Tối ngày 17/12 tại TP. Tam Điệp (tỉnh Ninh Bình), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã trao Quyết định công nhận Thành phố Tam Điệp hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2017.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho lãnh đạo TP. Tâm Điệp

Như vậy, sau khi huyện Hoa Lư được công nhận cách đây đúng một năm, thì TP. Tam Điệp là đơn vị cấp huyện thứ 2 của tỉnh Ninh Bìnhhoàn thành xây dựng nông thôn mới.

Theo đó, 4/4 xã thuộc Thành phố đều đạt chuẩn xã nông thôn mới sau 7 năm thực hiện Chương trình, hoàn thành trước từ 3 đến 4 năm so với Đề án của địa phương.

Qua kết quả lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người dân đã có trên 93% hộ dân được lấy ý kiến hài lòng với kết quả xây dựng NTM của thành phố.

Thành phố tập trung huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, nâng cấp hệ thống giao thông, điện, đường, trường học..., tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, đáp ứng nhu cầu sản xuất và dân sinh. Đặc biệt, hệ thống giao thông được đầu tư nâng cấp, cải tạo đồng bộ từ thành phố cho đến xã, phường, thôn, xóm.

Sản xuất nông nghiệp tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển đổi mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Giá trị sản xuất trên 1 ha đất nông nghiệp bình quân đạt 109 triệu đồng/ha.

Sau khi thực hiện xong công tác dồn điền, đổi thửa, trên địa bàn thành phố hình thành các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như: chuyển đổi trên 65 ha đất cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây sen kết hợp thả cá, doanh thu đạt 112 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi 10 ha đất lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, doanh thu đạt 175 triệu đồng/ha/năm; chuyển đổi gần 450 ha đất cấy lúa vụ mùa năng suất thấp sang sản xuất lúa tái sinh kết hợp với nuôi cá vụ, doanh thu đạt 109 triệu đồng/ha/năm.

Cùng với đó, thành phố Tam Điệp vận động nhân dân đưa các giống cây có giá trị (dứa cayen, lạc tiên, nhãn muộn, thanh long ruột đỏ, cây dược liệu...) vào cơ cấu cây trồng vùng đồi và liên kết với các doanh nghiệp chế biến nông sản trên địa bàn tiêu thụ sản phẩm.

Tiếp tục duy trì và phát triển 10 làng nghề trồng đào phai với diện tích 172 ha, tăng gấp 2 lần so với năm 2010, giá trị sản phẩm đạt 190 triệu đồng/ha. Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp có mức tăng trưởng khá, sản lượng, chất lượng sản phẩm hàng năm đều tăng.

Tỷ lệ lao động trong độ tuổi của các xã có việc làm đạt gần 95%, thu nhập bình quân đầu người của các xã đạt trên 33,3 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 21 triệu đồng so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo ở các xã chiếm 1,75%, giảm 8,45% so với năm 2010.

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, môi trường ngày càng được nâng cao, bản sắc văn hóa dân tộc được giữ gìn và ngày càng phát triển; môi trường sinh thái được bảo vệ./.