Văn hóa - động lực phát triển nông thôn mới

Văn hóa giữ vai trò quan trọng, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Trong xây dựng nông thôn mới, mục tiêu cuối cùng chính là nâng cao đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần cho người dân ở nông thôn. Nhằm thực hiện mục tiêu ấy, đầu năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 22/QĐ-TTg, phê duyệt Đề án Phát triển văn hóa nông thôn đến năm 2015, định hướng đến năm 2020.

Đề án hướng đến việc nâng cao chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa, thực hiện các tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, tạo nền tảng vững chắc để phát triển văn hóa nông thôn mới trên địa bàn xã; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng con người, gia đình, cộng đồng nông thôn và môi trường văn hóa nông thôn lành mạnh, phong phú, giàu bản sắc, tạo động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Đề án đưa ra 7 tiêu chí phát triển văn hóa nông thôn mới cấp xã, bao gồm: nhà văn hóa và khu thể thao xã đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; có từ 70% số thôn, bản trở lên đạt tiêu chuẩn làng văn hóa; 100% thôn có nhà văn hóa và khu thể thao đạt quy định; môi trường đạt chuẩn theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở, giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội, xã đạt danh hiệu lành mạnh không có tệ nạn xã hội; bảo vệ tốt di tích lịch sử, văn hóa, cảnh quan thiên nhiên và các di sản văn hóa dân tộc; làm tốt công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.

Lễ hội Trường Yên

Có thể thấy rõ văn hóa nông thôn đã có sự cải thiện sau 7 năm cả nước chung tay thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đời sống vật chất dần được nâng lên, nhiều nhu cầu về văn hóa tinh thần được đáp ứng, mức độ giao lưu tiếp xúc với bên ngoài của nông dân được mở rộng hơn. Trường học được xây dựng nhiều hơn, khang trang hơn. Hệ thống chợ mở rộng hơn, sầm uất hơn, hàng hóa đa dạng, phong phú hơn, đời sống vật chất được nâng cao. Nhiều hủ tục đã dần được loại bỏ. Các thiết chế văn hóa phục vụ đời sống tinh thần được mở rộng…

Vẫn chạy theo hình thức

Tuy nhiên, trong thực tế đang diễn ra tình trạng hệ thống thiết chế văn hóa ở nông thôn tuy đã đi vào hoạt động nhiều năm, nhưng kém hiệu quả, nhiều công trình văn hóa, thể thao thiếu người tham gia, hoạt động cầm chừng, chỉ diễn ra “xuân thu nhị kỳ” vào những dịp lễ, Tết. Nhiều nhà văn hóa ít khi hoạt động và thường khóa cửa…

Có thể thấy tình trạng này trong các địa phương cả nước, như: Trung tâm văn hóa, thể thao xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình được đầu tư 3,5 tỷ đồng với số phòng hội nghị có sức chứa gần 400 người, được trang bị bàn ghế, phông màn, loa máy…, nhưng công suất sử dụng dù cố gắng hết sức, chỉ đạt khoảng 70%; Khu trung tâm văn hóa, thể thao xã Tam Bình, huyện Cai Lậy tỉnh Tiền Giang nằm trong khuôn viên rộng 1.700 m2 được đầu tư 4,1 tỷ đồng, nhưng sau hơn một năm đi vào hoạt động, ngoài tổ chức ba hội diễn văn nghệ và các hội nghị, thỉnh thoảng mới trở thành nơi tập luyện văn nghệ, thể thao, giao lưu đờn ca tài tử, thời gian còn lại nằm trong tình trạng đóng cửa; Nhà Văn hóa huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên được xây dựng rất hoành tráng với hơn 9,2 tỷ đồng, song phần lớn thời gian thì “nằm im”, sân nhà văn hóa trở thành bãi đỗ xe, nơi thả trâu bò…

Có nhiều lý do để giải thích sự yếu kém trong khai thác, sử dụng các nhà văn hóa ở nông thôn, song nguyên nhân chính vẫn là địa phương chỉ quan tâm xây dựng quy mô to đẹp, nhưng không chú ý nội dung hoạt động bên trong, chỉ lo cái vỏ để chạy theo thành tích. Nội dung hoạt động của các nhà văn hóa còn rất nghèo nàn, kém hấp dẫn.

