Đảm bảo môi trường cần được quan tâm tập trung giải quyết sớm

Đại biểu Nguyễn Hữu Toàn - Lai Châu bày tỏ sự thống nhất với việc Chính phủ đề xuất chỉ tiêu tăng trưởng trong khoảng từ 6,5 - 6,7%.

“Tôi cho rằng đây là sự thận trọng cần thiết để không thiên lệch tăng trưởng về số lượng mà hướng tới mục tiêu cao hơn là cải thiện chất lượng tăng trưởng”, đại biểu Toàn đánh giá.

Việc xác định mức tăng trưởng trong khoảng 6,5-6,7% và lấy phương án tăng trưởng GDP là 6,5% làm cơ sở để xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 sẽ tạo điều kiện chủ động và an toàn hơn trong điều hành cân đối thu, chi ngân sách. Trường hợp tăng trưởng cao hơn sẽ tạo dư địa để sử dụng nguồn lực tăng thêm cho đầu tư phát triển, giảm bội chi để góp phần lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Mặc dù cơ bản nhất trí với báo cáo của Chính phủ về các chỉ tiêu năm 2018, song về chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường dự kiến 88%, tăng 1% so với năm 2017, đại biểu Toàn cho là thấp.

Qua theo dõi những năm gần đây cho thấy chỉ tiêu này mỗi năm chỉ tăng được 1%, nếu với tốc độ này đến năm 2030 mới đạt 100% khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Trong khi đó, những vấn đề về đảm bảo môi trường cần được quan tâm tập trung giải quyết sớm, nhận thức của chúng ta về môi trường rất rõ ràng là không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế.

Cũng có đồng quan điểm với đại biểu Toàn, đại biểu Bùi Văn Xuyền – Thái Bình rất băn khoăn về chỉ tiêu khu công nghiệp, khu chế xuất có hệ thống nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

“Quan điểm của tôi từ góc độ pháp luật tôi cũng cho rằng, nếu chúng ta đặt chỉ tiêu này là vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, bởi lẽ 12%, 13% khu chế xuất, khu công nghiệp đó nếu như không có hệ thống xử lý nước thải tập trung đảm bảo được kiểm định về môi trường là vi phạm luật môi trường. Như vậy, không phải là 90% mà nó phải là 100%”, vị đại biểu này phân tích.

Từ quan điểm đó, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, nếu như theo chiến lược của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 chúng ta phấn đấu đạt 95%, thì Chiến lược này cũng là vi phạm luật. Chiến lược phải sửa để cho phù hợp với luật.

“Tôi đề nghị Chính phủ nên xem xét lại chỉ tiêu này, bởi vì các khu công nghiệp có hệ thống nước thải tập trung được kiểm định thì dù có hay không có vẫn phải tuân thủ Luật Bảo vệ môi trường. Do đó, chỉ tiêu đặt ra không có ý nghĩa. Tôi đề nghị Chính phủ cân nhắc vấn đề này”, đại biểu Xuyền phát biểu.

Cần thiết phải xem lại tính xác thực của chỉ tiêu hệ thống nước thải tại KCN

Cũng đề cập đến chỉ tiêu môi trường của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Long An đánh giá trên hai góc độ.

Thứ nhất là tính xác thực của số liệu đánh giá chỉ tiêu môi trường. Theo Báo cáo số 458 của Chính phủ, thì chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường, năm 2016 đạt 86%, năm 2017 đạt 87%, năm 2018 kế hoạch là 88%. Như vậy, mỗi năm chỉ tiêu này đều tăng ở mức 1%.

Đại biểu Tuấn Anh cho biết, qua buổi thảo luận tại tổ vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn về chỉ tiêu này, đặc biệt là 2 lần kiến nghị liên tục trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, cụ thể là tại kỳ họp thứ 2, Báo cáo số 136 và tại kỳ họp thứ tư là Báo cáo số 716 đều có nêu đề nghị rà soát đảm bảo tính xác thực của chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường. Vậy, số liệu đánh giá chỉ tiêu này thế nào? Có đảm bảo độ tin cậy hay không?

“Qua nghiên cứu tài liệu và các báo cáo liên quan tôi cho rằng cần thiết phải xem lại tính xác thực của chỉ tiêu này”, vị đại biểu này đề nghị.

Bởi lẽ, tại phiên họp toàn thể Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Tài nguyên, Môi trường có Báo cáo số 4974 ngày 21/9/2017 về kết quả thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường năm 2017, trong đó có nêu: "hiện nay tỷ lệ khu công nghiệp trong cả nước có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn là 76%" và tại kỳ họp thứ tư này Bộ Tài nguyên, Môi trường có Báo cáo 111 gửi đến các vị đại biểu Quốc hội về kết quả thực hiện trả lời chất vấn,thì tính đến tháng 9/2017 cả nước có thêm 4 khu công nghiệp, nâng tổng số khu công nghiệp đang hoạt động đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 216/283 khu công nghiệp, đạt tỷ lệ 76% còn lại 67 khu công nghiệp chưa hoàn thành việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Tuấn Anh cho rằng, Chính phủ cần kiểm tra lại và báo cáo cụ thể với Quốc hội về thực trạng bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và số liệu đánh giá chính xác về chỉ tiêu này.

