Vi phạm ngày càng tinh vi

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), tính đến tháng 6/2018, cả nước có 335 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có 14 doanh nghiệp nhà nước, 256 công ty cổ phần, 65 công ty trách nhiệm hữu hạn. Các doanh nghiệp hoạt động chủ yếu ở Hà Nội (chiếm 60%), TP. Hồ Chí Minh (20%) và 20% là tại các địa phương khác.

Cũng trong 6 tháng đầu năm, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã trình Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cấp mới 20 giấy phép kinh doanh cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này, đã nhận hồ sơ đề nghị đổi giấy phép của gần 80 doanh nghiệp. Qua theo dõi, quy mô và trách nhiệm hoạt động của các doanh nghiệp từng bước được cải thiện; có một số doanh nghiệp đưa được trên 500 lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Cùng với đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đã phối hợp với Thanh tra Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiến hành thanh tra tại 7 doanh nghiệp, trong đó thanh tra đột xuất 1 doanh nghiệp. Qua thanh tra, Cục đã ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 550 triệu đồng và thu hồi giấy phép của một doanh nghiệp. Trước đó, trong năm 2017, đã có 46 doanh nghiệp xuất khẩu lao động bị thu hồi giấy phép hoạt động.

Qua tìm hiểu, nguyên nhân khiến các doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là do vi phạm các quy định trong Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: không trực tiếp tuyển dụng lao động; cho người khác sử dụng giấy phép của mình để hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để tổ chức tuyển chọn, thu tiền trái phép của người lao động; không làm thủ tục cấp đổi giấy phép; đưa người lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động theo quy định; doanh nghiệp bị xử phạt nhiều lần…

Điều đáng nói, hiện nay còn xuất hiện tình trạng lừa đảo đưa người đi xuất khẩu lao động với các hình thức ngày càng tinh vi. Điển hình như pháp luật của Việt Nam không cho phép các doanh nghiệp đưa lao động đi làm việc ở Singapore và các nước khác theo dạng hợp đồng tư vấn dịch vụ, hỗ trợ visa. Nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn sử dụng các trang web để đưa thông tin tuyển lao động đi làm việc.

Trước tình hình này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã ra quyết định xử phạt nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lao động. Mức xử phạt vi phạm hành chính với hình thức cao nhất là thu hồi giấy phép đã cho thấy sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cơ quan chức năng.

Theo quy định, các doanh nghiệp này sau khi bị thu hồi giấy phép vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng còn hiệu lực. Đồng thời, các doanh nghiệp này sẽ phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước về các hợp đồng đang còn hiệu lực; số lượng người lao động đang làm việc ở nước ngoài; số lượng người lao động đã được tuyển chọn để đưa đi làm việc ở nước ngoài; phương án thực hiện trách nhiệm đối với các hợp đồng còn hiệu lực.

Cần xử phạt mạnh tay hơn nữa

Ngoài những vụ việc được xử lý quyết liệt, mạnh mẽ, về cơ bản các chế tài xử lý hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp có hành vi vi phạm trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài có nêu mức xử phạt đối với các hành vi này. Tuy nhiên, Điều 34 của Nghị định lại không quy định về việc xử phạt đối với hành vi của doanh nghiệp tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài khi chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, mức xử phạt đối với doanh nghiệp vi phạm hiện nay được cho là quá thấp, không đủ sức răn đe đối với các doanh nghiệp vi phạm, trong khi lợi nhuận đem lại cho các doanh nghiệp là rất lớn. Chẳng hạn, theo Nghị định 155/2013/NĐ-CP của Chính phủ, hành vi kinh doanh ngành, nghề không có trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bị phạt tiền từ 15 đến 20 triệu đồng.

Do đó, để thị trường xuất khẩu lao động phát triển bền vững và bảo đảm lành mạnh, nâng cao hiệu quả của hoạt động xuất khẩu lao động, cần xây dựng những quy định và điều kiện chặt chẽ về quy định cấp phép để chỉ những doanh nghiệp thực sự đáp ứng đủ và bảo đảm duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật mới được tham gia hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Nâng cao mức phạt để răn đe doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra doanh nghiệp làm công tác xuất khẩu lao động, các cơ sở giới thiệu việc làm. Kiên quyết xử lý các doanh nghiệp tuyển chọn lao động thông qua môi giới, cò mồi, thu phí vượt mức quy định hoặc thu tiền nhưng không đưa được lao động đi, không bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động./.

Tham khảo từ nguồn:

http://laodongthudo.vn/335-doanh-nghiep-hoat-dong-dich-vu-dua-nguoi-lao-dong-di-lam-viec-o-nuoc-ngoai-76155.html

http://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/xa-hoi/2018-07-06/xu-phat-hon-500-trieu-dong-vi-pham-xuat-khau-lao-dong-59562.aspx

http://www.baokiemtoannhanuoc.vn/van-hoa/xu-phat-dn-xuat-khau-lao-dong-vi-pham-manh-tay-de-lap-lai-ky-cuong-138007