Là một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn nhưng trong những năm qua, tỉnh Tuyên Quang phát huy được tinh thần đoàn kết và quyền làm chủ của nhân dân, từ làm đường, xây nhà, xóa đói giảm nghèo đến phát triển kinh tế địa phương.

Sau 7 năm triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, đến nay Tuyên Quang đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân lên 12 tiêu chí/xã.

Ông Nguyễn Huy Hùng, Phó Chánh văn phòng Điều phối Chương trình mục tiêu Quốc gia nông thôn mới tỉnh Tuyên Quang cho biết, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới Tuyên Quang gặp rất nhiều khó khăn: người dân chủ yếu làm nông nghiệp, số hộ nghèo cao, diện tích đất xây dựng, đất sản xuất còn hạn chế... Trong khi, mức kinh phí để hỗ trợ cho người dân có hạn. Vì vậy, tỉnh Tuyên Quang đã xác định cần phát huy nội lực để xây dựng nông thôn mới, trong đó, người dân là lực lượng làm chủ thực hiện xây dựng quê hương.

Theo đó, tỉnh đã quán triệt đến từng huyện, xã phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về xây dựng nông thôn mới; phát huy quyền làm chủ của nhân dân, dân biết, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, tạo sự đồng thuận từ các cấp chính quyền đến người dân… Từ đây, những khó khăn trong xây dựng nông thôn mới ở Tuyên Quang từng bước được khắc phục.

Hơn nữa, nhờ thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo nông thôn ở Tuyên Quang đã có sự thay đổi tích cực, điển hình như Chương trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, với phương châm “nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”.

Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Tuyên Quang đã huy động được trên 1.550 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ 48%, nhân dân đóng góp 52%) để bê tông hóa trên 2.700 km đường giao thông nông thôn, nhân dân tự nguyện hiến trên 41.847 m2 đất để làm đường…

Tính riêng năm 2017, tổng nguồn vốn huy động thực hiện chương trình xây dựng nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt khoảng trên 2.197 tỷ đồng; trong đó vốn huy động từ nhân dân đạt trên 129 tỷ đồng…

Năm 2018, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt trên 13 tiêu chí/xã; có thêm 06 xã hoàn thành đạt chuẩn nông thôn mới (Lăng Can, huyện Lâm Bình; Phúc Thịnh, huyện Chiêm Hóa; Nhân Mục, huyện Hàm Yên; Phúc Ninh, huyện Yên Sơn; Sơn Nam, huyện Sơn Dương; Thái Long, thành phố Tuyên Quang); duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng các tiêu chí tại 23 xã đã đạt chuẩn nông thôn mới./.