Xuất khẩu lao động làm thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê ở Nghệ An

Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, năm 2017, toàn Tỉnh đã đưa được 13.810 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó tập trung chủ yếu ở Đài Loan (4.820 người), Malaysia (1.528 người), Hàn Quốc (1.133 người), Nhật Bản (3.112 người) và các nước Trung Đông (1.315 người).

Nguồn thu nhập do xuất khẩu lao động chuyển về Tỉnh hàng năm ước đạt 255 triệu USD/năm. Nhờ nguồn thu này đã góp phần mang lại kinh tế cao, thay đổi bộ mặt của nhiều vùng quê ở Nghệ An.

Năm 2017, tỉnh Nghệ An đã đưa được 13.810 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng

Điển hình, như ở huyện Yên Thành, theo số liệu của Chi cục Thống kê huyện Yên Thành (Nghệ An), tính đến đầu năm 2018, toàn huyện có khoảng 15.278 người đang lao động ở nước ngoài, tập trung chủ yếu ở các thị trường, như: Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia, Mỹ, Anh, Malayxia, mỗi năm gửi về lượng kiều hối khoảng 200 triệu USD, tương đương gần 4,7 nghìn tỷ đồng.

Một số xã của Huyện, như: Phú Thành, Hồng Thành, Sơn Thành, Lăng Thành, Viên Thành… nhờ xuất khẩu lao động người dân đã có cuộc sống ổn định, cơ sở vật chất hiện đại, đường làng, ngõ xóm khang trang, nhiều nhà cao tầng được xây dựng, mua sắm xe hơi và nhiều tiện nghi khác.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập

Mặc dù xuất khẩu lao động đạt nhiều kết quả quan trọng, song hoạt động này vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường lao động của Tỉnh.

Cụ thể, theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Nghệ An, năm 2017, vẫn còn 12.435 lao động Nghệ An đang làm việc ở vùng biên giới không có hợp đồng theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Đặc biệt, Nghi Lộc là địa phương có số lượng người xuất khẩu lao động cao, nhưng tính đến đầu tháng 3/2018, huyện Nghi Lộc vẫn còn 1.014 lao động làm việc ở vùng biên giới và xuất khẩu lao động không có hợp đồng theo quy định, tập trung chủ yếu ở các nước Lào, Trung Quốc, Thái Lan.

Cũng trong năm 2017, nổi lên tình trạng người dân tự ý hoặc thông qua môi giới để sang một số nước, như: Angola, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, các nước Đông Âu... làm việc không có hợp đồng lao động và cư trú bất hợp pháp dưới nhiều hình thức, đi du lịch, thăm người thân, kết hôn giả…

Một bất cập khác là việc lao động Nghệ An tham gia xuất khẩu lao động bỏ trốn vẫn còn cao (chiếm hơn 40%) trong đó, Hàn Quốc là gần 43%.

Đây cũng chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc Hàn Quốc đã ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS trong năm 2018 với 11 địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An là TP.Vinh, huyện Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò, huyện Hưng Nguyên, huyện Thanh Chương, huyện Nam Đàn, huyện Diễn Châu, huyện Yên Thành, huyện Quỳnh Lưu, huyện Đô Lương.

Bên cạnh đó, chất lượng nhân lực của Nghệ An tham gia xuất khẩu lao động còn thấp, lao động phổ thông chiếm tỷ lệ cao từ 60%-70%. Do đó, lao động khó tiếp cận các thị trường có thu nhập cao, như: Đức, Anh, Canada, Australia…

Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn có khoảng 50-60 đơn vị tham gia tuyển dụng lao động, song phần lớn trong số này đều là các văn phòng đại diện, chi nhánh mà chưa có doanh nghiệp uy tín dẫn đến vẫn còn nhiều kẽ hở cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng để lừa đảo xuất khẩu lao động. Hơn nữa, việc doanh nghiệp tham gia tuyển dụng lao động trên địa bàn Tỉnh quá nhiều, tạo sự cạnh tranh không lành mạnh, dẫn đến tuyển dụng chưa đúng theo đơn hàng phê duyệt, người lao động không hưởng đầy đủ quyền lợi theo cam kết ban đầu.

Cần tăng cường công tác quản lý xuất khẩu lao động

Trước những tồn tại đó, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn. Thường xuyên theo dõi, để phát hiện ngăn ngừa, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực xuất khẩu lao động.

Bên cạnh đó, cần công khai, minh bạch thông tin trên Cổng thông tin điện tử, Đài phát thanh truyền hình Trung ương và địa phương thông tin về doanh nghiệp tham gia xuất khẩu lao động, thông tin về thị trường lao động các nước, thông tin về quy trình tuyển chọn lao động, thông tin về các khoản phí và chi phí, mức thu nhập thực tế, điều kiện sống và làm việc ở nước ngoài cũng như những vấn đề rủi ro có thể xảy ra đối với người lao động.

Song song với đó, việc rà soát, thẩm định các doanh nghiệp đủ tiêu chuẩn trong tuyển dụng xuất khẩu lao động là rất cấn thiết. Cần quản lý chặt chẽ hơn tình trạng mở ra quá nhiều các văn phòng, chi nhánh ở một số doanh nghiệp xuất khẩu lao động.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền và hướng dẫn đến cộng đồng dân cư về những rủi ro mà người lao động có thể gặp phải khi đi lao động trái phép, nâng cao nhận thức của nhân dân về di cư lao động hợp pháp, đảm bảo an toàn và bảo hộ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động…/.

Tham khảo từ các nguồn

http://thuonghieucongluan.com.vn/nghe-an-moi-nam-kieu-hoi-ve-yen-thanh-dat-hon-200-trieu-usd-a64869.html

http://congannghean.vn/kinh-te-xa-hoi/201803/buc-tranh-xuat-khau-lao-dong-nhieu-chuyen-bien-787303/

http://baoquocte.vn/quan-ly-lao-dong-tu-do-cua-nghe-an-80726.html