Theo Chỉ đạo Quốc gia về xây dựng nông thôn mưới, tTính đến nay, cả nước có hơn 2.770 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, đã có khoảng 160 xã được công nhận đạt chuẩn theo Bộ Tiêu chí quốc gia; 34 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2017, sẽ có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn.

Dự kiến đến hết năm 2017, sẽ có ít nhất 38 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn

Tại buổi làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng do Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (VPCP) Mai Tiến Dũng chủ trì ngày 21/11 với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đánh giá, qua gần 6 năm triển khai, chương trình xây dựng nông thôn mới đã hình thành, nên một phong trào thi đua sôi động trong nhân dân, đã huy động được tổng nguồn lực xã hội vô cùng lớn.

Nếu kể cả năm 2016, cả nước ước đã huy động được đầu tư trên 1 triệu tỷ đồng vào xây dựng NTM, trong đó phần kinh phí Nhà nước nếu tính cả các chương trình lồng ghép chỉ chiếm khoảng 11%, còn lại là các nguồn khác như nguồn của nhân dân, doanh nghiệp…

Riêng về giao thông nông thôn, trong giai đoạn 2011-2015, đã chứng kiến sự đầu tư vượt với khối lượng khổng lồ, gấp 5 lần so với cả thời kỳ trước đó, không chỉ thay đổi diện mạo nông thôn, mà còn tạo cơ sở để thúc đẩy sản xuất…

Đến thời điểm tháng 11/2017, cả nước đã có 2.067 xã, 27 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, với 20 nghìn mô hình sản xuất ở các cấp xã, huyện ở khắp cả nước. Diện mạo nông thôn thay đổi, đời sống vật chất tinh thần tăng lên một bước rõ rệt. Trong bối cảnh kinh tế đất nước còn khó khăn, khủng khoảng kinh tế ảnh hưởng lớn, việc huy động được nguồn lực giúp bộ mặt nông thôn chuyển biến như vậy là vô cùng đáng quý…

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng thẳng thắn nhìn nhận, phong trào xây dựng nông thôn mới còn có nhiều tồn tại. Một là kết quả xây dựng nông thôn mới không đồng đều, tập trung nhiều nhất là khu vực Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, trong khi đó vùng Đông Bắc Bộ lại có tỉnh chưa có xã nông thôn mới nào. Xét về số tiêu chí nông thôn mới đạt được, trong 7 vùng kinh tế - xã hội cả nước, thì 3 vùng gồm Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ đều là các vùng có tỷ lệ thấp nhất.

Bộ trưởng cũng thừa nhận, có thực trạng một số địa phương mới chỉ chú trọng tới thiết chế hạ tầng mà chưa quan tâm đầu tư thúc đẩy sản xuất, có nơi đã quan tâm thúc đẩy sản xuất để cải thiện đời sống cho người dân, tuy nhiên số lượng chưa nhiều… Vấn đề môi trường nông thôn một số xã thậm chí đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, nhưng thực tế chưa đạt yêu cầu bền vững về môi trường.

Về vấn đề nợ đọng trong xây dựng nông thôn mới, Bộ trưởng cho rằng, tình trạng này là có xảy ra tại một số địa phương.

Theo số liệu giám sát của Quốc hội đến đầu năm 2016, số nợ đọng còn 15 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên chính thức đến thời điểm này, chỉ còn khoảng 12 nghìn tỉ đồng.

Hai vùng xây dựng nông thôn mới mạnh nhất là Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ cũng là hai vùng có nợ đọng nhiều nhất. Việc nợ đọng lớn tại hai khu vực này tính tới đầu năm 2016 có một phần lí do bởi một số công trình còn nằm trên hồ sơ, chưa hoàn tất thủ tục thanh quyết toán, vì vậy con số nợ đọng có thể giảm đi thời gian tới khi các địa phương hoàn thành các công trình.

Việc đề ra bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới với 19 tiêu chí là nỗ lực rất lớn của BCĐ Trung ương do đây là lần đầu tiên chúng ta đưa ra được các chỉ tiêu để “lượng hóa” xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên do là lần đầu đưa ra áp dụng cho diện rộng trên cả 7 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước nên thực tế đã có xảy ra những vướng mắc, cứng nhắc, chưa linh hoạt cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại từng địa phương.

Vì vậy thời gian tới, sẽ phải nghiên cứu, điều chỉnh lại bộ tiêu chí này cho phù hợp, linh hoạt hơn theo hướng: Một là sẽ giữ lại và “cứng hóa” một số “tiêu chí cứng”, áp dụng chung cho cả nước như chỉ tiêu về thu nhập đầu người, môi trường, an ninh, hệ thống chính trị…

Hai là điều chỉnh lại các “tiêu chí mềm” theo từng vùng kinh tế - xã hội, ví dụ mương thủy lợi, nhà văn hóa, đường giao thông, trạm xá…. Trên cơ sở đặc thù của từng tỉnh, sẽ kiến nghị giao cho chủ tịch UBND các tỉnh phê duyệt các “tiêu chí mềm”.

Để nâng cao chất lượng chương trình xây dựng nông thôn mới, theo Bộ trưởng Cường, một mặt, Chính phủ đã chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động về chương trình xây dựng nông thôn mới, mặt khác, tiếp tục hoàn thiện tất cả các cơ chế, chính sách để thực hiện Chương trình một cách hiệu quả.

Trong đó có Quyết định 1760/QÐ-TTg, ngày 10/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ bổ sung một số nội dung của Quyết định 1600/QÐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mưới giai đoạn 2016-2020. Theo đó, bổ sung nội dung phát triển ngành nghề nông thôn, xây dựng và phát triển mỗi xã một sản phẩm; bảo tồn và phát triển làng nghề gắn với phát triển du lịch sinh thái; khuyến khích phát triển mỗi làng một nghề; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, cải tiến mẫu mã bao bì cho sản phẩm làng nghề.

Cùng với đó, yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền hỗ trợ một phần từ ngân sách nhà nước cho các xã để xây dựng đường giao thông đến trung tâm xã, đường giao thông thôn, xóm, giao thông nội đồng, hệ thống thủy lợi, trường học, trạm y tế xã, trung tâm văn hóa, thể thao xã, nhà văn hóa - khu thể thao thôn, các công trình cấp nước sinh hoạt, thoát nước thải khu dân cư, cải tạo nghĩa trang, cảnh quan môi trường nông thôn; cải tạo, mở rộng, nâng cấp hệ thống lưới điện nông thôn.

Về giáo dục, đến năm 2020, duy trì vững chắc kết quả phổ cập giáo dục tiểu học của tất cả 63 đơn vị cấp tỉnh, trong đó ít nhất 40% số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; huy động được 99,7% trẻ 6 tuổi vào học lớp 1, tỷ lệ lưu ban và bỏ học ở tiểu học dưới 0,5%.

Tất cả các đơn vị cấp tỉnh, tất cả các đơn vị cấp huyện và 99,5% số đơn vị cấp xã phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi theo quy định của Chính phủ…/.