Tiền mất, tật mang

“Mức lương cao, không yêu cầu chuyên môn, đóng tiền là có thể đi luôn...” - những quảng cáo như thế đã đánh trúng tâm lý của nhiều người với mong muốn đi xuất khẩu lao động để đổi đời và có một cuộc sống ấm no hơn. Nhưng đổi đời chưa thấy đâu, nhiều người lao động đã bị trúng bẫy của những kẻ lừa đảo.

Chỉ cần vào công cụ tìm kiếm trên mạng internet có thể thấy rất nhiều thông tin tuyển dụng xuất khẩu lao động quảng cáo việc đưa người đi xuất khẩu lao động, nhưng những thông tin này rất khó để phân biệt thật - giả.

Thậm chí, một số trang mạng xã hội thì tuyển dụng với các ngành nghề massage, phụ bếp, làm bánh mì và bán hàng, đồ lưu niệm... có nội dung khá hấp dẫn như: bảo đảm đi sau khi hoàn thiện mọi thủ tục, tức xuất cảnh trong vòng 10-15 ngày. Nếu ứng viên ở Hà Nội sẽ được miễn phí khám sức khỏe, tiền xe đưa ra sân bay, lương cơ bản cao...

Thực tế, rất nhiều người lao động do tự ti về khả năng ngoại ngữ và đã từng phỏng vấn xin visa trượt, nên khi đọc được những dòng quảng cáo có cánh về việc xuất cảnh nhanh, công việc ổn định, lương cao, không đòi hỏi trình độ chuyên môn, ngoại ngữ... đã tin tưởng và nhanh chóng nộp tiền đặt cọc cho doanh nghiệp quảng cáo, thế nhưng tiền đặt cọc trao xong thì doanh nghiệp cũng biến mất.

Trong thời gian từ ngày 6/3-27/12/2017, cơ quan điều tra đã tiếp nhận đơn của một số người dân tố cáo Giáp Văn Hạnh có hành vi lừa đảo xuất khẩu lao động, chiếm đoạt tiền với số lượng lớn. Theo đơn tố cáo bà N.T. H. (trú ở xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nghe Giáp Văn Hạnh tự nhận có khả năng đưa người đi du nghiệp (dạng vừa học vừa làm) tại Australia, lại thấy Hạnh có công ty cho nên bà H. tin tưởng, đại diện sáu người lao động chuyển hồ sơ và số tiền 88.000 USD cho Hạnh. Tuy nhiên, đến nay, Hạnh chưa thực hiện được việc đưa người đi làm việc tại Australia như đã hứa hẹn và mới chỉ trả lại 40.000 USD, số tiền còn lại Hạnh chiếm đoạt.

Còn tại địa bàn Hà Nội, đầu tháng 1/2018, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ đã thi hành lệnh bắt, tạm giam đối với Giáp Văn Hạnh, là Giám đốc Công ty cổ phần Xuất, nhập khẩu tổng hợp và Phát triển trang trại Việt Nam, để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Ngày 5/4/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận Ô Môn (TP. Cần Thơ) bắt giữ đối tượng Nguyễn Thanh Hải để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Trước đó, Công an quận Ô Môn nhận tin báo của người dân trên địa bàn về việc xuất hiện đối tượng tên Hải, giới thiệu có quan hệ rộng và có khả năng làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động với mức thu nhập từ 1.000 đến 2.000 USD/tháng.

Tin lời đối tượng này, nhiều nạn nhân đã “sập bẫy”, mất tiền mà không thể sang Hàn Quốc lao động như quảng cáo. Tại cơ quan điều tra, Hải khai nhận, do không có tiền tiêu xài, lợi dụng lòng tin của nhiều người, Nguyễn Thanh Hải giới thiệu mình quen biết rộng và có khả năng làm thủ tục xuất cảnh sang Hàn Quốc lao động với mức thu nhập cao. Chi phí sang Hàn Quốc làm việc là 70 triệu đồng/trường hợp và Hải nhận trước 35 triệu đồng. Vào khoảng giữa năm 2015 đến năm 2016, với thủ đoạn nêu trên, Hải đã lừa 33 người ở khắp các tỉnh, thành phố khu vực Tây Nam Bộ như Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang... Tổng số tiền Hải chiếm đoạt gần 700 triệu đồng.

Trên đây chỉ là một vài trường hợp trong số hàng trăm vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động đã được cơ quan chức năng phanh phui trong thời gian qua.

Nhiều người bị các công ty xuất khẩu lao động lừa đảo hàng trăm triệu đồng. Ảnh: Lê Trai

Lao động cần cảnh giác

Xuất khẩu lao động là lựa chọn sáng suốt cho người lao động. Nhưng cũng đầy rủi ro nếu họ không tìm hiểu kĩ thông tin và nâng cao nhận thức của mình, và cuối cùng dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Trong bối cảnh đó, việc phòng chống lừa đảo xuất khẩu lao động không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn của mỗi người dân. Chỉ cần tỉnh táo kiểm tra kĩ các thông tin, người lao động hoàn toàn có thể chọn một công ty xuất khẩu lao động phù hợp cho mình.

Theo khuyến cáo của Cục Quản lý lao động ngoài nước, người lao động cần chú ý, chỉ các doanh nghiệp được cấp phép và có hợp đồng cung ứng lao động, đã được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận, thì mới được phép tuyển chọn lao động. Bởi vậy, người dân cần tìm hiểu kỹ và đến các cơ quan chức năng để được hướng dẫn, không nên tin những công ty trôi nổi, để rồi phải nếm “trái đắng”.

Bên cạnh đó, để ngăn chặn các hành vi lừa đảo, bảo vệ quyền lợi của người dân, rất cần sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương trong việc phổ biến pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động, thông tin về doanh nghiệp có chức năng xuất khẩu lao động, thị trường lao động ngoài nước và các điều kiện, tiêu chuẩn, mức lương, chi phí xuất khẩu lao động./.

Tham khảo từ các nguồn:

https://suckhoedoisong.vn/ung-mac-bay-chieu-lua-xuat-khau-lao-dong-n148924.html

http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/36471202-tranh-sap-bay-lua-dao-qua-xuat-khau-lao-dong.html

http://thoibaonganhang.vn/than-trong-voi-xuat-khau-lao-dong-80378-80378.html