Những chuyển biến rõ rệt

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có 1.284 xã thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (chiếm 14% tổng số xã của cả nước). Hiện, Đồng bằng sông Cửu Long có 259 xã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới, trong đó, 240 xã đã có quyết định công nhận; 154 xã đạt 15-18 tiêu chí; 635 xã đạt 10-14 tiêu chí; 228 xã đạt 5-9 tiêu chí và còn 3 xã đạt dưới 5 tiêu chí.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện cao hơn bình quân chung của cả nước. Nhờ việc triển khai tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người của vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 10%. Tỉ lệ hộ nghèo giảm 10,% năm 2012 xuống còn 6,5 năm 2015 và dự kiến chỉ còn khoảng 6,2% năm 2017.

Mức độ đạt tiêu chí nông thôn mới của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện cao hơn bình quân chung của cả nước

Bên cạnh đó, nhận thức của phần lớn cán bộ và người dân về chương trình đã có chuyển biến rõ nét, đời sống văn hóa tinh thần của người dân ở nông thôn không ngừng được nâng cao. Xây dựng nông thôn mới đã trở thành phong trào rộng khắp trong nhân dân, kể cả đồng bào các dân tộc ở vùng sâu, vùng xa. Đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở đã có bước trưởng thành lớn trong nhận thức, khả năng vận động quần chúng và trình độ tổ chức, quản lý xây dựng nông thôn mới.

Mặt khác, hạ tầng nông thôn đã có bước phát triển rõ rệt, nhất là về giao thông, điện, thay thế cầu tạm... tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển sản xuất và lưu thông hàng hóa. Các địa phương đã ưu tiên tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi; cùng với sự đồng tình, hưởng ứng của cán bộ và người dân, trở thành phong trào sâu rộng trong toàn vùng, đã làm thay đổi vượt bậc về hạ tầng, góp phần tạo động lực trong phát triển sản xuất, cải thiện điều kiện sống của cư dân nông thôn. Toàn vùng cơ bản hoàn thành mục tiêu xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ.

Song, hiệu quả chưa đạt mong đợi

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thực tế rằng, việc thực hiện chương trình nông thôn mới tại Đồng bằng sông Cửu Long còn tồn tại những hạn chế nhất định. Trong những năm qua, tỉ lệ tăng trưởng của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng giảm rõ rệt. Nếu năm 2010, tỉ lệ tăng trưởng đạt 11,34% thì sang năm 2016, tỉ lệ này chỉ còn 6,9%. Điều đó cho thấy, việc xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long đã không đem lại hiệu quả như mong đợi, còn nhiều tiêu chí hạn chế trong phát triển kinh tế vùng.

Tại Diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long 2016 (Mekong Delta Forum 2016), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số nguyên nhân trong xây dựng nông thôn mới còn kém hiệu quả:

Một là, thiếu sự liên kết một cách hiệu quả giữa các tỉnh. Có tình trạng tỉnh nào biết tỉnh đó, thiếu kế hoạch liên kết vùng để hỗ trợ nhau cùng phát triển.

Hai là, việc kêu gọi đầu tư phát triển công nghiệp gặp khó khăn vì thiếu các điều kiện như xa nguồn năng lượng, suất đầu tư xây dựng lớn do xa nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Các nhà đầu tư chủ yếu khai thác nhân công giá rẻ và hưởng các ưu đãi.

Ba là, chưa có chiến lược phát triển công nghiệp phù hợp, tương xứng với thế mạnh của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngành chế biến thủy hải sản tuy có nhiều tiến bộ nhưng vẫn thiếu những cách làm mới, hiện đại, sáng tạo; chưa biết cách tối ưu hóa chuỗi sản xuất.

Bốn là, chất lượng và số lượng thủy hải sản không ổn định, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, tư duy thị trường còn manh mún, nên sản phẩm chưa đủ đa dạng để đáp ứng các nhu cầu cao cấp của thị trường để qua đó, xác lập uy tín, thương hiệu quốc tế của sản phẩm.

