng thời thí điểm xây dựng tín chỉ carbon và lộ trình tham gia thị trường carbon trong nước cũng như quốc tế.

Ngoài ra, để hạn chế phát thải carbon, chính sách thuế cũng đã có những thay đổi để ứng phó với biến đổi khí hậu bằng các giải pháp như: (i) Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng với mức thuế suất ưu đãi đối với các loại xe chạy bằng điện và năng lượng mặt trời và các loại xe sử dụng ga; (ii) Thuế bảo vệ môi trường có hiệu lực từ năm 2012; (iii) Các loại phí môi trường đối với khai thác khoáng sản được ban hành và có hiệu lực từ năm 2011…/.