Cục Quản lý lao động nước ngoài (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11/2020 là 7.007 lao động, con số này chỉ bằng 47,43% so với cùng kỳ năm ngoái (số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 11/2019 là 14.772 lao động, trong đó có 4.848 lao động nữ).

Lao động Việt Nam sang nước ngoài làm việc trong 11 tháng năm 2020 đạt 54.307 lao động, chỉ bằng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguồn: Internet.

Số lao động sụt giảm trong tháng 11 và các tháng trước là do dịch bệnh Covid-19 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến việc đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.

Cụ thể, trong tháng 11, tại thị trường Nhật Bản chỉ đưa được 3.562 lao động (1.488 lao động nữ), Đài Loan 3.027 lao động (895 lao động nữ), Trung Quốc 142 lao động nam, Singapore 93 lao động nam, Rumani 71 lao động (3 lao động nữ), Hàn Quốc 45 lao động nam, Ba Lan 31 lao động (11 lao động nữ) và số ít ở các thị trường khác.

Tính chung trong 11 tháng năm 2020, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài chỉ đạt 54.307 lao động động (20.170 lao động nữ), chỉ bằng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Với số lao động đưa đi này chỉ đạt 77,6% kế hoạch đã điều chỉnh năm 2020.

Cụ thể, năm 2020, dự tính kế hoạch đưa lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi điều chỉnh là 70.000 lao động, và bằng 40,9% so với cùng kỳ năm ngoái (11 tháng năm 2019, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là 132.802 lao động).

Trong đó, tính chung 11 tháng, thị trường Nhật Bản đưa được 27.325 lao động, Đài Loan 23.403 lao động, Hàn Quốc 1.077 lao động, Rumania 481 lao động, Trung Quốc 464 lao động nam, Singapore 341 lao động nam, Uzbekistan 227 lao động nam, Algieria 150 lao động và các thị trường khác.

Trước đó, trong báo cáo khảo sát tình hình người lao động của doanh nghiệp ở nước ngoài bị tác động bởi dịch Covid-19, Hiệp hội Xuất khẩu lao động Việt Nam cũng dự báo trong thời gian tới và sau khi hết dịch, nhiều khả năng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng. Thời hạn tái mở cửa thị trường có thể sẽ khó phán đoán do ảnh hưởng của dịch bệnh cũng như chủ trương của chính phủ Việt Nam và các nước.

Thậm chí, ngay cả khi hoạt động đưa người lao động được mở cửa trở lại thì về quy mô sẽ giảm sút nhiều so với cùng kỳ những năm trước. Sau khi vượt qua đại dịch thì việc khôi phục kinh tế, sản xuất không thể bình thường trong thời gian ngắn nên việc tuyển thêm người lao động mới sẽ là điều khó khăn./.