Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), trong 9 tháng đầu năm 2018, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 102.127 lao động, đạt 92,64% kế hoạch năm 2018, tăng 10,19% so với cùng kỳ năm ngoái.

Riêng thị trường khu vực Đông Bắc Á, số lao động đi làm việc là 96.827 người, chiếm tỷ trọng 94,82% tổng số lao động đưa đi, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khu vực Đông Bắc Á, lao động chủ yếu tập trung tại 3 thị trường là: Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cụ thể: lao động đi làm việc tại Đài Loan là 47.721 người, chiếm tỷ trọng 49,28% số lao động đi làm việc trong khu vực này và 46,73% tổng số lao động đưa đi trong 9 tháng năm 2018. Các thị trường khác trong khu vực Đông Bắc Á như Nhật Bản đưa được 43.987 người. Thị trường Hàn Quốc đưa được 4.900 người.

Lao động Việt Nam đi làm việc tại Nhật Bản là 43.987 người trong 9 tháng năm 2018

Theo đánh giá của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội tại buổi làm việc với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài và người nước ngoài làm việc tại Việt Nam vào ngày 04/08/2018, khu vực Đông Bắc Á trở thành trọng điểm xuất khẩu lao động của Việt Nam, dù có nhiều vấn đề phát sinh, nhưng quan hệ của Việt Nam với các nước này tương đối tốt, còn nhiều tiềm năng.

Bởi riêng trong năm 2017, ba thị trường là Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc đã chiếm tới 93,95% tổng số lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài.

Kết quả trên có được nhờ hàng loạt nỗ lực, chủ động của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội như: tổ chức hội nghị đối thoại đầu năm 2018 với 280 doanh nghiệp hoạt động đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; chấn chỉnh nâng cao chất lượng hoạt động, dịch vụ của doanh nghiệp và nâng cao chất lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đối với thị trường xuất khẩu lao động Hàn Quốc, ngày 23/03/2018, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Việt Nam và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Hàn Quốc Dong Yeon Kim đã ký Bản ghi nhớ (MOU) về phái cử và tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là chương trình EPS).

Theo quy định của Hàn Quốc, các bản MOU về EPS mà Hàn Quốc ký với các nước (Hàn quốc đã ký với 15 nước) đều có quy định thời hạn có hiệu lực và sẽ được ký lại sau khi hết hạn. Đây là lần thứ sáu Việt Nam và Hàn Quốc ký MOU về EPS. Các bản MOU trước đã được ký vào các năm 2004, 2006, 2010, 2012, 2016. Bản MOU ký lần này có giá trị 2 năm.

Trước đó, ngày 06/06/2017, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tham dự Hội nghị Tương lai châu Á, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và các bộ trưởng Bộ Tư pháp, Ngoại giao, Lao động - Y tế - Phúc lợi Nhật Bản đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về chế độ thực tập sinh kỹ năng.

Tuy nhiên, hiện 3 thị trường này có khá nhiều lao động cư trú bất hợp pháp. Điển hình như tại Hàn Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2018, số người Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại nước này tự nguyện về nước là 988 người, số người bị bắt và trục xuất về nước là 518 người (trong đó phần lớn là người lao động cư trú và làm việc bất hợp pháp).

Vấn đề này đang ảnh hưởng rất lớn tới việc ổn định và phát triển thị trường Đông Bắc Á nói riêng và thị trường xuất khẩu lao động nói chung trong thời gian tới.

Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan, các cấp chính quyền địa phương triển khai mạnh các giải pháp nhằm giảm tỷ lệ lao động bất hợp pháp tại các thị trường xuất khẩu lao động, như: siết lại quy định trong tuyển chọn lao động, nâng mức chế tài đối với doanh nghiệp có lao động bỏ trốn, nâng thời hạn hợp đồng xuất khẩu lao động, cho người lao động đi làm việc 5 năm thay vì mức thông thường là 3 năm như hiện nay, quan tâm tạo việc làm cho người lao động khi họ trở về nước...

Bên cạnh đó, để tiếp tục duy trì và phát triển thị trường Đông Bắc Á, cần tổ chức hoạt động xúc tiến, trao đổi với cơ quan chức năng các nước để đàm phán trình Bộ hoặc cấp có thẩm quyền ký kết hoặc gia hạn các thỏa thuận về hợp tác tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc, nhằm đảm bảo các quyền và lợi ích của người lao động, doanh nghiệp cũng như tăng số lượng tiếp nhận lao động Việt Nam ở các địa bàn.../.