Trên 54% lao động xuất khẩu sang Đài Loan

Từ năm 1992 đến nay, số lượng lao động xuất khẩu của Việt Nam sang các nền kinh tế Đài Loan có xu hướng tăng lên. Đặc biệt, lao động Việt Nam xuất khẩu vào Đài Loan tăng mạnh từ năm 2000, sau khi Việt Nam ký được thỏa thuận chính thức đưa lao động sang làm việc tại nước này năm 1999.

Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, năm 2016, lao động đi làm việc tại Đài Loan đạt 68.244 người, chiếm 58,35% số lao động đưa đi trong khu vực Đông Bắc Á và 54,03% tổng số lao động đưa đi các thị trường năm 2016. Bình quân thị trường này mỗi tháng tiếp nhận 5.687 người.

Như vậy, đến nay Đài Loan đã trở thành thị trường xuất khẩu lao động chủ lực của Việt Nam, bởi những nét gần gũi về địa lý, truyền thống văn hóa, chi phí không quá cao... Lao động Việt Nam sang thị trường này chủ yếu làm việc trong các lĩnh vực công nghiệp cơ khí, điện tử, dệt may, xây dựng, cầu đường, chế biến hải sản…

Năm 2016, lao động đi làm việc tại Đài Loan đạt 68.244 người

Thông qua hoạt động xuất khẩu lao động sang Đài Loan, ngân sách nhà nước thu được hàng trăm triệu USD từ phí bảo hiểm xã hội, thuế thu nhập cao, thuế doanh thu và thuế lợi tức của doanh nghiệp xuất khẩu lao động tính trên số tiền phí dịch vụ thu từ người lao động… Các khoản thu này cùng với khoản tiền tiết kiệm từ chi phí đầu tư tạo việc làm cho người lao động là nguồn vốn tích lũy lớn cho Nhà nước để đầu tư vào các hạng mục phát triển kinh tế - xã hội khác ở trong nước.

Đồng thời, xuất khẩu lao động sang thị trường Đài Loan đã và đang góp phần quan trọng vào công tác xóa đói giảm nghèo, giảm thất nghiệp và tăng thu nhập cho người lao động.

Đặc biệt, chất lượng lao động sau khi kết thúc hợp đồng xuất khẩu lao động về nước được nâng lên, góp phần hình thành đội ngũ lao động có chất lượng phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Song, chất lượng còn hạn chế

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam sang thị trường Đài Loan trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế, khó khăn trong toàn bộ quy trình xuất khẩu lao động từ tạo nguồn lao động xuất khẩu, đến quản lý lao động ở nước ngoài. Cụ thể:

Thứ nhất, chất lượng lao động Việt Nam xuất khẩu còn thấp, chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chủ sử dụng lao động. Đây là một điểm bất lợi trong cạnh tranh xuất khẩu lao động của Việt Nam, nhất là ở thị trường Đài Loan - nơi tập trung nhiều xuất khẩu lao động truyền thống trong khu vực. Mặc dù có lợi thế về tính cần cù, chịu khó, nắm bắt kỹ thuật nhanh, nhưng lao động Việt Nam vẫn còn nhiều điểm yếu, nhất là trình độ ngoại ngữ kém và chưa có tác phong lao động công nghiệp. Điều đó gây nên bất đồng trong quan hệ chủ - thợ, thiếu hiểu biết lẫn nhau, đồng thời làm giảm khả năng tự tin, tham gia vào các hoạt động của cộng đồng của người lao động, từ đó làm giảm hiệu quả lao động, tạo tâm lý e ngại đối với chủ sử dụng trong việc tuyển dụng lao động Việt Nam.

