EPS là chương trình ưu việt với đại đa số người lao động ở vùng nông thôn

Luật Cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc được Quốc hội Hàn Quốc thông qua ngày 16/8/2003, quy định Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (gọi tắt là Chương trình EPS), có hiệu lực từ ngày 16/8/2004.

Theo quy định của Luật này, các doanh nghiệp Hàn Quốc khi không tuyển dụng được lao động trong nước sẽ được phép tuyển dụng lao động nước ngoài với số lượng nhất định; việc giới thiệu, quản lý toàn bộ các vấn đề liên quan đến người lao động nước ngoài do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc thực hiện. Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản Ghi nhớ với các nước để phái cử và tiếp nhận lao động đến Hàn Quốc làm việc.

Tính đến thời điểm hiện nay (năm 2018), Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ với 15 quốc gia, bao gồm: Việt Nam, Thái Lan, Indonesia, Philippines, Mông cổ, Sri Lanka, Trung Quốc, Campuchia, Nêpal, Uzbekistan, Pakistan, Bangladesh, Kyrgystan, Mianma và Đông Timo.

Tại Việt Nam, Trung tâm Lao động ngoài nước được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội giao nhiệm vụ là cơ quan phái cử lao động, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, có nhiệm vụ: phối hợp tổ chức thi tiếng Hàn, tiếp nhận và xử lý hồ sơ đăng ký dự tuyển, nhập thông tin hồ sơ của người lao động vào hệ thống SPAS của Hàn Quốc để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn; đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, xin cấp visa và tổ chức cho người lao động xuất cảnh đi làm việc tại Hàn Quốc.

Cơ quan phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc (HRD) được Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc giao nhiệm vụ là Cơ quan tiếp nhận lao động, có nhiệm vụ: tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động, giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn, hỗ trợ thủ tục tiếp nhận và hỗ trợ lao động nhập cảnh.

Người lao động có nguyện vọng đi làm việc tại Hàn Quốc phải tham dự và đạt yêu cầu tại kỳ thi tiếng Hàn do Bộ Việc làm và Lao động Hàn Quốc phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức. Người lao động đạt yêu cầu về tiếng Hàn và đáp ứng các điều kiện theo quy định sẽ nộp hồ sơ đăng ký dự tuyển về Trung tâm Lao động ngoài nước. Hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động đạt yêu cầu sẽ được nhập thông tin vào hệ thống mạng của Hàn Quốc để giới thiệu cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn. Người lao động được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động lựa chọn sau khi hoàn thiện các thủ tục cần thiết sẽ xuất cảnh sang làm việc có thời hạn tại Hàn Quốc. Người lao động nước ngoài được pháp luật Hàn Quốc bảo vệ và được hưởng những quyền lợi cơ bản bình đẳng như người lao động Hàn Quốc.

Hàn Quốc là thị trường lớn thứ 3 sau Đài Loan và Nhật Bản tiếp nhận lao động Việt Nam sang làm việc

Đồng thời, để khuyến khích người lao động gắn bó với doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động và tạo điều kiện cho doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động được tái tuyển dụng được lao động đảm bảo trình độ, tay nghề từ tháng 7/2012, phía Hàn Quốc có chính sách cho phép doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động được tái tuyển dụng những người lao động đã làm việc cho mình sau khi những người này hết thời hạn làm việc tại Hàn Quốc. Những người lao động làm việc tại Hàn Quốc trong thời gian 6 năm hoặc 4 năm 10 tháng liên tục không chuyển đổi nơi làm việc hoặc chuyển đổi nơi làm việc vì những lý do bất khả kháng như công ty phá sản, đóng cửa… và thời gian làm việc của người lao động tại công ty cuối cùng phải từ 1 năm trở lên nếu được doanh nghiệp Hàn Quốc sử dụng lao động tái tuyển dụng sẽ được tái nhập cảnh Hàn Quốc sau 3 tháng kể từ ngày về nước và không phải tham dự kỳ thi tiếng Hàn (được gọi là lao động mẫu mực).

Để tận dụng tối đa hiệu quả từ Chương trình EPS

Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đi làm việc theo EPS là chương trình ưu việt bởi các điều kiện phù hợp với đại đa số người lao động ở các vùng nông thôn.

Trong năm 2018, có 7.900 hồ sơ lao động Việt Nam đã được phía Hàn Quốc đồng ý tiếp nhận theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài Hàn Quốc (Chương trình EPS) năm 2018. Trong số này có 6.300 hồ sơ lao động thuộc lĩnh vực sản xuất chế tạo và 1.600 hồ sơ lao động thuộc lĩnh vực ngư nghiệp.

Như vậy, sau gần 15 năm thực hiện theo nội dung Bản ghi nhớ gửi và tiếp nhận lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc của Chương trình EPS, đến giữa tháng 06/2018, Việt Nam đã đưa gần 99.000 lượt người sang làm việc tại thị trường này.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm 2011, do nhiều nguyên nhân, tình trạng người lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng không về nước mà ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc diễn biến ngày càng phức tạp.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), chỉ trong 7 tháng đầu năm 2018, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng tại Hàn Quốc không về nước đã lên tới 41,38%, cao hơn 12,49% so với tỷ lệ cả năm 2017. Tỷ lệ này cũng cao gấp 2,5 lần so với các quốc gia có lao động phái cử sang Hàn Quốc làm việc. Con số này cho thấy, mục tiêu giảm tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn trong năm 2018 xuống dưới 30% rất khó có thể đạt được.

Trong khi đó, theo cam kết, tỷ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc tiếp tục vượt quá 4% so với mức hai bên cam kết (30%) thì Việt Nam sẽ chính thức bị “cấm cửa” tại thị trường này.

Trước đó, từ năm 2012 đến 2015, phía Hàn Quốc đã tạm dừng thực hiện thỏa thuận phái cử lao động Việt Nam sang Hàn Quốc và không tổ chức mới các kỳ thi tiếng Hàn. Sau 4 năm dừng triển khai, Chương trình EPS mới được ký lại vào năm 2016 chỉ có giá trị trong vòng 2 năm. Tuy nhiên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018 đối với 49 quận/huyện tại 12 tỉnh, thành có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng lao động Hàn Quốc hết thời hạn không chịu về nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang xây dựng và lấy ý kiến về việc thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS. Trong đó, dự thảo đề xuất kéo dài thời hạn áp dụng quy định ký quỹ 100 triệu đồng với lao động đến hết tháng 8/2020. Nếu người lao động bỏ trốn, tiền ký quỹ sẽ không được trả lại, mà chuyển về ngân sách địa phương.

Đồng thời, giải pháp cốt lõi là phải nâng cao đào tạo, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người lao động trước khi họ đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Thêm vào đó, cần trang bị cho người lao động về những cơ hội việc làm trong nước, hoặc việc làm khác bao gồm cả quyền được quay lại Hàn Quốc làm việc. Có như vậy lao động mới yên tâm làm việc và về nước đúng hạn./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://colab.gov.vn/tin-tuc/641/Gioi-thieu-chuong-trinh-EPS.aspx

https://baodautu.vn/han-quoc-dong-y-tiep-nhan-7900-ho-so-lao-dong-viet-nam-nam-2018-d81341.html

https://vov.vn/xa-hoi/lao-dong-viet-phi-phap-tai-han-quoc-noi-long-nguoi-trong-cuoc-778020.vov