“Việc đưa ra số liệu khác nhau hoặc chưa xác thực, ở đây giữa các báo cáo là 10% thì sẽ dẫn tới sự chủ quan, đánh giá cao thành tích đạt được, không có giải pháp hữu hiệu để giải quyết đối với thực trạng vấn đề bảo vệ môi trường”, vị đại biểu đến từ Long An nhấn mạnh.

Thứ hai, thực thi pháp luật bảo vệ môi trường, mối quan hệ giữa chỉ tiêu môi trường hàng năm với chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia. Đại biểu Tuấn Anh giả thuyết, chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường năm 2017 là 87% như báo cáo của Thủ tướng Chính phủ, thì ngay cả khi chỉ tiêu này đạt 87% thì hiện nay cả nước vẫn còn tới 13% số khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

Điều này có nghĩa là trong thực tế những khu công nghiệp này đã và đang vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Bởi vì Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 quy định khu công nghiệp, khu chế xuất phải có hệ thống thu gom, xử lý rác thải tập trung, nhưng đến Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 thì quy định rất rõ tại điểm b khoản 3 Điều 66 là chủ đầu tư xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp phải đảm bảo đầu tư thu gom, xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường và có hệ thống quan trắc nước thải tự động.

Thủ tướng Chính phủ nhiều lần khẳng định là kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy kinh tế tại Chỉ thị số 25 ngày 31/8/2016 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường Thủ tướng cũng đã yêu cầu tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Nếu cứ đặt chỉ tiêu này tăng tuần tự 1% như những năm gần đây thì phải mất 13 năm nữa, tức là đến năm 2030 nước ta mới xử lý dứt điểm tình trạng này. Trong đó, Chiến lược Bảo vệ môi trường Quốc gia do chính Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1216 ngày 05/9/2012 thì đã xác định đến năm 2020 chỉ tiêu này phải đạt ít nhất là 95%. Như vậy, chỉ còn có 3 năm nữa làm thế nào để thực hiện được mục tiêu này?

Công khai tên khu công nghiệp, khu chế xuất vi phạm

Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, đại biểu Bùi Văn Xuyền cho rằng, các khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động, nhưng bản thân từng nhà máy, từng đơn vị sản xuất trong đó, nếu có xả thải ra môi trường thì buộc phải kiểm định theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Còn từng đơn vị sản xuất trong khu công nghiệp, khu chế xuất ấy đảm bảo được quy định của Luật Bảo vệ môi trường, thì họ vẫn hoạt động bình thường.

Trên cơ sở phân tích của mình, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị, cần rà soát kỹ lại số liệu kết quả thực hiện chỉ tiêu tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường.

“Đề nghị Chính phủ công khai tên khu công nghiệp, khu chế xuất vi phạm, báo cáo Quốc hội, cử tri, yêu cầu bắt buộc các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về pháp luật bảo vệ môi trường”, đại biểu này đề xuất.

Bên cạnh đó, đại biểu Tuấn Anh cũng đề nghị Chính phủ xây dựng giải pháp báo cáo Quốc hội xem xét tăng tốc độ hoàn thành chỉ tiêu môi trường này hàng năm ở mức cao hơn, để đến năm 2020 ít nhất đạt 95% như Chiến lược bảo vệ môi trường Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Ngoài ra, vị đại biểu này cũng đề nghị, Chính phủ nghiên cứu xây dựng một số chỉ tiêu về môi trường để có thể phản ánh đầy đủ, toàn diện hơn bức tranh về bảo vệ môi trường mà chúng ta đang phải giải quyết.

“Vì vậy, tôi đề nghị mỗi năm chỉ tiêu này cần nâng lên tăng từ 1,5 đến 2% để giải quyết sớm vấn đề ô nhiễm môi trường do xả thải không đạt chuẩn ra môi trường. Trường hợp khó khăn về nguồn lực, đề nghị Quốc hội bố trí tăng kinh phí ngân sách để thực hiện mục tiêu này”, vị đại biểu này đề xuất.

Giải trình thêm về chỉ tiêu môi trường trong Kế hoạch kinh tế - xã hội năm 2018, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Trần Hồng Hà cho biết, trên thực tế, hiện nay, có khoảng 20-30% các khu công nghiệp đã được thành lập, đã được quy hoạch, đã được xây dựng, nhưng trên thực tế chưa thu hút được, chưa lấp đầy được các doanh nghiệp đầu tư trong đó.

Trên thực tế những doanh nghiệp đã thu hút đầu tư thì có những doanh nghiệp không có nhu cầu xử lý chất thải.

Chính vì vậy, một thực tế là chỉ tiêu này đặt ra trên cơ sở đánh giá cụ thể đối với từng khu công nghiệp. Căn cứ vào việc là hiện nay đối với khu công nghiệp đã lấp đầy và tổng lượng nước thải như thế nào thì sẽ tính toán đến cân nhắc hiệu quả của đầu tư hệ thống tập trung.

“Tôi thống nhất ở chỗ là chỉ tiêu là tất cả các khu công nghiệp, trong đó các doanh nghiệp đã đầu tư thì phải tuân thủ đáp ứng quy chuẩn môi trường. Còn tỷ lệ các khu công nghiệp thì phải dựa trên tình hình thực tế các khu công nghiệp và loại hình công nghiệp để đặt ra các chỉ tiêu có cần hay không việc xử lý chất thải tập trung cho cả khu công nghiệp”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đưa ra quan điểm./.