Bên cạnh đó, do đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao thôn, xã còn thiếu và yếu, chủ yếu sử dụng cán bộ kiêm nhiệm trái ngành nghề, không sáng tạo được những hoạt động phong phú, gần gũi cuộc sống, được người dân yêu thích.

Trong khi đó, nguồn kinh phí cho hoạt động văn hóa rất eo hẹp, các trung tâm văn hóa, thể thao ở cấp huyện đều dựa vào kinh phí nhà nước cấp, còn cấp xã lại càng hạn hẹp hơn, tùy vào điều kiện khả năng thu ngân sách của địa phương. Nguồn tài chính hoạt động ở các nhà văn hóa, thể thao thôn, xóm chủ yếu do nhân dân đóng góp.

Hơn nữa, hiện nay, không ít di sản bị xâm hại do tác động của thiên nhiên và do các công trình xây dựng mới. Nhiều làng cổ mà điển hình là làng cổ Ðường Lâm (Hà Nội) đang mất dần vẻ đẹp cổ kính hiếm có của nó bởi sự lấn át của bê-tông hóa và xây dựng mới.

Cần đi vào thực chất

Ðể giải quyết tình trạng trên, cần sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo các địa phương với nhận thức: xây dựng nông thôn mới không thể thiếu việc xây dựng cơ sở vật chất cho văn hóa và thể thao nhưng không chỉ dừng lại ở chỗ chỉ xây cái vỏ tức là cái nhà, trụ sở mà phải đồng thời đầu tư cho cái ruột tức là bộ máy khỏe, hoạt động phong phú, đa dạng, lôi cuốn đông người tham gia. Như vậy phải giải quyết hàng loạt vấn đề như tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ văn hóa cơ sở, đầu tư trang thiết bị và kinh phí cho hoạt động... Nhà văn hóa, khu thể thao phải thật sự là trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao của mọi tầng lớp nhân dân.

Bên cạnh việc xây dựng các công trình văn hóa, thể thao mới thì việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa là vô cùng quan trọng. Quá trình xây dựng nông thôn mới là phải giữ bằng được những di sản, linh hồn của làng quê. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản lịch sử và văn hóa chính là làm sao cho bộ mặt nông thôn mới hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, giữ được cái hồn cốt của làng quê trong không gian sống và không gian văn hóa.

Mặt khác, muốn xây dựng nông thôn mới và phát triển văn hóa nông thôn một cách bền vững, vấn đề tiên quyết là con người. Nông thôn đang rất cần lớp người giỏi nghề nông lại nắm bắt được khoa học, kỹ thuật hiện đại. Các chính sách đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, áp dụng khoa học, công nghệ trong sản xuất... có tác động rất lớn đến việc hình thành và phát triển lớp người ấy. Và chính họ, với những tri thức, hiểu biết hiện đại sẽ giữ vai trò nòng cốt trong việc xây dựng đời sống văn hóa cho nông thôn mới, vừa hiện đại vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Trong giai đoạn hiện nay, nhu cầu của người dân nông thôn chính là an toàn về đầu tư phát triển kinh tế hộ, có điều kiện cập nhật thông tin, công nghệ, khoa học kỹ thuật nhằm áp dụng vào sản xuất, được đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, giải trí… Đây là những vấn đề hết sức quan trọng. Nó đặt ra cho các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa xã hội ở nông thôn hàng loạt vấn đề cần giải quyết để đáp ứng nhu cầu ấy. Vì thế, ở tầm vĩ mô, cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ phát triển văn hóa nông thôn, đồng thời tăng cường nguồn lực phát triển văn hóa nông thôn. Xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả Quỹ phát triển văn hóa nông thôn nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển văn hóa nông thôn; lồng ghép Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, nhiệm vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch ở các cấp với việc thực hiện mục tiêu phát triển văn hóa nông thôn./.