Nhờ những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước…

Nâng cao chất lượng lao động và tăng số lượng lao động ở các huyện nghèo tham gia xuất khẩu lao động, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập và thực hiện giảm nghèo bền vững là chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta.

Người lao động thuộc hộ nghèo có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết, chi phí làm thủ tục..., thì còn được Nhà nước cho vay vốn.

Cụ thể, Khoản 1, Điều 11, Nghị Định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định: “Người lao động thuộc hộ nghèo, hộ bị thu hồi đất nông nghiệp và người lao động là người dân tộc thiểu số được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của pháp luật”.

Người lao động ở huyện nghèo đã được tuyển chọn, có nhu cầu vay vốn để đi xuất khẩu lao động sẽ thuộc đối tượng được hưởng chính sách tín dụng ưu đãi theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 với mức vay theo nhu cầu, tối đa bằng các khoản chi phí người lao động phải đóng góp theo từng thị trường.

Về lãi suất, người lao động thuộc các hộ nghèo, người dân tộc thiểu số được vay với lãi suất bằng 50% lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động; các đối tượng còn lại của các huyện nghèo được vay với lãi suất cho vay hiện hành của Ngân hàng Chính sách Xã hội áp dụng cho đối tượng chính sách đi xuất khẩu lao động.

Hiện tại Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đang dự thảo Quyết định về tín dụng đối với người lao động tại huyện nghèo, huyện thoát nghèo, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với mức vay 100% vốn ưu đãi.

… người lao động đã có cơ hội giảm nghèo

Là một trong những địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội rất khó khăn, do đó, những năm qua huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang đã coi xuất khẩu lao động là một giải pháp giúp người dân thoát khỏi đói nghèo và chú trọng thực hiện thực hiện Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, huyện Mèo Vạc đã đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động, đưa lao động đi làm việc theo “Biên bản thống nhất về quản lý lao động qua biên giới” giữa huyện Mèo Vạc với huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam và huyện Nà Pô, tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc); tăng cường tuyên truyền, tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn tại Trung Quốc... Đặc biệt, Huyện còn trích nguồn ngân sách để hỗ trợ thêm cho người lao động như chi phí đi lại, khám sức khỏe và các khoản chi phi khác.

Các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cũng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu việc làm, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, các văn bản quy phạm pháp luật về xuất khẩu lao động. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2018, huyện tổ chức 1 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực thông tin, tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm, đi xuất khẩu lao động và làm việc ngoài tỉnh cho 168 cán bộ, người lao động và tuyên truyền viên tại cơ sở; tổ chức 91 buổi tuyên truyền về xuất khẩu lao động thu hút trên 49.000 người tham gia. Thông qua các buổi tuyên truyền, đã có 142 lao động đi làm việc tại Trung Quốc. Qua tìm hiểu, thu nhập của người đi làm việc tại Trung Quốc tương đối ổn định, bình quân từ 2.800-3.000 Nhân dân tệ/tháng (8-9 triệu đồng/tháng).

Lãnh đạo huyện Mèo Vạc thăm khu làm việc của lao động Việt Nam tại huyện Phú Ninh, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc)/Ảnh: Hoàng Tuyến

Hay như ở Bắc Kạn, từ năm 2008 đến 2017, Tỉnh có gần 4.000 người, chủ yếu là hộ nghèo, cận nghèo đi xuất khẩu lao động. Mỗi năm tăng thêm từ 30 đến 50 lao động đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) với thu nhập từ 15 đến 40 triệu đồng/người/tháng. Bình quân mỗi năm, Bắc Kạn đưa hơn 300 người đi xuất khẩu lao động, từ đó xóa nghèo cho khoảng 300 hộ/năm.

Để có được kết quả trên, song song với chủ trương của Đảng và Nhà nước, tỉnh Bắc Kạn đã tập trung thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ ban đầu cho người đi xuất khẩu lao động. Đối với huyện nghèo theo Chương trình 30a, người lao động được hỗ trợ chi phí đào tạo nghề, định hướng, chi phí liên quan… từ 12 đến 14 triệu đồng/người. Ngân hàng Chính sách Xã hội Bắc Kạn triển khai cho vay xuất khẩu lao động với tổng dư nợ hơn 27 tỷ đồng, cho gần 600 hộ.

Tỉnh cũng phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp liên lạc, nắm tình hình lao động ở nước ngoài, không để xảy ra rủi ro đáng tiếc. Ngoài ra, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Kạn thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thanh niên đi xuất khẩu lao động, nhất là tại các huyện còn đạt tỷ lệ thấp. Đồng thời, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp tư vấn, phối hợp tìm giải pháp giảm tới mức thấp nhất chi phí cho người lao động.

Cần quan tâm nâng cao trình độ cho lao động

Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm cho người lao động nghèo tại các địa phương đã có kết quả khả quan. Mặc dù vậy, công tác này cũng gặp không ít khó khăn, xuất phát từ việc lao động phổ thông vẫn chiếm tỷ lệ cao, lao động có tay nghề vững trước khi xuất khẩu lao động ra nước ngoài chưa nhiều; việc tiếp thu kiến thức của người lao động từ các chương trình đào tạo còn hạn chế; trình độ kỹ thuật, kiến thức ngoại ngữ, sức khỏe và ý thức tổ chức kỷ luật chưa hoàn toàn tốt; khả năng tiếp cận thông tin hạn chế nên dễ bị các đối tường lừa đảo lợi dụng…

Vì vậy, trong thời gian tới, các địa phương nên chú trọng việc đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cho người lao động qua các lớp đào tạo ngắn và dài hạn. Tăng cường phổ biến, tuyên truyền sâu rộng về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về xuất khẩu lao động; thông tin đầy đủ về chính sách, chế độ, điều kiện tuyển chọn, điều kiện làm việc, sinh hoạt và thu nhập của người lao động ở các thị trường lao động nước ngoài trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo dựng được một môi trường lành mạnh để xuất khẩu lao động trở thành lĩnh vực mang lại ngoại tệ lớn, thúc đẩy quá trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Điều quan trọng nhất là bản thân người dân phải có ý chí vượt khó vươn lên thì công tác xuất khẩu lao động mới thực sự khởi sắc.

Ngoài ra, quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp tư vấn lao động xuất khẩu; phối hợp tìm giải pháp giảm tới mức thấp nhất chi phí cho người lao động./.

Tham khảo từ các nguồn:

http://baohagiang.vn/kinh-te/201809/meo-vac-day-manh-xuat-khau-lao-dong-va-giai-quyet-viec-lam-733408/

http://baobacgiang.com.vn/bg/xa-hoi/220552/ho-tro-xuat-khau-lao-dong-cho-ho-ngheo-dan-toc-thieu-so-mang-lai-cuoc-song-am-no.html

http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/37150902-bac-can-dao-tao-nghe-gan-voi-xuat-khau-lao-dong.html

http://vanhoadoisong.vn/web/trang-chu/dan-toc-mien-nui/xuat-khau-lao-dong-o-mien-nui-nhieu-gam-mau-toi-bai-cuoi-can-chia-khoa-de-hoa-giai.html