Theo Cục Quản lý lao động nước ngoài, 3 thị trường là Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm trên 90% tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài. Hiện giới chủ sử dụng lao động ở Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc) đều muốn tiếp nhận lao động Việt Nam để khôi phục sản xuất, kinh doanh sau dịch Covid-19.

Lao động Việt Nam sắp được trở lại Hàn Quốc làm việc. Nguồn: Internet.

Cuối tháng 6 và đầu tháng 7, Cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc chính thức nối lại kỳ thi năng lực tiếng Hàn tại Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng cho thấy thị trường này sớm mở cửa trở lại.

Đối với thị trường Nhật Bản, nhu cầu lao động rất cao, tập trung ở các ngành nghề: nông nghiệp, chăm sóc người cao tuổi, chế biến suất ăn, thực phẩm... Hai nước đang đàm phán để mở cửa thị trường trở lại.

Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng ban hành công văn gửi các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đang làm việc tại Malaysia về chính sách của nước này trong giai đoạn phục hồi.

Theo đó, Chính phủ Malaysia đã chính thức thông báo kết thúc Lệnh hạn chế di chuyển có hiệu lực từ ngày 18/3/2020 đến 9/6/2020, chuyển sang áp dụng Lệnh hạn chế di chuyển giai đoạn phục hồi từ 10/6/2020 đến 31/8/2020. Lệnh hạn chế di chuyển giai đoạn phục hồi cho phép các lĩnh vực kinh tế, xã hội, giáo dục, văn hóa, thể thao, tôn giáo hoạt động trở lại bình thường với điều kiện thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng tránh dịch; di chuyển giữa các bang được nới lỏng nhưng tiếp tục đóng cửa biên giới.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, do lao động Việt Nam đang làm việc trong các ngành, khu vực không bị hạn chế bởi Lệnh hạn chế di chuyển giai đoạn phục hồi nên đã có thể quay trở lại làm việc. Tuy nhiên, việc nhập cảnh của người lao động vào Malaysia sẽ không thể thực hiện trước ngày 31/8.

Cục Quản lý nước ngoài cho biết, trước những diễn biến mới của tình hình dịch bệnh Covid-19 ở trong và ngoài nước, căn cứ tình hình lao động Việt Nam tại một số địa bàn, chính sách của một số nước tiếp nhận, Cục đã tổng hợp tình hình, làm việc với Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam và các doanh nghiệp. Đồng thời trình Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Công văn hướng dẫn các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại các nước, địa bàn an toàn, sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam.

Theo đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, xác định trạng thái bình thường mới, từng bước khôi phục và thúc đẩy hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước nước ngoài theo hợp đồng./.

Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, cả nước chỉ đưa được 33.500 người đi làm việc ở nước ngoài, giảm 40% so với cùng kỳ năm 2019. Riêng trong tháng 5, các DN chỉ cung ứng được 126 lao động. Cũng trong 6 tháng đầu năm, có hơn 5.000 lao động Việt Nam ở nước ngoài phải về nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (chủ yếu là lao động hết hạn hợp đồng không thể gia hạn, ốm đau, thai sản, mất việc làm vì xí nghiệp, chủ sử dụng lao động thu hẹp sản xuất...).