Năm là, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa cả nước nhưng chưa tạo dựng được thương hiệu, uy tín, vẫn giá trị gia tăng thấp, nên giá trị xuất khẩu không cao.

Tiếp tục tháo gỡ khó khăn

Để tháo gỡ những nút thắt trong xây dựng nông thôn mới ở Đồng bằng sông Cửu Long, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về chương trình xây dựng nông thôn mới. Phải làm cho người dân hiểu và tin rằng xây dựng nông thôn mới là mang lại lợi ích cho chính họ. Từ đó phát huy được sức mạnh cộng đồng, huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Thực hiện tốt công tác tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú kết hợp với sự vào cuộc của hệ thống chính trị cơ sở, đặc biệt là tính gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Việc tuyên truyền phải thiết thực, gắn với những hành động cụ thể, lựa chọn các mô hình tiêu biểu để nhân rộng. Trong điều kiện nguồn vốn còn hạn chế, cần vận động người dân chủ động tham gia thực hiện một số tiêu chí không cần nguồn kinh phí hỗ trợ như: tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, khang trang...

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh các tiêu chí cho phù hợp với từng địa phương, khu vực. Xây dựng nông thôn mới là công việc lâu dài, do đó việc thực hiện các tiêu chí ở địa phương cần có kế hoạch và căn cơ cụ thể. Việc đánh giá kết quả xây dựng nông thôn mới phải dựa trên sự tiến bộ xã hội, dựa trên sự thay đổi cả đời sống vật chất và tinh thần của người dân, tránh việc chạy theo thành tích mà thiếu thực chất. Để xây dựng nông thôn mới đi vào thực chất, các địa phương cần rà soát lại quy hoạch, cần quan tâm đến những vấn đề bức xúc trong dân để từ đó có sự lựa chọn đầu tư hoàn thiện, những tiêu chí có ý nghĩa cấp thiết làm thay đổi đời sống của người dân.

Thứ ba, tập trung huy động mọi nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Trung ương cần nâng mức phân bổ vốn chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới để hỗ trợ đầu tư cho các mô hình sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Nên có cơ chế đặc thù cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long trong đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, do đặc điểm của khu vực này có suất đầu tư cao hơn các khu vực khác. Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, cần có các chính sách đặc thù thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, huy động nguồn đóng góp sức người, sức của từ người dân thông qua việc đóng góp ngày công lao động, hiến đất xây dựng...

Thứ tư, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Đẩy mạnh quy hoạch vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung gắn với đầu tư đồng bộ hạ tầng sản xuất, chế biến để nâng cao giá trị nông sản, nhất là nông sản xuất khẩu. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân. Tập trung xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất lớn có hiệu quả như “cánh đồng lớn”, các hợp tác xã kinh doanh tổng hợp, các trang trại gắn với bao tiêu sản phẩm, áp dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp (sản xuất theo mô hình VietGAP, GlobalGAP...) nhằm tạo chuyển biến trong sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Tăng cường “liên kết 4 nhà” theo chuỗi giá trị, giải quyết tốt vấn đề thị trường đầu ra cho sản phẩm.

Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với xây dựng nông thôn mới, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân trong xây dựng nông thôn mới. Có cơ chế phối hợp chặt chẽ và lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như chương trình xóa đói giảm nghèo... Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ cấp cơ sở ở nông thôn những nhận thức về vai trò của nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho đội ngũ này, bởi lẽ đây là đội ngũ trực tiếp làm công tác xây dựng nông thôn mới.

Thứ sáu, thường xuyên sơ kết, tổng kết chương trình, qua đó rút ra những bài học từ thực tiễn, phát hiện những mô hình triển khai có hiệu quả từ đó tổ chức nhân rộng. Công tác sơ kết, tổng kết phải được tiến hành nghiêm túc, thực chất, không chạy theo thành tích, hình thức để có thể rút kinh nghiệm cho những năm tiếp theo. Đẩy mạnh liên kết vùng trong trong xây dựng nông thôn mới, nhất là trong xúc tiến thương mại, giải quyết vấn đề thị trường tiêu thụ, trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội./.