Theo Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Kiên Giang về xây dựng nông thôn mới, đến nay, Kiên Giang đã có 18/118 xã và huyện Tân Hiệp đạt chuẩn nông thôn mới, bình quân toàn Tỉnh đạt 14,5 tiêu chí/xã, không còn xã nào dưới 5 tiêu chí. Ở các địa phương, nhiều xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, đang chờ thẩm định thông qua.

Tân Thuận là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2017

Theo Nghị quyết của Tỉnh ủy Kiên Giang, mỗi năm Tỉnh sẽ phấn đấu tăng ít nhất từ 9-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và đến cuối năm 2020, toàn Tỉnh sẽ có 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh Kiên Giang sẽ tập trung đầu tư hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của cư dân, như: giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học các cấp, trạm y tế xã, nhà văn hóa và khu thể thao ấp. Nâng cao chất lượng cuộc sống của cư dân nông thôn.

Theo đó, phải tạo ra nhiều mô hình sản xuất gắn với giải quyết việc làm ổn định cho nhân dân, nâng mức thu nhập bình quân đạt khoảng 50 triệu đồng/người/năm (tăng 1,8 lần so năm 2015). 80% đường liên ấp nhựa hóa hoặc bê tông hóa, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân từ 1% đến 1,5%/năm, riêng các xã đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ hộ nghèo 2%/năm theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2016-2020. Về tỷ lệ hộ tham gia bảo hiểm y tế trên 85%; tỷ lệ hộ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt trên 95%; giải quyết việc làm từ 35.000 – 40.000 lao động/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 67%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%….

Tỉnh Kiên Giang cũng đang tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ công tác xây dựng nông thôn mới chú trọng chất lượng, hiệu quả và bền vững, góp phần thực hiện tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của Tỉnh.

Bên cạnh đó, xây dựng nông thôn mới phải đạt được các mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân nông thôn; gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, nhất là những sản phẩm lợi thế, tiềm năng, chủ lực của tỉnh là lúa gạo, thủy sản… Xây dựng nông thôn mới không chạy theo thành tích, không huy động quá sức dân, không để nợ đọng xây dựng cơ bản và đảm bảo tính bền vững.

Ngoài ra, Tỉnh cũng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, phát huy truyền thống, tinh thần tương thân, tương ái của dân tộc để người dân tự thực hiện tốt phần trách nhiệm của mình; các địa phương kiện toàn lại các Ban Chỉ đạo, phân công trách nhiệm.

Tập trung lồng ghép các nguồn lực, rà soát lại các danh mục không để trùng lắp các nguồn vốn, nhằm phát huy tối đa các nguồn lực để thực hiện có hiệu quả các chương trình; tổ chức bình xét đạt các tiêu chí đảm bảo đúng thực chất, tránh hình thức; đồng thời tăng cường tác tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nguồn vốn, gắn với phát huy tốt vai trò giám sát của cộng đồng và vận dụng các chủ trương, chính sách cho phù hợp với tình hình địa phương./.