Theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết, thực hiện thỏa thuận hợp tác lao động từ năm 2000 đến nay, số lao động Việt Nam hiện đang làm việc tại Ả-rập Xê-út là gần 20.000 người. Trong đó, có 7.000 lao động làm giúp việc gia đình, chiếm tỷ lệ 0,14% tổng số lao động giúp việc gia đình nước ngoài tại Ả-rập Xê-út.

Nhìn chung các điều kiện về công việc, điều kiện làm việc, tiền lương, thu nhập của người lao động được bảo đảm theo quy định của 2 nước. Phần lớn người lao động có việc làm, thu nhập bảo đảm, tuy nhiên có một số ít trường hợp người lao động do thủ tục đi làm việc tại Ả-rập Xê-út tương đối dễ dàng, người lao động không mất chi phí, thậm chí được hỗ trợ một khoản tiền trước khi đi nên nhiều người có tâm lý đi cho biết, nên khi sang Ả-rập Xê-út làm việc dễ này sinh tranh chấp lao động và phải về nước trước thời hạn.

Cũng theo thông tin từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, nhận lời mời của Lãnh đạo Bộ Lao động và Phát triển Xã hội của Vương quốc Ả-rập Xê-út, Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp dẫn đầu) đã có chuyến thăm và làm việc tại Vương quốc Ả-rập Xê-út vào cuối tháng 11 vừa qua.

Đoàn công tác của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tham dự kỳ họp lần thứ hai Tiểu ban hợp tác lao động Việt Nam - Ả-rập Xê-út. Tại kỳ họp, hai bên đã nhất trí việc thông qua và áp dụng Hợp đồng lao động mẫu bằng 3 ngôn ngữ là tiếng Việt, tiếng Ả-rập và tiếng Anh, quy định cụ thể các quyền lợi và nghĩa vụ của người lao động Việt Nam và chủ sử dụng Ả-rập Xê-út cũng như trách nhiệm của mỗi bên trong các trường hợp chấm dứt hợp đồng.

Hai bên thống nhất thiết lập kênh trao đổi trực tiếp để kịp thời tiếp nhận thông tin và chỉ đạo xử lý các vụ tranh chấp lao động phức tạp giữa người lao động Việt Nam và chủ sử dụng Ả-rập Xê-út, đặc biệt là lao động làm giúp việc gia đình.

Việt Nam và Ả-rập Xê–út: Thiết lập “đường dây nóng” để xử lý tranh chấp lao động

Bên cạnh đó, hai bên nhất trí tiếp tục chỉ đạo, giám sát các doanh nghiệp Việt Nam và công ty môi giới Ả-rập Xê-út nâng cao chất lượng lao động, tăng cường công tác tuyển chọn, bồi dưỡng kiến thức cần thiết trước khi xuất cảnh, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động trong thời gian làm việc tại Ả-rập Xê-út và có biện pháp giảm chi phí tuyển dụng xuống mức phù hợp.

Cũng tại cuộc họp, phía Ả-rập Xê-út thông báo về một số chính sách và sáng kiến mới nhằm hỗ trợ lao động nước ngoài, bao gồm việc trả lương qua tài khoản ngân hàng cho lao động giúp việc gia đình nhằm hạn chế tình trạng chậm, nợ lương từ chủ sử dụng; thiết lập đường dây nóng gồm nhiều thứ tiếng tiếp nhận thông tin khiếu nại, phản ánh của người lao động; phát sim điện thoại miễn phí cho người lao động tại sân bay khi nhập cảnh, trong sim lưu sẵn các số điện thoại hỗ trợ của cơ quan chức năng Ả-rập Xê-út và Cơ quan đại diện ngoại giao của nước mà người lao động mang quốc tịch để liên lạc khi cần trợ giúp.

Trong khuôn khổ chuyến đi, Đoàn công tác đã đến thăm và làm việc với Trung tâm Khadimat thành phố Ri-át. Trung tâm Khadimat là cơ quan do Chính phủ Ả-rập Xê-út thành lập tại các thành phố để tiếp nhận, giải quyết các vụ tranh chấp, khiếu nại giữa lao động giúp việc gia đình với chủ sử dụng.

Trong thời gian chờ giải quyết vụ việc, người lao động được cung cấp chỗ ăn, ở miễn phí rộng rãi (2 người một phòng), sạch sẽ và đảm bảo vệ sinh, có khu vui chơi giải trí và phòng thư viện, được liên lạc với gia đình và Cơ quan đại diện ngoại giao. Trung tâm Khadimat của thành phố Ri-át hiện tiếp nhận và giải quyết khiếu nại cho 400 lao động nữ giúp việc gia đình, trong đó có 28 lao động nữ Việt Nam.

Ngoài ra, đoàn đã thăm nơi ăn, ở và thăm hỏi, tặng quà các nữ lao động và động viên chị em tiếp tục phối hợp với cơ quan chức năng nước sở tại để giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tranh chấp, sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp bày tỏ cảm ơn và đề nghị Trung tâm tiếp tục quan tâm, hỗ trợ lao động nữ giúp việc gia đình Việt Nam khi gặp rủi ro trong công việc, giải quyết nhanh chóng các khiếu nại, tranh chấp hợp đồng của người lao động với chủ sử dụng nhằm đảm bảo các quyền lợi hợp pháp cho người lao động và sớm làm thủ tục để người lao động được về nước.

Cũng trong chuyến công tác này, đoàn công tác đã thăm, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Ả-rập Xê-út, gặp gỡ với đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tham gia đưa lao động đi làm việc tại Ả-rập Xê-út trao đổi về các biện pháp đảm bảo quyền lợi của người lao động và tăng cường công tác quản lý tại địa bàn./.