Một phong trào được toàn ngành hưởng ứng

Thực hiện Quyết định số 1620/QĐ-TTg, ngày 20/09/2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc Ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, ngày 15/10/2012, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) đã ban hành Quyết định số 1329/QĐ-BKHĐT về Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới” và đã tổ chức Lễ phát động phong trào thi đua trên trong toàn Ngành. Tiếp tục giai đoạn 2 (2016-2020) thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới (Chương trình), Bộ KHĐT cũng đã ban hành Quyết định số 1436/QĐ-BKHĐT, ngày 04/10/2016 về Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020. Các cuộc phát động nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của các đơn vị thuộc Bộ, các sở, ban quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế và khu chế xuất (KCN, KKT, KCX) các tỉnh, thành phố cùng chung sức xây dựng nông thôn mới trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hướng tới đạt được những mục tiêu của Chương trình giai đoạn 2011-2020.

Bộ KHĐT đã đề ra nhiệm vụ cụ thể, gắn với từng đơn vị trong toàn Ngành theo 3 nhóm nội dung: Nhóm về triển khai công tác chỉ đạo, tuyên truyền phong trào thi đua; Nhóm về xây dựng cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực trong và ngoài nước xây dựng nông thôn mới; Nhóm về xây dựng, chỉ đạo điểm mô hình giúp các địa phương, các xã sớm đạt được các tiêu chí về nông thôn mới.

Trong giai đoạn 1 của Chương trình (2011-2015), Bộ KHĐT đã phối hợp với các sở KHĐT, ban chỉ đạo chương trình nông thôn mới và chính quyền cấp huyện, xã ở 3 tỉnh: Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An tiến hành khảo sát, xác định nhu cầu hỗ trợ, lên phương án chỉ đạo để sớm giúp 3 xã điểm (gồm: xã Đông Phương, Huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình; xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu tỉnh Nghệ An và xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hóa) đạt các tiêu chí nông thôn mới, theo đúng nhiệm vụ của Ban chỉ đạo quốc gia đã giao cho Bộ về chỉ đạo điểm mô hình.

Sang giai đoạn 2 (2016-2020), Bộ tiếp tục thực hiện chỉ đạo điểm tại xã Quỳnh Yên và chỉ đạo 02 đơn vị mới tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị và xã Điền Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Nội dung tập trung vào việc hỗ trợ, hướng dẫn cơ chế chính sách, huy động nguồn lực, vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng, quy hoạch phát triến kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống (y tế, giáo dục, văn hóa, thể thao...) và tạo việc làm cho lao động nông thôn.

Có thể nói, phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới” đã thực sự đi vào cuộc sống, đến được tới từng cán bộ, công chức, viên chức người lao động trong toàn Ngành và cộng đồng, trở thành phong trào thi đua trọng tâm, nòng cốt của Ngành trong giai đoạn hiện nay. Cùng với các phong trào thi đua, Bộ KHĐT đã phát huy thế mạnh chuyên môn trong xây dựng nông thôn mới, như việc cân đối và phân bổ nguồn lực cho Chương trình thuộc nguồn vốn ngân sách trung ương. Điển hình là giai đoạn 2014-2016, Bộ KHĐT đã tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội cho chủ trương về phát hành 15.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ đầu tư để thực hiện Chương trình. Riêng năm 2014, Thủ tướng đã giao 4.765 tỷ đồng cho các địa phương thực hiện Chương trình.

Ở các sở KHĐT đều đã đăng ký chỉ đạo điểm tại các xã với một số nội dung cụ thể: Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho lãnh đạo cấp xã và bà con nông dân hiểu về Chương trình; Xây dựng cơ chế chính sách; Trực tiếp làm quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu dân cư, quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, ngành nghề cho xã, quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa; Xây dựng “cánh đồng mẫu lớn,” “cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp”; Trực tiếp tư vấn, giúp đỡ chính quyền xã trong việc lựa chọn danh mục ưu tiên đầu tư, phát triển hạ tầng... Tổ chức tốt hoạt động này là các tỉnh tiêu biểu như: Hà Nội, Thái Bình, Thừa Thiên Huế, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An.

Các ban quản lý các KKT, KCN, KCX hầu hết đã phối hợp với UBND xã, huyện quy hoạch nông thôn mới, quy hoạch khu chức năng trên địa bàn xã, huyện, quy hoạch nông thôn, quy hoạch khu dân cư xây dựng nông thôn mới tránh trùng lắp với các quy hoạch khác; Phối hợp với các doanh nghiệp trong khu kinh tế đào tạo nghề cho nông dân, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại chỗ, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số; Xây dựng và triển khai đề án giúp đỡ xã khó khăn, xã kết nghĩa, giúp xã từ khâu xây dựng và xác định danh mục đầu tư ưu tiên... Tiêu biểu, như: Khu kinh tế Vũng Áng, Khu công nghiệp Nam Định; Khu công nghiệp Bắc Ninh; Khu công nghiệp Kon Tum; Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Hà Tĩnh…

Để đạt kết quả nhiều hơn nữa

Mục tiêu thực hiện trong Kế hoạch thực hiện phong trào thi đua “Ngành Kế hoach, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 đặt ra chỉ tiêu: 100% các đơn vị thuộc Bộ, sở KHĐT, ban quản lý các KCN, KCX, KKT các địa phương tiếp tục đăng ký thi đua tham gia triển khai phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020; Đến năm 2020, 100% đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ đăng ký thi đua trong phong trào “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020; Đến năm 2020, 100% đơn vị chỉ đạo điểm của Bộ KHĐT hoàn thành cơ bản các tiêu chí nông thôn mới. Để hoàn thành mục tiêu trên trong, cần chú trọng thực hiện một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn vận động các đơn vị (các đơn vị thuộc Bộ KHĐT, các sở KHĐT, ban quản lý các KCN, KCX, KKT, Cục Thống kê) triển khai Quyết định 1436/QĐ-BKHĐT của Bộ trưởng Bộ KHĐT về Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phấn đấu 100% các đơn vị hưởng ứng, thực hiện và đăng ký phần việc, nội dung hỗ trợ nông thôn mới.

Thứ hai, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phong trào thi đua “Ngành Kế hoạch, Đầu tư và Thống kê chung sức xây dựng nông thôn mới”. Phối hợp với Đảng uỷ cơ quan, các tổ chức Công đoàn, Đoàn thanh niên, các Hội và đoàn thể khác của Bộ; các báo, tạp chí của Bộ tuyên truyền, vận động các hội viên, đoàn viên tích cực tham gia các nội dung của phong trào xây dựng nông thôn mới; phát hiện nhân rộng các điển hình trong phạm vi toàn Ngành.

Thứ ba, tăng cường công tác kiểm tra tình hình hình triển khai phong trào nông thôn mới ở các đơn vị. Tiến hành đánh giá kết quả bước đầu của phong trào, kịp thời biểu dương, khen thưởng cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới.

Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách nhằm giúp đỡ các xã điểm mà các đơn vị trong Bộ, trong Ngành đã đăng ký trong giai đoạn 2011-2020. Đảm bảo đến năm 2020, 100% các xã chỉ đạo điểm hoàn thiện 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.