Thứ hai, ngoài vấn đề lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp tại các nước tiếp nhận lao động, hoạt động xuất khẩu lao động sang Đài Loan trong thời gian qua vẫn có những rủi ro, phát sinh các tiêu cực, như: hoạt động lừa đảo người lao động đi xuất khẩu lao động, lao động phải về nước sớm, lao động bị lạm dụng, bị phân biệt đối xử… Tình trạng này không chỉ gây tổn thất về kinh tế cho người lao động và các doanh nghiệp tham gia, mà còn làm mất niềm tin, gây tâm lý e ngại đối với người lao động về xuất khẩu lao động.

Những hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cả chủ quan và khách quan, như sau:

(i) Sự gắn kết giữa kế hoạch xuất khẩu lao động sang thị trường Đài Loan với các kế hoạch, chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa chặt chẽ, thiếu tính tổng thể.

(ii) Nhận thức của người lao động xuất khẩu còn hạn chế. Lao động xuất khẩu của Việt Nam phần lớn xuất thân từ nông thôn nên còn kém nhận thức về hoạt động xuất khẩu lao động. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, phải về nước sớm...

(iii) Công tác giáo dục hướng nghiệp và đào tạo tay nghề cho lao động đi xuất khẩu lao động còn nhiều bất cập. Nhìn tổng thể, hoạt động đào tạo nghề ở Việt Nam còn yếu, lạc hậu, có rất ít cơ sở đào tạo đáp ứng được yêu cầu về trang thiết bị giảng dạy và cơ sở thực hành để nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, đặc biệt là lao động kỹ thuật chuyên ngành, lao động làm việc trong các ngành công nghệ mũi nhọn ở các nước nhập khẩu lao động. Mặt khác, Việt Nam cũng thiếu các trường đào tạo chuyên nghiệp lao động xuất khẩu để tạo nguồn cho hoạt động xuất khẩu lao động sang Đài Loan.

Phát huy thị trường tiềm năng

Đài Loan là thị trường lao động rất lớn, luôn đứng hàng đầu trong thị trường lao động Việt Nam. Đây vẫn đang là thị trường tiềm năng và sắp tới sẽ còn có nhiều lao động Việt Nam sang đây. Vì thế, để thúc đẩy xuất khẩu lao động sang thị trường Đài Loan, mang lại hiệu quả cao trong phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống của người dân, thời gian tới cần chú ý một vài giải pháp sau:

Một là, Chính phủ cần chú trọng đổi mới và hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách về xuất khẩu lao động cho phù hợp với diễn biến của tình hình thực tế. Coi trọng công tác quản lý, hỗ trợ lao động, đặc biệt là việc bảo vệ quyền lợi của lao động xuất khẩu ở nước ngoài. Các thông tin liên quan đến hoạt động xuất khẩu lao động phải được công bố công khai, đầy đủ, rõ ràng cho người lao động, nhất là các cơ hội làm việc ở nước ngoài và các thủ tục, điều kiện tham gia.

Bên cạnh đó, để đảm bảo quyền lợi của người lao động, cần phải có sự giúp sức của các cơ quan quản lý, các hội, nhóm người Việt tại Đài Loan và nhất là sự chủ động của những người lao động trong việc tìm hiểu pháp luật và chuẩn bị tâm lý để lao động trong một môi trường mới. Có như thế, người lao động Việt Nam tại Đài Loai mới có thể bảo vệ được mình và đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Hai là, hỗ trợ, tạo dựng các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có đủ tiềm lực về tài chính, nhân lực, về khả năng nghiên cứu phát triển và mở rộng thị trường, quản lý lao động xuất khẩu. Phát triển các doanh nghiệp xuất khẩu lao động theo hướng chuyên nghiệp để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường Đài Loan nói riêng và quốc tế nói chung.

Ba là, nâng cao chất lượng lao động xuất khẩu, đảm bảo có khả năng đáp ứng các yêu cầu công việc của người sử dụng tại thị trường Đài Loan. Tuyên truyền để người lao động nắm được bản chất của hoạt động xuất khẩu lao động, vai trò và tầm quan trọng của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đối với bản thân người lao động; nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của người lao động xuất khẩu đối với cộng đồng, đất nước khi tham gia hoạt động này./.