Nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động kéo dài, ngày 8/12, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức thông qua Luật Quản lý xuất nhập cảnh sửa đổi, cho phép nước này tiếp nhận thêm nhiều lao động nước ngoài. Đây được xem là bước chuyển đổi lớn trong luật pháp, chính sách việc làm của Nhật Bản, bởi lâu nay quốc gia này được biết đến chỉ cấp thị thực làm việc cho những đối tượng lao động có trình độ chuyên môn cao.

“Mở rộng cửa” cho lao động nước ngoài

Hiện tại, những lao động không có kỹ năng làm việc tại Nhật Bản chỉ được phép làm việc dưới hình thức chương trình đào tạo thực tập. Đối với lao động nước ngoài có kiến thức chuyên môn nhưng không đăng ký thường trú vĩnh viễn, thì chỉ có thể cư trú tại Nhật Bản trong một thời gian và không có bất kỳ thành viên trong gia đình nào cùng chung sống.

Với Luật mới này, cụ thể, từ tháng 04/2019, Nhật Bản sẽ cho phép lao động nước ngoài làm việc dưới 2 tư cách lưu trú, cụ thể:

Loại 1: Đối với lao động có kỹ năng làm việc tối đa 5 năm trong 14 lĩnh vực, như: xây dựng; đóng tàu/công nghiệp tàu thuỷ, nông nghiệp, điều dưỡng, khách sạn, sản xuất thực phẩm/đồ uống, nhà hàng, ngư nghiệp, vệ sinh các toà nhà làm việc, công nghiệp rèn đúc, công nghiệp điện/điện tử/thông tin, bảo dưỡng/sửa chữa oto và hàng không.

Để được lưu trú với hình thức loại 1 này, người lao động phải vượt qua các bài kiểm tra tiếng Nhật và kỹ thuật. Những người đã trải qua chương trình thực tập kỹ thuật kéo dài hơn ba năm có thể đăng ký xin lưu trú theo loại này mà không cần thực hiện các bài kiểm tra.

Tuy nhiên, những đối tượng lao động này không được phép đưa gia đình sang.

Loại 2: Đối với những lao động nước ngoài có kỹ năng và trình độ chuyên môn có thể làm việc trong các lĩnh vực, như: xây dựng và đóng tàu, có thể định cư với gia đình và cư trú tại Nhật Bản lâu dài sau 5 năm. Điều kiện đặt ra là người lao động phải vượt qua bài kiểm tra kỹ năng cấp độ cao.

Theo kế hoạch, Nhật Bản ước tính sẽ tiếp nhận khoảng 340.000 lao động nước ngoài trong vòng 5 năm tới.

Tuy nhiên, một vấn đề cơ bản là liệu lao động nước ngoài có đủ khả năng chấp nhận luật mới này hay không, đặc biệt là khi họ phải đáp ứng đủ các yêu cầu về tiếng Nhật.

Chính phủ Nhật Bản cũng đang tiến hành hoàn tất soạn thảo các biện pháp liên quan tới môi trường làm việc và các biện pháp, cũng như kế hoạch giảng dạy tiếng Nhật, dự kiến vào cuối năm nay, nhằm giúp người lao động có thể sớm thích nghi và hòa nhập với môi trường sống và làm việc tại Nhật Bản.

Cơ hội đến với lao động Việt Nam

Theo Hiệp hội Xuất khẩu lao động ngoài nước, trong 11 tháng, lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản đạt 61.004 người, tăng 29,91% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân mỗi tháng Nhật Bản tiếp nhận khoảng 5.545 lao động Việt Nam. Tính riêng tháng 11 vừa qua, con số này là 8.939 người.

Số lượng lao động Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản dự kiến sẽ tiếp tục tăng cùng với sự “mở cửa” của Luật này.

Trong 11 tháng, lao động Việt Nam tại thị trường Nhật Bản đạt 61.004 người

Rõ ràng, sự nới lỏng các quy định tiếp nhận lao động nước ngoài của Nhật Bản mang lại nhiều cơ hội cho lao động Việt Nam. Tuy nhiên, cơ hội càng nhiều cũng sẽ đi kèm với thách thức càng lớn cho người lao động Việt Nam với những điều kiện, yêu cầu khắt khe hơn.

Để nắm bắt cơ hội này, Việt nam cần thúc đẩy sự liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu lao động đào tạo tay nghề, ngoại ngữ để có thể tuyển chọn những lao động có đủ trình độ tham gia làm việc tại thị trường Nhật Bản. Bên cạnh đó, Chính phủ, các cơ quan ban ngành liên quan của Việt Nam cũng phải có những biện pháp chặt chẽ nhằm xử lý các trường hợp tiêu cực, gây ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu lao động của Việt Nam sang Nhật Bản./.

Tổng hợp từ các nguồn:

https://www.cnbc.com/2018/12/13/japan-economy-labor-shortage-shinzo-abe-bets-on-foreigner-workers.html

http://kinhtevadubao.vn/chi-tiet/223-13152-so-luong-lao-dong-lam-viec-o-nuoc-ngoai-da-vuot-31-ke-hoach-2018.html

http://plo.vn/kinh-te/quan-ly/nguoi-viet-co-co-hoi-dua-gia-dinh-qua-nhat-sinh-song-807338.html